Top

Bất động sản Việt niêm yết trên sàn thế giới: Tại sao không?

Cập nhật 03/12/2018 09:56

"Trong số 65 doanh nghiệp bất động sản lên sàn thì có tới 58 đơn vị hoạt động có hiệu quả, thu về lãi suất đáng kể. Tôi khuyến khích các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán ở Việt Nam thì tiếp tục niêm yết trên các sàn thế giới cũng như đi vào thị trường chứng khoán để khai thác nguồn vốn".

Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tại Hội thảo "Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản".

Ông Châu cho biết, nhờ có nền chính trị ổn định mà Việt Nam luôn là điểm sáng để các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư.

Hiện tại, ngoài phân khúc căn hộ thì bất động sản công nghiệp và văn phòng cho thuê cũng đang phát triển vượt trội. Kéo theo đó, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng lên đáng kể.

Với lợi thế này, các doanh nghiệp cần biết cách khai thác nguồn vốn FDI để bổ sung, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là khi pháp luật nước ta cho phép doanh nghiệp được huy động vốn của khách hàng đến 70% giá trị hợp đồng.

“Bên cạnh hiện tượng một số dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán thì lại có một số dòng vốn FDI khác đầu tư vào thị trường công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản. Vấn đề đặt ra đối với thị trường bất động sản là tận dụng lợi thế đó để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn FDI, nguồn vốn của kiều bào để bổ sung, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng”, ông Châu nói.

Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản

Theo ông Châu, trong thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng nguồn vốn FDI để tham gia và niêm yết trên các sàn chứng khoán.

Đến nay, trong số 65 doanh nghiệp bất động sản lên sàn thì đã có tới 58 đơn vị hoạt động có hiệu quả, thu về lãi suất đáng kể. Do đó, HoREA luôn khuyến khích các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán ở Việt Nam thì tiếp tục niêm yết trên các sàn thế giới. Đồng thời, HoREA cũng khuyến khích doanh nghiệp đi vào thị trường chứng khoán để khai thác nguồn vốn.

TS Bùi Quang Tín (trường Doanh nhân BizLight) cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài cũng rất “kén chọn” nên không phải cứ thấy công ty bất động sản nào ở Việt Nam là họ sẽ đầu tư. Mặc khác, cơ cấu vốn đầu tư vào thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi Nhà nước đưa ra các chính sách hạn chế dòng tiền chảy vào bất động sản như hiện nay.

Lý giải điều nói trên, TS Bùi Quang Tín dẫn chứng, tính đến cuối năm 2017, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ đã lên đến gần 20 tỷ USD (tương đương hơn 450.000 tỷ đồng). Theo đó, con số này đã chiếm hơn 6,5% tổng dư nợ của nền kinh tế và chiếm khoảng 15,5% tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng và 80% nguồn vốn chảy vào bất động sản. Trong khi đó, ở các nước khác, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 35%.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần đẩy mạnh khai thác nguồn vốn FDI và dùng nguồn vốn này làm “bệ phóng” để niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt băn khoăn, e ngại khi chuyển hướng đầu tư để đẩy mạnh khai thác nguồn vốn FDI từ những nhà đầu tư nước ngoài.

“Nếu lấy nguồn vốn FDI làm “vốn mồi” thì các doanh nghiệp sẽ băn khoăn khi chuyển hướng đầu tư. Bởi lẽ, ở nước ta vốn không có sẵn nguồn đất sạch để đáp ứng liền cho nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Còn nếu đợi 2-3 năm mới có đất sạch để giao dịch với đối tác nước ngoài thì sợ khi ấy các nhà đầu tư đã thay đổi định hướng kinh doanh”, ông Khương nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí