Tín dụng đen được coi là mặt trái của hoạt động tín dụng và rất... “vô chính phủ”. Người ta thường nói nhiều đến mặt trái của loại hình tín dụng này, tuy nhiên trong thời điểm khủng hoảng tín dụng đen như hiện nay, đây còn là cơ hội tốt cho ngành ngân hàng.
Ngân hàng cần học tập những điểm mạnh của tín dụng đen. Đó là giải quyết hồ sơ giấy tờ nhanh chóng, giải ngân đúng thời điểm khách hàng thực sự cần và tận dụng mạng lưới các tổ chức chính trị - xã hội địa phương
Bài viết này, tác giả chỉ đưa ra hai câu hỏi: Tại sao tín dụng đen lại phát triển với quy mô lớn như vậy? Tại sao đến giờ khủng hoảng tín dụng đen mới xảy ra? Đồng thời, cuộc khủng hoảng tín dụng đen cũng là cơ hội để ngành ngân hàng nhìn nhận lại những điểm yếu của mình và tận dụng cơ hội để phát triển.
Nguyên nhân của khủng hoảng tín dụng đen
Có lẽ, không mấy người tin, các nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế, lạm phát cao, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản đóng băng lại chính là nguyên nhân chính của... khủng hoảng tín dụng đen.
Trong những năm qua do khủng hoảng kinh tế các DN, cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Cộng với lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao khiến DN vay vốn ngân hàng để chi phí sản xuất kinh doanh cũng tăng và đầu ra cho sản phẩm cũng như xuất nhập khẩu vì thế bị đình trệ. Do đó không ít DN không có khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Từ đó phát sinh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bỏ trốn.
VN đang phải đối mặt với lạm phát cao trong những năm gần đây với các tỉ lệ lạm phát 22,97% cho năm 2008; 6,88% năm 2009; 11,75% năm 2010; 10 tháng đầu năm 2011 tăng 17,05%. Với mức lạm phát như vậy, việc giữ VND không hấp dẫn được dân chúng, trong khi các kênh khác như bất động sản và vàng có những thời kỳ sóng lớn, giá bất động sản bị thổi lên quá cao trong thời gian 2009-2010, đây cũng là thời điểm làn sóng vay mượn của các cá nhân từ ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, trong năm 2011, NHNN đã liên tục cảnh báo và áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn các ngân hàng tăng cho vay phi sản xuất như giảm tỉ lệ tín dụng phi sản xuất xuống 22% vào 30/6/2011 và xuống 16% vào 31/12/2011. Điều này buộc các NHTM phải tăng cường thu nợ từ cá nhân và DN vay vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán dẫn đến thị trường chứng khoán và bất động sản tiếp tục kéo dài chuỗi ngày trầm lắng, trong khi đó các chủ nợ đổ hết tiền vào các thị trường này đã không còn khả năng thanh toán, lãi suất phải trả quá cao, nhiều quỹ tín dụng đen dần dần mất thanh khoản. Lần lượt từng con nợ tuyên bố vỡ nợ.
Mặt khác, việc mở rộng tín dụng chậm lại trong khi nhu cầu vay vốn của dân chúng và DN rất lớn. Do vậy, nhu cầu tín dụng từ hụi họ và người cho vay lãi thuộc khu vực phi chính thức tăng lên đáng kể trong một thời gian ngắn. Khi ngân hàng thu hồi nợ, thì những con nợ là đại gia bất động sản cũng không còn lối thoát nào khác ngoài việc tuyên bố “phá sản”.
Còn các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ sự kém phát triển của khu vực tài chính chính thức. Như:
Một là, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức còn bị hạn chế: Mặc dù, các NHTM tuyên bố ưu tiên vốn cho các DN vừa và nhỏ, xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng trong thực tế các đơn vị này đều gặp khó khăn khi tiếp cận tới dịch vụ của ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh là rất lớn, nguyên nhân chính là các yêu cầu về dự án vay vốn hiệu quả, có tài sản đảm bảo, có báo cáo tài chính minh bạch... cộng với thủ tục rườm rà, phát sinh nhiều chi phí khác khiến người đi vay nản và nghĩ cách xoay xở để có tiền làm ăn bằng cách vay nóng lẫn nhau và trả lãi suất cao.
Hai là, chi phí giao dịch và chi phí cơ hội trong giao dịch cao, mặc dù lãi suất cho vay thấp hơn. Trong tổng chi phí vay vốn, ngoài chi phí lãi vay, người vay cũng rất quan tâm tới chi phí giao dịch và chi phí cơ hội. Đối với các TCTD chính thức thì chi phí giao dịch và cơ hội thường cao hơn nhiều so với khu vực phi chính thức như thời gian xử lý hồ sơ, kiểm tra các loại giấy tờ, đánh giá tài sản đảm bảo, phân tích khách hàng... của các NHTM thường kéo dài, do vậy nhiều khách hàng ngại vấn đề thủ tục giấy tờ đối với các NHTM chính thức. Trong khi thủ tục hoạt động tín dụng đen cũng thật đơn giản; các giao dịch được hoàn tất có khi chỉ trong vài phút, thế chấp có khi chỉ cần một chứng minh nhân dân. Một bản photo không cần công chứng ủy quyền về nhà, đất; thậm chí một lời hứa và một thỏa thuận bằng miệng và khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen có giao dịch với nhau đủ uy tín từ hai lần trở lên, do vậy mà họ còn thị trường phi chính thức.
Ba là, hoạt động chủ chốt của TCTD là huy động tiền gửi tiết kiệm và cho vay vẫn chưa phát triển. Mặc dù một số TCTD đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức nhận tiền gửi, kèm theo đó là các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, mức độ thu hút tiền nhàn rỗi từ dân cư vẫn chưa đáng kể so với tiềm năng. Số lượng tiền khổng lồ các chủ hụi của các vụ vỡ nợ tín dụng đen 10.000 tỉ đồng mới là “phần nổi của tảng băng” tiết kiệm của dân cư, ngoài ra người dân vẫn có thói quen giữ vàng vật chất và ngoại tệ tại nhà. Theo Hội đồng Vàng thế giới, ở VN, lượng vàng dự trữ trong dân hiện lên tới trên 1.000 tấn. Đây là một nguồn lực tài chính khổng lồ chưa được sử dụng hữu hiệu.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tương đối kém phát triển, khách hàng cá nhân mặc dù là đối tượng tiềm năng đối với thị trường bán lẻ nhưng mức độ tiếp cận của đối tượng khách hàng còn nhiều hạn chế, một phần do yêu cầu về tài sản đảm bảo của NHTM chặt chẽ nhưng vấn đề chính là các NHTM chưa coi đây là thị trường tiềm năng cần khai thác triệt để. Khách hàng cá nhân có thể đem lại các nguồn lợi khác nhau cho NHTM do số lượng khách hàng đông đảo. Kinh nghiệm quốc tế của nhiều ngân hàng bán lẻ trên thế giới đã chứng minh nhóm khách hàng có thu nhập thấp và trung bình có khả năng trả nợ tốt chứ không chỉ có khách hàng giàu có.
Tận dụng cơ hội
Trên cơ sở nhìn nhận nguyên nhân của khủng hoảng tín dụng đen, một số giải pháp cần được xem xét thực hiện trong thời gian tới nhằm tận dụng các cơ hội cho ngành ngân hàng VN.
Cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước: Cần quan tâm hơn đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của tín dụng "đen" đồng thời cảnh báo cho người dân trước những dấu hiệu tiềm tàng của tín dụng đen.
Cơ hội cho hệ thống TCTD chính thức: Tín dụng “đen” sẽ ít đen hơn nếu “trắng” nhiều hơn.
Một là, tăng cường khả năng tiếp cận của khách hàng đối với khu vực tài chính chính thức trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu như: Hiện thực hóa các tuyên bố về ưu tiên vốn cho DNVVN và cho khu vực xuất khẩu. Đánh giá đúng thị trường nông thôn vì đây là phân khúc tiềm năng còn bỏ ngỏ. Thực tế nhiều vụ vỡ nợ tín dụng đen lớn đều tập trung ở khu vực nông thôn, chứng tỏ đây là thị trường tiềm năng vô cùng lớn. Thay vì chờ đợi thụ động ngân hàng nên chủ động tìm kiếm khách hàng, lựa chọn và lên kế hoạch tiếp xúc trực tiếp với họ.
Hai là, giảm chi phí giao dịch và chi phí cơ hội cho khách hàng. Cán bộ ngân hàng cần tư vấn rõ ràng, chi tiết và tận tình với khách hàng để giảm thời gian và công sức của khách hàng trong việc hoàn thiện hồ sơ. Việc phân tích khách hàng cần làm thậm chí trước cả khi khách hàng đi vay nhằm giảm thời gian giao dịch.
Khủng hoảng tín dụng đen của khu vực phi chính thức là cơ hội để khu vực chính thức trong đó chủ yếu là các TCTD tự nhìn lại mình, đánh giá các điểm yếu hiện tại và tận dụng cơ hội phát triển. |
Ba là, học tập những điểm mạnh của tín dụng đen. Đó là giải quyết hồ sơ giấy tờ nhanh chóng, giải ngân đúng thời điểm khách hàng thực sự cần, linh hoạt trong việc thay đổi lãi suất, kỳ hạn trả nợ, tận dụng mạng lưới các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Ở VN, một trong những đặc trưng của xã hội là sự phát triển có hệ thống từ trung ương tới các cấp xã của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức đoàn thể. Với tài chính vi mô và tài chính do NHCSXH cung cấp, vai trò của hội phụ nữ, hội nông dân... và chính quyền địa phương đã được chứng tỏ thông qua tỉ lệ nợ xấu thấp và khả năng mở rộng tiếp cận khách hàng cao, đặc biệt là khu vực nông thôn. Vì vậy, các TCTD chính thức có thể mời các đơn vị này tham gia trong quy trình tín dụng như hỗ trợ kiểm tra trước khi cho vay, giám sát sử dụng vốn vay, thu hồi giúp một phần lãi và gốc có thể giúp chi phí giao dịch giảm xuống, đáp ứng tốt hơn và nhanh hơn nhu cầu thực sự của khách hàng.
Bốn là, phát triển các hoạt động tiết kiệm và tín dụng. Đối với hoạt động tiết kiệm thì cần mở rộng hoạt động này đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Đối với hoạt động tín dụng thì cần nâng cao chất lượng tín dụng hiện có, phân tích thị trường để có thể đưa ra các sản phẩm tiết kiệm – tín dụng phù hợp với nhu cầu khách hàng đa dạng và luôn thay đổi. Cần có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn thị trường tài chính – tín dụng có tổ chức, cả về chủng loại, quy mô, thủ tục để ngày càng bao quát và phủ sóng đáp ứng các nhu cầu tiết kiệm – tín dụng chính đáng của người dân và DN, không để cho tín dụng đen có nhiều lý do tồn tại và phát triển.
Điều kiện cần và đủ
Tuy nhiên, để tận dụng hết cơ hội này, trước tiên chúng ta cần duy trì tăng tưởng kinh tế vĩ mô ở mức phù hợp với nguồn lực vốn hiện có. Người ta thường nghĩ rằng, tín dụng đen không có liên quan gì đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, lý thuyết kinh tế học vĩ mô đã chỉ ra rằng, nếu tăng trưởng quá nóng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực như lao động chất lượng cao và nguồn vốn... Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua lãi suất ở cả khu vực tài chính chính thức và khu vực thị trường tài chính phi chính thức (trong đó có tín dụng đen).
Thứ hai, nâng cao trình độ dân trí về tài chính ngân hàng, tăng cường ý thức phân biệt hay cảnh giác rủi ro mắc “bẫy” lãi suất cho xã hội sẽ tránh được sự cuốn hút của dân chúng vào các dây chuyền tín dụng đen và sau đó là vỡ nợ tín dụng đen. Các cuộc vỡ nợ gần đây cho thấy, người dân do cả tin nên đã rất dễ mắc vào các loại “bẫy lãi suất cao” hay bởi bề ngoài hào nhoáng, tài sản lớn, sự giàu sang... của những chủ tín dụng đen. Một nguyên tắc vàng trong thị trường tài chính, tiền tệ đó là hãy tránh xa những nơi có lãi suất cao một cách bất thường và đó là cách mà người có tiền tự bảo vệ mình.
Thứ ba, xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của tín dụng "đen", không để tín dụng "đen" trở thành nguy cơ tiềm tàng, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài gây thảm kịch cá nhân và cộng đồng, thậm chí đe dọa mất ổn định, hủy hoại đạo đức và lòng tin xã hội. Nhanh chóng sửa đổi và bổ sung các quy định về xử phạt hành chính và xử lý hình sự để chế tài nghiêm khắc đối với hành vi cho vay hoặc huy động vốn với lãi suất cao. Cơ chế đòi nợ có tổ chức và có tính pháp lý cao và có hiệu quả, đảm bảo chuyện thu hồi nợ cũng cần được phát triển. Hình thức có thể là cơ chế của tòa án cấp nhà nước hoặc là cơ chế của các tổ chức dân sự được cấp phép và được quản lý theo nguyên tắc pháp lý. Nếu làm được như vậy, việc các Cty chuyên đòi nợ “làm liều” sẽ không còn xảy ra nữa.
Thứ tư, cần dứt điểm tái cơ cấu lại các NHTM. Việc tái cấu trúc ngân hàng tập trung vào việc hợp nhất, sáp nhập các TCTD nhỏ, thậm chí cả những ngân hàng lớn nhưng yếu cũng cần phải có biện pháp. Đây là vấn đề sống còn giúp tăng uy tín của cả hệ thống TCTD, bởi nợ xấu của NHTM có xu hướng tăng, đặc biệt là sau nhiều vụ nỡ nợ của tín dụng đen trong thời gian qua và thậm chí là đang tiếp tục diễn ra thì Ngân hàng nhà nước cần phải vào cuộc sớm tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển mạnh mẽ hơn. Từ đó, tín dụng đen không còn đất để phát triển.
Tóm lại, khủng hoảng đương nhiên là nguy cơ. Nhưng trong khủng hoảng cũng có rất nhiều cơ hội. Nắm bắt được cơ hội trong khủng hoảng, ngành ngân hàng – tài chính sẽ làm được nhiều việc hơn với chi phí thấp hơn so với giai đoạn bình thường.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: