Top

Góc phong thủy: Sinh vượng và hóa giải xung phạm cho sơn chủ

Cập nhật 28/12/2015 11:46

Sơn chủ liên quan trực tiếp đến nhân sự, có vai trò quan trọng nhất đối với mỗi gia trạch. Sơn chủ vượng thì mọi sự hanh thông, nhân khang vật thịnh. Sơn chủ bị xung phạm thì đau ốm bệnh tật, vận khí suy bại, sự nghiệp - công việc gặp nhiều trắc trở. Trường hợp xung phạm nghiêm trọng, nếu không kịp thời hóa giải thậm chí có thể dẫn tới tuyệt tự...

Ảnh minh hoạ.

Sơn chủ là phần diện tích phía trong tường hậu của một căn nhà (hộ), tường hậu của phòng chủ nhà hoặc phòng khách. Ở nông thôn, toàn bộ phần diện tích vườn phía sau nhà có độ rộng tương ứng với chiều cao của nóc nhà đều thuộc phạm vi sơn chủ.

Sơn chủ cao rộng hơn diện tích xây dựng nhà, thoáng đãng, vuông vắn và vững chãi được coi là lý tưởng, giúp cho vận khí gia đình luôn ổn định, nhân đinh, điền sản đều hưng vượng. Đây là lí do khiến nhiều người khi mua bán nhà đất đánh giá cao sự vuông vắn "nở hậu", e ngại những khu đất "thót hậu" khuyết hãm.

Muốn hưng cơ lập nghiệp, tính kế lâu dài cho một gia đình, gia tộc thì phải đảm bảo sơn chủ cao đẹp. Chính vì vậy, Lý Thái Tổ khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã xuống chiếu với một câu bao hàm toàn bộ ý nghĩa về sơn chủ"... nơi đây đất rộng rãi, bằng phẳng, quyết thổ (nơi đất nổi như xương sống của cả vùng), cao mà sáng sủa...".

Để sinh vượng sơn chủ, nhà ở nông thôn nên để một khoảng trống phía sau nhà rộng chừng 5m, trồng rau xanh hoặc cây gia vị dưới tán mít, ổi, dổi, hồng, cau, dừa, chè, bưởi, long não... Không đào bới thành hang hố hoặc lấy đất gây đọng nước, sạt lở ở khu vực sơn chủ.

Những ngôi nhà dựa lưng vào núi, nên chọn khu vực xây dựng sao cho nóc nhà có chiều cao tương ứng với đỉnh núi là tốt nhất; đỉnh núi cao lớn quá so với nhà gọi là "thái sơn áp đỉnh", thường sinh ra bần hàn, vất vả.

Không xây dựng nhà cửa dựa vào những nơi vách núi quá dốc, đỉnh núi sắc nhọn (hình hỏa) hoặc núi đá lởm chởm, khúc khuỷu, hiểm trở. Trường hợp bất khả kháng thì phải xây dựng nhà ngoài khu vực hình chiếu của đỉnh núi hoặc chỉ xây dựa một bên vách (trái hoặc phải) vào vách núi, hình chiếu từ đỉnh núi không "đè" vào nóc nhà.

Đối với nhà ở đô thị, muốn xác định chính xác sơn chủ, trước hết ước chia diện tích nền nhà làm 8 phần đều nhau, mỗi phần chiếm 1 cung trong 8 hướng. Sau đó, lần lượt xem xét cung nào đối xứng với hướng nhà (cửa chính hoặc cửa sổ chính lấy sáng và không khí) là cung sơn chủ.

Trường hợp hướng nhà (cửa) không đối xứng với sơn chủ, thì lấy phòng khách, phòng thờ (ở tầng trệt) hoặc phòng ngủ của chủ nhà làm sơn chủ. Điều quan trọng nhất là từ vị trí sơn chủ, chủ nhà có thể (hoặc có cảm giác) bao quát được toàn bộ ngôi nhà (căn hộ).

Sơn chủ thường bị xung phạm trong các trường hợp: Nhà phân lô, nhà ống hoặc căn hộ chung cư... do phải tận dụng tối đa diện tích để bố trí các kiến trúc phối hợp như bếp, phòng vệ sinh, cầu thang, bể nước, bể phốt...; một số trường hợp sơn chủ bị xung sát do đổ vỡ, khuyết hãm hoặc do trang trí nội thất gây ra.

Trong những trường hợp nêu trên, sát khí do bếp phạm sơn chủ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân sự, chủ yếu là đàn ông trong gia đình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Bếp là ngôi định phúc trong bất kỳ gia trạch nào, vì vậy khi xung sát với sơn chủ cũng gây tổn hại về phúc đức. Phong thủy cho rằng, sự thành bại trong phép cầu tự phần lớn đều liên quan mật thiết với bếp và sơn chủ.

Bếp và sơn chủ tương xung thì con cháu ngỗ nghịch, không nghe lời cha mẹ, anh em bất hòa, ly tán; bếp và sơn chủ nhà xưởng, phòng thủ trưởng ở quan đơn vị tương xung thì cấp dưới không nghe cấp trên, thiếu trách nhiệm, trong cơ quan thường xảy chuyện thị phi, bè phái, kiện tụng.

Bể phốt, bể nước ngầm xung phá sơn chủ cũng gây ảnh hưởng lớn về nhân sự nhưng không nhanh và khó nhận biết hơn so với sự xung sát giữa bếp và sơn chủ, vì sơn chủ thuộc thổ đới kim - là loại thổ mạnh có khả năng khắc chế tốt mặt trái của thủy.

Bể phốt - bể nước tương xung với sơn chủ chủ yếu ảnh hưởng đến tài vận, vì thủy quản về tài lộc bị khắc. Thủy thuộc âm, đồng thời là đại biểu của văn khúc - lục sát, khi bị khắc hãm thường gây chuyện thị phi, tai họa bất ngờ, ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, chức năng của hệ tiêu hóa và bài tiết trong cơ thể.

Trường hợp cầu thang (thang máy) hoặc trang trí, đổ vỡ, khuyết hãm... gây sát khí ở khu vực sơn chủ thường không quá nghiêm trọng. Chỉ cần đảm bảo cầu thang và sơn chủ liền khối, gầm cầu thang sáng sủa, sạch sẽ, tường vách ở sơn chủ không nham nhở, không sạt lở hoặc bị trang trí, đào đắp lòe loẹt là có thể hóa giải.

Bếp xung phạm sơn chủ thường xảy ra khi vị trí đặt bếp nằm trong phạm vi diện tích của cung sơn chủ (tức là 1/8 diện tích nội phòng như nêu trên), chủ yếu xảy ra với các nhà dạng "ống" hoặc nhà phân theo lô. Bếp, vệ sinh và cầu thang thường đặt ở gian trong cùng, và do đó phạm thêm "táo hậu phòng tiền sát" - táo ở phía sau phòng, dễ sinh ra người ngang ngược, làm việc trái đạo, xằng bậy.

Trong trường hợp này, nếu tình thế không quá đặc biệt (phải mời thầy xem xét, quyết định) thì chỉ cần chuyển bếp ra khỏi khu vực sơn chủ, đặt ở vị trí khác phù hợp với tuổi chủ nhà là sát khí tự nhiên hóa giải.

Riêng trường hợp bể nước - bể phốt xung phá sơn chủ, do phải hướng dẫn chi tiết, chính xác về biện pháp hóa giải nên chúng tôi sẽ dành thời gian giới thiệu với bạn đọc trong một bài viết khác.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động