Top

Ở Việt Nam, có tài sản thì khỏi cần... tài

Cập nhật 04/11/2013 09:09

Nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực.

Đất đai - chuyện nước Mỹ và Việt Nam

Năm ngoái, dư luận Việt Nam xôn xao trước tin doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua được cả một thị trấn của Mỹ với giá chỉ khoảng 900.000 USD.

Người viết bài này cũng từng có dịp đi nghiên cứu tại Mỹ, thấy nhà cửa, đất đai rẻ quá, nổi máu "tư hữu", cũng định mua chơi. Nghiên cứu lại luật Mỹ, hoảng, bỏ của chạy lấy người.

Một người lười, từ bất cứ nơi nào, sang Mỹ nếu có tài sản bắt buộc phải chăm chỉ trở lại, không phải vì chuyển biến về đạo đức mà chỉ đơn giản là vì... thuế. Kể từ ngày có tài sản, người chủ sẽ phải nai lưng ra làm việc để nộp thuế cho ngân khố quốc gia, nếu không sẽ lại phải chuyển nhượng cho người khác hoặc phá sản.

Thuế bất động sản, thuế môi trường và nhiều, rất nhiều phiền toái, nghĩa vụ khác khi có nhà "của mình". Có thừa nhà, không ở, mà không có ai thuê thì còn lo hơn nhiều, vì thuế đánh vào nhà bỏ hoang cao hơn nhà có người ở.

Những tỷ phú Mỹ sở hữu các vùng đất rộng lớn thật là những người yêu đất nước vì đã phải thay chính phủ quản lý, duy trì phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường và nộp thuế đầy đủ. Không phải ai cũng có đủ tiềm lực kinh tế và dũng khí để gánh vác.

So sánh mới thấy, ở Mỹ, đất đai, nhà cửa mua rẻ, nhưng chi phí sử dụng đắt. Còn ở Việt Nam, ngược lại, do chi phí sử dụng quá rẻ (không thuế hoặc thuế quá thấp) nên lại phải mua đắt.

Dân Mỹ càng không thích giá bất động sản cao, cơ hội có nhà càng xa vời, cơ hội phá sản lại hiện hữu. Còn đầu cơ thì có lúc thắng lúc thua nhưng lúc nào cũng "béo" nhà nước, ai cũng ngại.

Còn ở Việt Nam, nếu có tài sản thì không cần phải tài, không phải chăm chỉ nữa. Mở mắt ra là có tiền. Đóng góp vào ngân khố hầu như bằng không, thậm chí còn muốn "véo" vào ngân sách, muốn thêm nhiều ưu đãi, nhiều hơn nữa để nuôi tài sản cho mình!

Do đó, nếu không thay đổi các chính sách thuế cho phù hợp, nhà nước không điều tiết được công bằng về cơ hội, dân sẽ có chỗ giàu, chỗ nghèo, nhưng chỗ nào cũng thiếu động lực. Vì người giàu thì lười, người nghèo thì chán, nước sẽ không mạnh còn quốc gia cứ nghèo, nghèo mãi.

Đất đai ở VN mua đắt, phí sử dụng rẻ. Ảnh minh họa

Hệ lụy từ thiếu minh bạch

Trên thế giới, đất đai công thổ là chuyện đương nhiên, ghi danh thế nào thì cũng cùng một nguyên tắc. Chủ đất (tư hữu hay công hữu), dù gọi bằng tên gì, về chủ quyền (quản lý, sở hữu hay sử dụng) cũng phải tuân thủ luật pháp mà bảo tồn cương vực, lãnh thổ quốc gia, không có tổ chức cá nhân nào được tùy tiện bán, cho, chuyển nhượng sang quốc gia khác, vì đó là tội phản quốc.

Xem xét một cách công bằng, quyền sử dụng đất của ta đã tương đương với các quyền sở hữu tài sản (quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất) theo nghĩa phổ biến tại các quốc gia khác.

Riêng quyền định đoạt thì ở quốc gia nào cũng chỉ có nghĩa tượng trưng, không ở đâu người dân lại có quyền tùy ý muốn làm gì thì làm. Các nước đều có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do nhà nước phê duyệt.

Thủ tục quy hoạch ở các nước tiên tiến (cộng hòa, dân chủ) còn chặt chẽ hơn ở ta vì ngay chính quyền cũng không được tùy thích làm theo ý mình mà chỉ cộng đồng mới có quyền quyết định có hay không.

Việc thu hồi, đền bù, giá đất, khiếu kiện, cùng những hệ lụy khác ở Việt Nam tiếc thay không phải từ chuyện sở hữu toàn dân hay đa sở hữu, mà ở chuyện khác.

Hiện tượng lạm quyền, thiếu minh bạch, thiếu công khai, dân chủ (hay còn gọi là dân chủ cho có); Chất lượng quy hoạch thấp, thiếu luận cứ, thiếu thực tiễn, duy ý chí, tùy tiện áp đặt theo ý kiến chủ quan của một số cá nhân có chức có quyền, xa dân mới là nguyên nhân chủ yếu.

Trong xu thế hiện đại hóa nông nghiệp, càng ngày số lao động dành cho nông nghiệp sẽ giảm dần. Tại Đông Âu, đã có hiện tượng phổ biến là đất đai nông nghiệp bỏ hoang, nông thôn không có người ở, giới trẻ bỏ ra thành phố hết. Đất đai nông nghiệp, nông thôn muốn cho muốn tặng cũng không ai mặn mà.

Tại Hoa Kỳ, hiện có khoảng 83 % dân số sống trong 361 vùng đô thị và nền nông nghiệp nước này sử dụng chưa đến 1% số lao động của cả nước.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa vào năm 2010 là 30,4%; năm 2025 dự báo là 40,5%; đến năm 2050 là 59,0%, tức gần gấp đôi sau 40 năm [

Trong xu thế chung về hiện đại hóa nông nghiệp, lượng lao động nông nghiệp sẽ được giải phóng, trong vòng 40 năm tới phải tạo ra tối thiểu khoảng 30 triệu chỗ ở trong đô thị, 15 triệu việc làm phi nông nghiệp. Như vậy, mỗi năm cần khoảng 1 triệu chỗ ở đô thị và khoảng 500 ngàn việc làm phi nông nghiệp. Đô thị hóa, công nghiệp hóa là đương nhiên.

Đây là một thách thức song cũng là một thực tế phát triển. Không thể lảng tránh việc sẽ phải trưng thu, trưng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Phát triển, song phải làm sao dân có hạnh phúc, "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" thì ngay trong Hiến pháp và luật đất đai đã phải thể hiện được điều này.

Giải pháp nào cho vấn đề đất đai?

Những đề xuất mà chúng tôi nêu ra ở đây trên cơ sở tham khảo các bản hiến pháp của các nước trong "Tuyển tập hiến pháp một số nước trên thế giới" - Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội. Kế thừa và tiếp nhận những kỹ thuật viết hiến pháp cho phù hợp, trong các nội dung về tài nguyên đất đai cần chú ý ba nội dung sau đây:

Một là: Hiến pháp đã khẳng định việc sở hữu toàn dân thì trong việc thể hiện tương ứng các quyền định đoạt (thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), quyền có cơ hội tiếp cận, giám sát việc sử dụng đất đai của (chủ nhân) toàn dân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, công khai và minh bạch;

Hai là: Nhà nướccó thể trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. (Chúng tôi dùng cụm từ "trưng thu", "trưng dụng" thay cho "thu hồi", đảo lại mệnh đề, đưa cụm từ "vì lợi ích quốc gia", "công cộng" làm chủ thể tối thượng);

Ba là: Sau khi hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, cần phải bổ sung các đạo luật về thuế tài nguyên, thuế tài sản, thuế bất động sản theo thông lệ quốc tế để đảm bảo sự công bằng, chống đầu cơ, khuyến khích người dân chăm chỉ làm việc, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu chủ đạo, tăng cường sức mạnh quốc gia bền vững, dài lâu.

Nguyên văn dự thảo (mới) :

Điều 54 (sửa đổi, bổ sung Điều 18)

1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định.

Góp ý vào dự thảo Hiến pháp, điều chỉnh thành:

Điều 54 (sửa đổi, bổ sung Điều 18),

1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật và quy hoạch được quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp chuẩn thuận.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

3. Nhà nước có thể trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc trưng thu, trưng dụng đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Toàn dân có quyền bình đẳng trong cơ hội sử dụng đất đai, thực hiện quyền giám sát việc sử dụng đất đai trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet