Nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các ngân hàng, một loạt dự án bất động sản năm 2018 đã bị siết nợ để đấu giá, thu tiền về. Chưa bao giờ, VAMC và các nhà băng lại mạnh tay siết nợ như vậy với những dự án nghìn tỷ như Saigon One Tower, Tokyo Tower, Trung Đông Plaza hay các lô đất của đại gia Thuận Thảo và Trầm Bê.
Thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về đẩy mạnh xử lý nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thương mại thời gian qua đã tăng cường đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Việc rao bán, đấu giá các khoản nợ lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu ở các ngân hàng thương mại là cần thiết, bởi một số tài sản bảo đảm để càng lâu sẽ giảm bớt giá trị. Tuy nhiên, không ít thương vụ bất thành, phải đấu giá nhiều lần vì mức giá ban đầu quá cao.
Theo các chuyên gia, dù là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài vẫn có đủ nguồn lực và quan tâm tới các dự án BĐS là những khoản nợ xấu được rao bán nhưng cần phải có thời gian. Dù giá tốt cũng không dễ hoàn tất thương vụ đấu giá trong 1-2 tháng.
Saigon One Tower bị rao bán
Sau 10 năm “trùm mền”, dự án Sài Gòn One Tower đã bị VAMC tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý và thu hồi nợ. Đây là sự khởi đầu, tạo tiền lệ trong câu chuyện xử lý cục máu đông nợ xấu bất động sản.
Tòa tháp bỏ hoang bị rao bán siết nợ
Sau gần 7 tháng thu giữ, cao ốc Saigon One Tower được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, hơn một năm trôi qua, đến nay khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua vì giá trị tài sản quá lớn, hiếm có nhà đầu tư nào đủ năng lực tài chính.VAMC đã nhiều lần nhắc nhở Công ty Sài Gòn One Tower - chủ đầu tư - cũng như các công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tuy nhiên các doanh nghiệp này không đưa ra được phương án trả nợ khả thi. Trên cơ sở đó, VAMC đã yêu cầu Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản đảm bảo nghĩa vụ trả nợ nhưng công ty này không thực hiện. Cuối cùng, VAMC đã tiến hành thu giữ dự án.
Dự án Saigon One Tower được khởi công từ năm 2007, dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM. Thời điểm cuối năm 2011 khi dự án bị ngừng thi công, ước tính 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.
Chật vật đấu giá khoản nợ của đại gia Thuận Thảo
Khó khăn trong việc đấu giá tài sản phải kể tới tài sản nghìn tỷ của "bông hồng vàng" Phú Yên. Đến thời điểm này, các bất động sản của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân do VAMC thu giữ và rao bán nhiều lần để thu hồi nợ xấu vẫn chưa tìm được người mua, dù giá khởi điểm đã giảm đáng kể qua mỗi lần đấu giá. Các khoản nợ này tính đến giữa tháng 6/2018 là gần 2.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc hơn 1.208 tỷ đồng.
Cục nợ 2.400 tỷ đồng của đại gia Phú Yên đấu giá nhiều lần vẫn ế
Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đấu giá Lam Sơn cho biết, buổi đấu giá nói trên thất bại do đã quá hạn đăng ký và nộp tiền đặt cọc nhưng vẫn không có cá nhân, đơn vị nào tham gia. Như vậy, đây đã là lần thứ năm VAMC và BIDV đấu giá khối tài sản này. So với mức cao nhất từng đưa ra, giá khởi điểm đã giảm tới 260 tỷ đồng.
Việc giảm giá khởi điểm cho thấy khối tài sản thế chấp chưa hấp dẫn so với mức giá, dù cả BIDV lẫn VAMC đã chấp nhận mất toàn bộ lãi lẫn một phần gốc.
Cao ốc thời Trịnh Xuân Thanh rao bán lỗ trăm tỷ
Sau 6 lần đấu giá không thành công, Công ty bán đấu giá tài sản Nguyễn Tâm vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 7 tòa nhà Bạc Liêu Tower. Giá khởi điểm chỉ trên 147 tỷ đồng, trong khi được đầu tư tới 239 tỷ, lỗ trăm tỷ. Trước đó, toà cao ốc này đã được đấu giá 6 lần nhưng không thành công.
Tòa nhà này được xây dựng lúc Trịnh Xuân Thanh còn đương thời. Tháng 9/2016, UBND tỉnh Bạc Liêu và PVN đã thống nhất đàm phán chuyển nhượng tòa nhà với giá trị 198 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT).
UBND tỉnh Bạc Liêu lý giải việc này nhằm hỗ trợ khó khăn cho PVC và PVC Mekong trong việc chuyển nhượng tòa nhà và thanh toán dứt điểm nợ ngân hàng/khách hàng, giảm bớt chi phí tài chính, đồng thời để bố trí nhu cầu trụ sở làm việc cho cơ quan, ban, ngành của tỉnh Bạc Liêu, tránh gây lãng phí tài sản đầu tư...
Tòa nhà Bạc Liêu Tower
Bán 3 khu đất liên quan đến ông Trầm Bê
May mắn hơn cả, trong các tài sản rao bán được đấu giá thành công là lô đất liên quan tới Trầm Bê. Sau hai lần rao bán không thành, phải hạ giá gần 900 tỷ đồng với 3 khu đất liên quan đến khoản vay của ông Trầm Bê tại Sacombank, ngân hàng này đã bán và thu về hơn 9.200 tỷ đồng. Cả 3 lô đất đều là tài sản đảm bảo các khoản nợ liên quan đến ông Trầm Bê tại Sacombank khi ông này còn là lãnh đạo ngân hàng.
Các tài sản đấu giá bao gồm quyền sử dụng 3,72 triệu m2 đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, với mức giá khởi điểm là 4.000,69 tỷ đồng. Tài sản thứ hai cũng là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III với tổng diện tích hơn 2,74 triệu m2.Quyền sử dụng đất thứ 3 được Sacombank mang ra đấu giá lần này là lô đất có diện tích 2,75 triệu m2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Hòa III - Resco - chủ đầu tư - và một phần của Công ty Cổ phần Đầu tư AMIC, giá khởi điểm gần 2.854,73 tỷ đồng.
Siết nợ tòa nhà cao nhất quận Hà Đông
Thị trường BĐS Hà Nội xôn xao khi Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Tokyo Tower để xử lý nghĩa vụ tài chính theo quy định. Công ty Hoàng Vương đang nợ PVcomBank với tổng dư nợ gần 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng dư nợ lãi.
Để dự án sớm đi vào vận hành, ngân hàng rất cần sự bắt tay của cư dân và nhà đầu tư mới. Theo kế hoạch, sau khi chốt công nợ được 30 ngày, ngân hàng sẽ chọn đối tác. Sau khi chốt được, sẽ mất khoảng 4-6 tháng để hoàn thiện. Như vậy tổng cộng sẽ mất khoảng 6-7 tháng để cư dân nhận được nhà.
Tòa tháp tại Hà Đông bị siết nợ
Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.
Đấu giá đủ thứ để siết nợ
Không chỉ bất động sản mà nhiều ngành khác cũng bị siết nợ. Công ty Thương mại NEM đang nợ VietinBank gần 111 tỷ đồng tính đến ngày 22/8, trong đó, nợ gốc gần 61 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 35,3 tỷ và lãi quá hạn 14,5 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm là toàn bộ hàng tồn kho luân chuyển (hàng thời trang: quần, áo, đầm...) của công ty. Tại thời điểm 30/6/2018, giá trị hàng tồn kho của công ty được ghi nhận là 33,9 tỷ đồng.
Agribank cũng liên tục chào bán tài sản của công ty LifePro nhưng mãi không thành. Đã là lần thứ 5 Agribank tổ chức chào bán, giá giảm 55 tỷ đồng so với lần đầu tiên, thậm chí quyết tâm hơn khi chấp nhận cả phương án đấu giá theo nhóm tài sản; phiên đấu giá dự kiến mới đây vẫn phải lùi lại.
Theo thông báo của ngân hàng, các tài sản bán cũng bao gồm: Hệ thống xử lý nước thải; nhà biến áp; hệ thống dàn công nghệ gắn với máy móc tại các phân xưởng: xưởng may, xưởng cắt, xưởng giặt nhuộm, xưởng hoàn thiện sản phẩm, xưởng là, xưởng hoàn tất vải, xưởng dệt, xưởng in và một số tài sản văn phòng: máy tính, máy in, máy photocopy,... hiện còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu xê dịch, tháo dỡ đã được bàn giao lại cho Agribank.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: