“Ngôi nhà Việt dành một không gian trang trọng và bề thế để thờ tổ tiên quá vãng và phải kể thêm là các khoảng không gian khác để thờ thần bản mệnh, thần bản thổ, thần bản nghiệp… và ông Táo – đệ nhất gia chi chủ, vị thần giám sát công tội của từng nhà. Thêm vào đó là các đối tượng tôn kính thuộc tôn giáo của từng gia đình.
Cơ cấu cơ bản là như vậy, song trong thực tế gia giảm không chừng, tùy thuộc vào căn duyên và hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp".
1. Trong sách Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, ông cho rằng: “Cái nhà/dương cơ của người Việt ta dành phần cho người chết coi ra hơi bị nhiều”. Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ hẳn đã khác đi rồi?
- Ngày nay, căn duyên của thế nhân đã đổi khác và cái nơi chốn cư trú cũng không như xưa thế nên các không gian tâm linh trong nhà cũng gặp phải những… thách thức. Theo đó, ở cấp độ một là tồn tại hay không tồn tại; và cấp độ hai là phải đổi thay như thế nào để tiếp tục tồn tại.
2. Cụ thể về khác biệt của xưa và nay như thế nào, thưa ông?
- Khó mà đưa ra một đáp án cụ thể về việc này. Cái có thể là nêu ra được xu hướng.
Ngày xưa cuộc sống của con người lệ thuộc nhiều vào tự nhiên, do đó cuộc sống cứ như mô phỏng ý đồ của vũ trụ. Người ta thể hiện, người ta hình dung ra những mối quan hệ vô hình mà con người duy trì với tự nhiên.
Quy luật vận động của vũ trụ thế nào thì người ta dựa vào đó mà tiến hành toàn bộ hoạt động sản xuất các sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần: xác lập các đối tượng thờ tự, nghi thức cúng tế/lễ hội…
Ngày nay, cuộc sống ở thôn, làng, bản, mường, ở mức độ nhiều ít khác nhau, vẫn theo mùa, nhưng ở vùng bán thành thị hay thành thị thì quy luật xã hội đã dần tách ra khỏi quy luật của tự nhiên.
Theo đó, xã hội hiện đại mất dần tính thiêng, nhưng do yêu cầu cố kết các mối quan hệ gia đình – gia tộc nên việc thờ cúng trong gia đình được duy trì một cách tự giác với những biến thái mới mẻ. Các hình thức cúng lễ tự nó là thiết chế bảo vệ sự tái sinh nhằm tái tạo hay tân trang sợi dây liên kết các thành viên gia đình – gia tộc (và thân hữu).
Điều cốt yếu không phải là sự linh thiêng/huyền bí mà là sự thiêng liêng, mang tính lịch sử – văn hóa và luân lý. Nói chung, thời hiện đại phát triển tâm thức duy lý: thiên trọng các giá trị thiêng liêng hơn các giá trị linh thiêng huyền bí.
3. Cái “nơi chốn cư trú” đã thay đổi thì các khoảnh không gian tâm linh phải thích ứng?
- Sự thích ứng thì có nhiều kiểu. Phổ biến là đưa các đối tượng thờ tự chính trong nhà (tổ tiên, cùng các đối tượng tôn kính tôn giáo của gia đình) lên tầng cao nhất, biệt lập với không gian sống và sinh hoạt của các thành viên gia đình.
Ở các căn hộ chung cư thì chọn vị trí trang trọng để đặt tủ thờ/bàn thờ tổ tiên và phía trên gắn vào tường tran thờ thần, Phật, thánh… Dưới đất đặt khám thờ thổ địa – thần tài…
Nói chung, sự thay đổi về văn hóa luôn có “độ ì” so với sự thay đổi chung, nên đến nay, đa phần thế nhân vẫn bảo thủ đủ các đối tượng thờ tự truyền thống với sự thu gọn theo phương châm “khéo co thì ấm”.
Xu hướng tích hợp các đối tượng thờ tự khác nhau vào một chỗ có từ đầu thế kỷ XX. Một giai thoại kể rằng cụ Nguyễn An Cư (ở Hóc Môn, TP.HCM) đã lập bài vị chung cho thổ địa, thần tài và ông táo, với câu đối rằng: "Ít giấy hẹp hòi thờ một chỗ/ Giúp tôi giàu có bớ ba ông" là vì vậy.
4. Và đâu là điều nổi bật của thời đại này?
- Trong thời đại được gọi toàn cầu hóa này, với sự phát triển vũ bão của các phương tiện thông tin – viễn thông thì hầu như không rẻo đất nào trên hành tinh còn trinh bạch. Dự báo từ năm 1960 của nhà giáo dục Canada Mc Luhan rằng nơi nơi sẽ là “ngôi làng thế giới” gần như đã trở thành hiện thực.
Con người hiện đại chúng ta sẽ không chỉ bắt rễ thẳng xuống đất mà bộ rễ phát triển mạnh theo bề ngang để nối kết với mạng lưới tín hiệu và các tri thức mà chúng ta có khả năng xử lý. Đặc điểm nổi bật sẽ là chân trời văn hóa sẽ không còn được xác định về mặt địa lý mà sẽ thành vấn đề chọn lựa và thói quen cá nhân.
Mỗi cá nhân đòi hỏi được khẳng định bản sắc ở nhiều mức độ, cho phép mỗi người được thừa nhận một công dân đồng thời của hành tinh lẫn công dân một dân tộc/quốc gia và thành viên của một hay có thể nhiều nền văn hóa tùy theo gốc gác huyết thống, quan điểm triết học/hệ ý thức hoặc tôn giáo mà mình tự nguyện thuộc vào đó.
Sự phi định vị văn hóa này sẽ tạo ra những hệ quả tác động đến các mô thức truyền thống, trong đó có tín ngưỡng, các đối tượng thờ tự trong ngôi nhà.
5. Ở lĩnh vực tín ngưỡng do “cố kết bền vững” của nó có lẽ chậm đổi thay hơn?
- Lĩnh vực nào cũng đổi thay, không ít thì nhiều, nổi cộm hay âm thầm. Một đối tượng thuộc tập hợp gia thần là ông địa – thần tài, từ cuối thế kỷ XIX đến nay cũng đã thay đổi. Khởi đầu, ông địa vừa là thần đất vừa là thần tài; thế nhưng đầu thế kỷ XX, khi nền kinh tế thị trường phát triển, ông địa có thêm thần tài bên cạnh để chuyên trách việc tiền bạc.
Như chúng ta biết, thần tài ở xứ ta, đã cùng tồn tại với tập hợp các thần tài lộc vốn do các nhóm di dân người Hoa thờ tự ở các đền miếu, hội quán và tư gia.
Đó là thần tài võ Triệu Công Minh, Quan Vũ; thần tài văn bao gồm Tỷ Can, Phạm Lãi (Đào Công), Tài Bạch Tinh Quân, cùng các thần tài phụ như Ngũ Lộ Tài Thần, Hắc Bạch Vô Thường và các thần Tài không chính danh, tức các thần linh không hẳn là thần tài nhưng kiêm nhiệm việc tài lộc, như Lưu Hải, Hòa Hợp Nhị Tiên…
6. Vậy thì thần tài ở nước ta ngày nay có gì khác biệt?
- Ngoài các thần tài của người Hoa, trong một hai thập kỷ gần đây là tập hợp các thần tài Nhật Bản cũng đã có mặt trong khám thờ hay kệ tủ của tiệm quán. Phổ biến có Chiêu Tài Miêu Mannekikeno, thần tài Daikoku, Daruma (đầu tượng Bồ Đề Đạt Ma cách điệu tượng trưng cho sự kiên định vượt thắng trở ngại), thần bảo hộ chợ Ebisu…
Một hướng khác là từ các quốc gia Phật giáo Nam truyền Đông Nam Á. Nổi bật là nữ thần tài Thái Lan Nangkwak cũng được một số tiệm quán thờ làm thần tài. Nangkwak là thần tài thờ tự ở Lào và Campuchia (người Khmer gọi là “Niêng Bật – Niêng Bột” – có nghĩa là “Nàng Ngoắc – Nàng Vẫy”).
Theo đó, người Việt gọi là “Bà Ngoắc” bởi hình tướng vị thần tài này là một phụ nữ, một tay giữ túi tiền/vàng và tay kia co lên vẫy ngoắc mời khách.
Cũng từ hướng này, du nhập vào xứ ta một đối tượng phù trợ tài lộc là thánh tăng Sivali.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của Phật giáo Mật tông, tập hợp thần tài Mật tông cũng trở nên đối tượng thờ tự thời thượng: Hắc Tài Thần (Mahakala), Hoàng Tài Thần, Bạch Tài Thần, Tài Phú Thiên Vương, Thần Tài đầu voi Ganesha (Hoan Hỉ Thiên), Cát Tường Thiên Mẫu, Ngũ Lộ Tài Thần Jambhala, Tài Nguyên Thiên Mẫu, Tài Bảo Thiên Mẫu…
7. Còn có một số “biểu tượng tài lộc” khác như sư tử, tỳ hưu…?
- Không chỉ sư tử, tỳ hưu ồn ào như “báo chí đã ghi, tivi đã nói” mà vô thiên lủng các loại linh vật phong thủy, bùa chú, tượng thần, đá phong thủy, tranh vẽ treo chỗ này, đặt chỗ kia, chọn màu này tránh màu kia… với sự xác tín rằng chúng sẽ phù hộ cho gia chủ phát tài, hay thành công trong công việc làm ăn, kinh doanh buôn bán.
Toàn cục việc thờ thần tài và các thứ hỗ trợ tài lộc thời kinh tế thị trường này trở nên đặc biệt phong phú đến mức đa tạp và đã rơi vào tình trạng “loạn thần phả”. Đây là bức tranh điển hình về tính chất hỗn dung nội – ngoại / mới – cũ trong các dạng thức văn hóa đương đại.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nhà nghiên cứu văn hóa HUỲNH NGỌC TRẢNG
DiaOcOnline.vn - Theo Kiến Trúc Nhà Đẹp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: