Top

Vật phẩm phong thủy, dùng sao cho đúng?

Cập nhật 29/05/2018 14:47

Ngày nay, nhiều người sử dụng các vật phẩm phong thủy để trấn yểm như Kỳ Lân, Tỳ Hưu, Rùa, Thiềm Thừ… và chất liệu cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, các vật phẩm này sẽ không phát huy tác dụng, thậm chí gây hại.

Ý nghĩa một số vật phẩm phong thủy cơ bản

Hiện nay, có rất nhiều loại vật phẩm phong thủy được người dân sử dụng để chấn yểm, nhưng đa số sử dụng các vật phẩm phong thủy cơ bản như Kỳ Lân, Tỳ Hưu, Rùa, Thiềm Thừ, Hổ…

Trong đó, Kỳ Lân là một trong tứ linh và được coi là vật phẩm có nhiều tác dụng trong phong thủy như tránh tà, ngăn cản sát khí; hóa giải Tam sát; cải vận, giảm nhẹ tai ương cho gia đình; hóa giải bất lợi của Bạch Hổ. Ngoài ra, Kỳ Lân còn có khả năng hóa giải tà khí của các hung tinh trong vận hạn.

Kỳ Lân tượng trưng cho sự tốt lành, có khả năng trấn trạch, trừ tà, tăng gia phúc lộc. Ngoài ra, Kỳ Lân được tạo hình tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao và là món quà rất ý nghĩa để mừng nhà mới.

Trong khi đó, là linh vật trong truyền thuyết, Tỳ Hưu có hình dáng giống Kỳ Lân nhưng người dài hơn một chút vì là con thứ chín của Rồng. Theo truyền thuyết kể lại, khi sinh ra Tỳ Hưu bị dị tật không có hậu môn nên chỉ vài ngày sau khi chào đời liền về trời. Ngọc Hoàng Thượng đế thương tình thấy Tỳ Hưu còn đỏ hỏn nên đau xót ban cho thành thần.

Tỳ Hưu được nhiều người lựa chọn với mong muốn cầu tài lộc

Tỳ Hưu có mặt con lân đực, nhưng lại có một sừng và có râu, mình to, mông to như mông bò, đuôi dài, có chùm lông đuôi rậm. Thức ăn của chúng là vàng bạc, châu báu. Vì không có hậu môn, nên vàng bạc chỉ có vào mà không có ra. Vì vậy, Tỳ Hưu được ưa chuộng bày trong nhà ở, văn phòng để tiền vào mà không ra.

Theo thời gian, Tỳ Hưu trở thành một trong những vật phẩm phong thủy phổ biến nhất trên thị trường. Nhiều người cho rằng, tác dụng của nó chỉ đứng sau Rồng. Tỳ Hưu có thể được coi như một sinh vật mang điềm lành, sở hữu sức mạnh thần bí có khả năng bảo vệ của cải khỏi thất thoát.

Tỳ Hưu cũng được sử dụng để chống lại những năng lượng tiêu cực của sao Thái Tuế. Chúng có thể được đặt tại các khu vực bị chiếu hoặc ngược hướng với sao Thái Tuế hàng năm để giảm nhẹ các ảnh hưởng xấu.

Cũng là một trong tứ linh, Rùa được coi là vật phẩm có khả năng mang lại bình an, vượng phát và khí khởi về nhà ở. Rùa giúp hóa giải khá nhiều thế xấu trong nhà. Một số quan điểm cho rằng, treo mai rùa trên cửa ra vào có ý nghĩa tán sát khí, giống như tác dụng của gương bát quái.

Trong khi đó, Thiềm Thừ (cóc ba chân) là vật phẩm có năng lực chiêu tài rất tốt. Ngoài ra, vật phong thủy này còn có khả năng hóa sát tiểu nhân, giúp gia chủ ngăn chặn các vận xấu liên quan đến việc thất thoát tiền bạc. Cóc ngậm tiền được tin là có sức mạnh độc đáo đầy quyền năng, nó có thể giúp giải quyết các vấn đề về tiền bạc mà chủ nhân đối mặt trong cuộc sống.

Thiềm Thừ được cho là mang lại tiền bạc cho chủ nhân

Còn Hổ là vật phẩm phong thủy có khả năng trấn trạch, bảo vệ cho gia chủ tránh được những điều không may, những điều xấu ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc. Với hình tượng mạnh mẽ của mình, vật phẩm là hổ được cho là giúp diệt trừ ma quái, giúp trấn giữ nhà, nên tà ma sẽ không dám xâm nhập vào trong nhà.

Dùng vật phẩm theo ngũ hành

Theo kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Giám đốc Công ty Kiến trúc và Xây dựng dân dụng Hà Nội, Viện phó Viện Lý học Phương Đông, xét về một khía cạnh nào đó, các vật phẩm này vẫn dùng theo nguyên tắc của ngũ hành, tức vật phẩm bằng gỗ (Mộc) thì làm vượng cho Hỏa và Mộc, chấn Thổ và giảm sự khắc hại (phát tác) của thủy không tốt. Do vậy, từ phương vị khác nhau, người ta chọn chất liệu khác nhau chứ không phải cứ vật phẩm, linh vật bằng đá (đá quý) là tốt hơn bằng gỗ hay bằng kim loại.

Với vật phẩm bằng Kim làm vượng cho Kim và Thủy, trấn Mộc và giảm sự khắc hại của thổ. Với vật phẩm bằng đá, sẽ làm vượng Thổ và Kim, giảm sự khắc hại của hỏa, trấn Thủy.

Do các vật phẩm đều có khả năng tăng hoặc giảm các yếu tố phong thủy liên quan, nên việc chọn phương vị để đặt là phải xem xét rất kỹ. Các gia chủ cần có sự tư vấn của chuyên gia giỏi về phong thủy và tâm linh.

Vật phẩm phong thủy ngày càng được sử dụng phổ biến.

Xét về mặt phong thủy, người ta tính toán sự tương tác của ngũ hành là như vậy, nhưng các linh vật còn có liên quan đến tâm linh. Để các vật phẩm hữu dụng thực sự, phải có thầy pháp sư thực hiện thủ pháp liên quan đến tâm linh phong thủy. Có thể gọi là khai quang điểm nhãn hoặc khai linh. Tuy nhiên, trên thực tế, người thực sự có khả năng làm việc này rất hiếm. Người nào có quyền sắc và ấn lệnh về tâm linh thì mới làm được.

Việc này giống như trong cuộc sống, cũng là một văn bản có nội dung giống nhau, nhưng người không có chức quyền ký, thì không có giá trị gì, còn người có quyền chức ký thì lại có hiệu lực.

Chỉ khi được khai linh thì các vật phẩm phong thủy mới phát huy tác dụng, nếu không, nó chỉ là vật phẩm có giá trị như những đồ vật thông thường khác và chỉ có tác dụng, giá trị trong án ngữ theo ngũ hành.

Một điểm nữa mà nhiều người quan tâm là vật phẩm phong thủy có liên quan đến mệnh của gia chủ hay không? Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, bản thân các vật phẩm được quy định theo ngũ hành liên quan đến tâm linh và khi đặt thì liên quan đến đất, nên không liên quan đến mệnh của năm sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng Kỳ Lân, Tỳ Hưu, Hổ cùng nhóm, nên tránh tuổi Thân; Kim kê tránh tuổi Mão, Dậu; Lợn vàng tránh người tuổi Tỵ. Đây là luận theo tứ hành xung của địa chi.

Một điểm nữa, chất liệu tạo nên vật phẩm phong thủy hoặc linh vật phải phối với màu sắc bên ngoài sao cho tương sinh với ngũ hành của chất liệu, cộng với vị trí đặt làm sao đạt được mục đích trấn yểm. Chẳng hạn, vật phẩm bằng kim loại mà muốn tăng độ vượng cho Thủy, thì để màu trắng, ghi hoặc các màu xanh nước chứ không nên để màu đỏ.

Qua phân tích ở trên, cũng mong giúp ích phần nào cho độc giả về cách nhìn dùng vật phẩm phong thủy. Tuy nhiên, để có sự linh nghiệm thì phải là thầy phong thủy thực tài có đạo pháp.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản