Ước đến hết 31/12/2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng ký năm ngoái. |
Đây là con số mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra đầu giờ sáng nay (24/12) với thông điệp “hoàn toàn có thể chấp nhận được”.
Cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi bản tin đáng chú ý: Trong 10 tháng đầu năm 2010, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ở mức xấp xỉ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng; chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực này cũng được đảm bảo.
Cụ thể, nguồn tin trên cho biết, theo báo cáo đến ngày 31/10/2010, tổng dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 224.843 tỷ đồng, tăng 22,01% so với 31/12/2009, trong đó tăng trưởng tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống cùng thời kỳ là 23,87%. Ước đến hết 31/12/2010, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản đạt khoảng 228.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng ký năm ngoái.
“Đây là tỷ lệ hoàn toàn có thể chấp nhận được trong điều kiện mặt bằng lãi suất hiện nay. Nhìn chung, các dự án bất động sản có hiệu quả luôn được các tổ chức tín dụng xem xét và đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời”, bản tin đưa ra nhận định.
Đáng chú ý là trong lĩnh vực bất động sản, việc cho vay ưu đãi cũng được thực hiện bởi Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang thực hiện cho vay đối với hộ nghèo về nhà ở theo quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và cho vay đối với chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long theo quyết định số 1151/2008/QĐ-TTg ngày 26/8/2008 và quyết định số 1600/2009/QĐ-TTg ngày 15/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay ưu đãi đối với một số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở (thuộc ngành nghề, lĩnh vực được hưởng ưu đãi vay vốn tín dụng) theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006, Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và một số quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, cho sinh viên, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
Cũng theo nguồn tin trên, có thể nói, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện việc cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức tín dụng cũng đã căn cứ vào định hướng chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, cân đối một phần nguồn vốn kinh doanh để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo cơ chế tín dụng thương mại, hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thành nguồn cung bất động sản.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng thông qua các sản phẩm tín dụng thích hợp để cung ứng vốn tín dụng cho các đối tượng đã có nhu cầu về bất động sản như cho vay mua nhà, thuê bất động sản… Các hình thức cho vay bất động sản trong thời gian qua khá đa dạng: cho vay chủ đầu tư các dự án, cho vay các đơn vị xây lắp, cho vay đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua, sử dụng các sản phẩm của dự án như căn hộ, văn phòng…
Hiện nay, các chương trình tín dụng chính sách về nhà ở của Chính phủ đã từng bước được triển khai: chương trình cho vay nhà ở dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp đã được triển khai tại các địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực.
Các chương trình tín dụng về cho vay hộ nghèo về nhà ở (theo quyết định 167/2008/QĐ-TTG) và chương trình cho vay xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long của Ngân hàng Chính sách xã hội được giải ngân đúng kế hoạch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, nguồn tin không nêu rõ tỷ trọng tín dụng cụ thể ở loại hình cho vay được ưu đãi hoặc theo các chương trình nói trên.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: