Tết đang đến gần, không khí xuân ấm áp lan tỏa khắp nơi. Đây cũng là thời điểm nhà nhà chuẩn bị sửa sang, mua sắm những vật dụng cần thiết để chờ đón giao thừa.
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới là thời điểm quan trọng, trời đất giao hoà, âm dương hoà quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà chuẩn bị chu đáo để đón người đến xông đất, mang tài thần vào nhà.
Chào đón tài thần
Theo quan niệm của người xưa truyền lại thì mỗi năm có một vị hành khiển trông coi việc nhân gian, hết năm vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới. Vì vậy, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và cúng ở trong nhà để đón rước thần năm mới. Tổng cộng một năm có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại
Cúng giao thừa trở thành một phong tục lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, phương thức cúng mỗi nơi mỗi khác. Như với người dân Phương Nam, nhất thiết phải chuẩn bị đủ một mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hoặc thơm. Mâm ngũ quả được đặt trang trọng trên bàn thờ suốt ba ngày Tết. Thông thường, mỗi nhà còn chuẩn bị thêm một dĩa ngũ quả đặt trên bàn thiên, một bàn thờ ngoài trời thông dụng ở miền Tây Nam Bộ.
Thời khắc giao thừa, người miền Nam cúng ngoài sân và trong nhà. Lễ cúng đơn giản với dĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Đúng giờ khắc chuyển giao, gia chủ đốt nhang, thành kính khấn theo bài khấn: “Vái chín phương trời, mười phương Phật…”
Đó là lễ cúng giao thừa miền Nam ngày nay đã lượt bớt một số công đoạn cũng như giảm đi phần lễ. Nếu đầy đủ và “đúng chuẩn” thì phần lễ cần: hương (3 cây nhang to), hoa, đèn nến, trầu cau, quần áo, mũ thần linh và mâm lê mặn. Với thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng. Đặt biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Văn khấn có thể viết vào giấy để đọc, sau khi hết 3 tuần hương thì hoá tờ giấy viết văn khấn cùng vàng mã dâng cúng
Khi khần xong gia chủ nên đốt thêm 4 cây nhang nhỏ, rồi ra cửa khấn tiếp và nhìn 4 hướng: Đông, Nam, Bắc hoặc Đông Nam với những người thuộc về Đông tứ trạch. Hướng Tây nam, Tây bắc, Đông bắc hoặc hướng Tây cho những người thuộc về Tây tứ trạch. Tiếp theo là khấn rước các vị tài thần mời họ vào để dùng hương hoa sắm lễ…của gia đình. Các vị tài thần gồm hỷ thần, tài thần… để cầu xin sức khỏe 1 năm an lành, hạnh phúc tấn tài tấn lộc, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng. Do mỗi năm các vị tài thần đứng mỗi hướng khác nhau. Ví dụ: năm 2007 tài thần ở hướng Tây, hỷ thần Đông Nam. Vì vậy, gia chủ tốt nhất vái 4 hướng.
Chọn người xông đất
Sau khi hoàn thành thủ tục làm lễ, gia chủ chọn tuổi người nào hạp với Mạng và Thiên Can với mình để vào nhà xông đất. Đây cũng là một trong những phong tục được ông cha ta lưu truyền đến ngày nay. Theo đó, người đầu tiên bước vào nhà sau giao thừa (xông đất) là người được chọn lựa rất kỹ để đảm bảo may mắn và thịnh vượng cho gia chủ.
Chọn người xông đất, nhất thiết phải xem tuổi. Lấy Thiên Can của tuổi mình so sánh với Thiên Can của người tốt có ý định chọn, nếu được Can Hạp là tốt, ngược lại gặp Can Phá là bớt tốt. Nên xem bảng tính sẵn sau đây:
Tuổi Giáp hạp với Kỷ mà kỵ với Canh – Mậu.
Tuổi Ất hạp với Canh mà kỵ với Tân – Kỷ.
Tuổi Bính hạp với Tân mà kỵ với Nhâm – Canh.
Tuổi Đinh hạp với Nhâm mà kỵ với Quý – Tân.
Tuổi Mậu hạp với Quý mà kỵ với Giám – Nhâm.
Tuổi Kỷ hạp với Giáp mà kỵ với Ất – Quý.
Tuổi Canh hạp với Ất mà kỵ với Bính – Giáp.
Tuổi Tân hạp với Bính mà kỵ với Đinh – Ất.
Tuổi Nhâm hạp với Đinh mà kỵ với Mậu – Bính.
Tuổi Quý hạp với Mậu mà kỵ với Kỷ – Đinh.
Trước khi xông đất chủ nhà phải chuẩn bị sẵn xô nước hoặc vòi nước, để người xông đất tạt nước hoặc xịt nước vào nhà. Đồng thời lấy hoa mai giả để sẵn ngoài cửa để người xông đất rải hoa mai từ ngoài cổng vào đến trong nhà. Ý nghĩa hoa mai là mang lại sự may mắn cho gia chủ. Cuối cùng chúc tết cho gia chủ.
Chọn người xông đất ngoài chọn tuổi hợp gia chủ cũng cần lựa chọn người có ngoại hình chỉnh chu và tên gọi may mắn như Tài, Lộc, Tiến, Giàu, Ngọc… Không chọn những người hiện đang có tang chế hoặc thai nghén vào xông đất.
DiaOcOnline.vn
Ảnh: Internet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: