Top

Đại gia ngành xây dựng: Kẻ báo lỗ, người "lao dốc" không phanh!

Cập nhật 28/10/2019 08:00

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, bên cạnh những doanh nghiệp giữ vững "phong độ" thì không ít "đại gia" lao đao với kết quả bết bát.

Đạt Phương đã tham gia thực hiện nhiều công trình giao thông lớn như cầu Thanh Trì (Hà Nội), cầu Thủ Thiêm, cầu vượt An Sương - An Lạc (TP.HCM)...

Đạt Phương lần đầu báo lỗ

Công ty CP Đạt Phương (mã CK: DPG) là nhà thầu có tên tuổi trong làng xây dựng với thành tích trúng nhiều gói thầu “khủng” trong gần 4 năm trở lại đây.

Cùng với quá trình tăng vốn điều lệ liên tiếp, Đạt Phương dần tiến sang những lĩnh vực mới như thủy điện, bất động sản và sắp tới dự kiến tiếp tục lấn sân sang mảng nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp…

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 vừa công bố, bức tranh kết quả kinh doanh của Đạt Phương không mấy sáng sủa.

Cụ thể, trong quý 3, doanh thu thuần của DPG là 263,4 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết doanh thu từ các mảng kinh doanh chính của DPG như hợp đồng xây dựng, bán điện thương phẩm, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đều sụt giảm. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng sụt giảm nhiều nhất.

Lãi gộp trong kỳ của Đạt Phương chỉ đạt 35,2 tỷ đồng, giảm tới 56% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi phí tài chính chiếm khá lớn (chủ yếu chi phí lãi vay) với 53,4 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.

Kết quả sau khi trừ đi các chi phí, quý 3 Đạt Phương báo lỗ 29,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn báo lãi hơn 33,6 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Đạt Phương báo lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2017 tới nay.

Tính chung 9 tháng, Đạt Phương có doanh thu 764 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lãi 9 tháng chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số ghi nhận lên tới 101 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2019, khoảng cách đến với kế hoạch lãi 513 tỷ đồng đặt ra là khá xa vời.

Một điểm đáng lưu ý, nợ phải trả của Đạt Phương lên tới 4.087 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với con số 3.600 tỷ đồng đầu năm, chiếm 80% tổng nguồn vốn công ty.

Trước đó, cổ phiếu DPG của Đạt Phương chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM và đã có phiên chào sàn tăng trần lên 43.400 đồng. Chỉ sau 3 tháng, DPG đã tăng hơn 240%, có thời điểm giá cổ phiếu này lên đến 140.000 đồng. Tại phiên giao dịch gần đây nhất (ngày 25/10), mã DPG ở mức 44.750 đồng/cp.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Đạt Phương dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động sang mảng nhà hàng, khách sạn (mục tiêu 5 năm tới có 500 phòng khách sạn loại 4 - 5 sao) và thuê các đơn vị quản lý khách sạn quốc tế vận hành. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khu công nghiệp và khu công nghiệp kết hợp đô thị.

Nhà thầu nổi tiếng kinh doanh "lao dốc"

Công ty CP xây dựng Coteccons (Mã CK: CTD) trước đó cũng đã công bố báo BCTC quý III/2019 với tình hình kinh doanh không mấy khả quan.

Cụ thể trong kỳ doanh thu Coteccons đạt tổng cộng 6.224,6 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các chi phí, Coteccons ghi nhận lợi nhuận 165 tỷ đồng trong quý 3, giảm hơn 65% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, Coteccons đạt 16.262 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 477 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 60% so với 9 tháng đầu năm 2018.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2019 giảm, Coteccons cho biết, doanh thu giảm do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.

Cùng với đó, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận.

Ban lãnh đạo Coteccons cũng cho biết, doanh thu tài chính giảm chủ yếu đến từ việc chủ đầu tư xác nhận chậm, dòng tiền thu từ khách hàng chậm, công ty phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Đồng thời trong kỳ, công ty đã tăng vốn điều lệ rót vào công ty đầu tư Covestcons nên làm giảm nguồn tiền tiết kiệm, ảnh hưởng đến doanh thu tài chính quý III/2019.

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) cũng công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 hợp nhất cho thấy, tính riêng quý 3 vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ. Song nếu tính luỹ kế 9 tháng, doanh thu lại có xu hướng giảm.

Cụ thể, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 5.186, giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 205 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.

Doanh thu của Ricons chủ yếu đến từ hợp đồng xây dựng, hoạt động bán vật liệu xây dựng; và 2 mảng hoạt động này có doanh thu giảm nhẹ trong 9 tháng đầu năm 2019.

Theo công bố ngày 30/9, tổng tài sản của Ricons đạt gần 4.681 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với hồi đầu năm, chủ yếu giảm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm 1.200 tỷ đồng).

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí