Việc chần chừ, nới rồi thắt trong việc cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam trong khi nhu cầu rất lớn và ngày càng tăng đã tạo ra sự tắc nghẽn trên thị trường. Sẽ chẳng có lợi gì khi một nhu cầu, một nguồn lực lớn chưa được thừa nhận đầy đủ, đáp ứng để huy động phát triển.
Chênh lệch
Có một so sánh cho thấy sự chênh lệch đến bất cập trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam. Tính đến 2013, 5 năm sau Nghị quyết 19 thí điểm cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN chỉ có 126 trường hợp được mua, sở hữu nhà. Con số này quả nhỏ so với khoảng 80 ngàn người nước ngoài ở Việt Nam.
Trong khi đó, số người nước ngoài ở Việt Nam đang tăng lên thì một một nhu cầu thiết yếu của họ khi đến Việt Nam là có chỗ ở ổn định để an cư lạc nghiệp.
Một chuyên gia lâu xúc tiến đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam thu hút hàng trăm tỷ USD FDI, phát triển du lịch - dịch vụ quốc tế mỗi năm thu húng hàng trăm ngàn người nước ngoài đến làm việc. Nếu không tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà thì e rằng họ khó mà "an cư, lạc nghiệp". Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của thu hút đầu tư.
Mới đây, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi với rất nhiều điểm thông thoáng đã để tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trong vấn đề cho người nước ngoài mua nhà đã gây nên sự kỳ vọng lớn cho cả người có nhu cầu mua và bán BĐS. Thậm chí, nếu những đề xuất đột phá như việc cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà thì sẽ tạo nên một động lực mới cho BĐS.
Trong một phiên họp Chính phủ gần đây, lãnh đạo Bộ KH-ĐT đã cho rằng, việc nới lỏng cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN được đánh giá là nguồn lực lớn để phá băng BĐS, tạo sự hấp dẫn cho môi trường đầu tư và giúp xử lý nợ xấu BĐS hiệu quả. Nhiều biệt thự để trống mà số lượng người nước ngoài vào định cư ở VN khi ta hội nhập quốc tế đang tăng lên. Vì vậy, Lãnh đạo Bộ KG- ĐT ủng hộ cho phép người nước ngoài được sở hữu ở VN".
Nếu những đề xuất đột phá như việc cho người nước ngoài sau khi nhập cảnh được mua nhà thì sẽ tạo nên một động lực mới cho BĐS. |
Trong văn bản góp ý cho dự thảo luật, HoREA kiến nghị chỉ cần điều kiện cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có thể mua nhà và sở hữu nhà nếu có nhu cầu. Theo Hiệp hội này, thực tế có nhiều doanh nhân nước ngoài có cơ sở kinh doanh tại nhiều nước. Các doanh nhân này đến làm việc mỗi đợt từ vài ngày đến vài tuần và đi lại thường xuyên và có nhu cầu mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Horea kiến nghị cần nới lỏng các điều khoản này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài được mua nhà theo hướng "chỉ cần điều kiện cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam" thì có thể mua nhà hoặc sở hữu nhà nếu có nhu cầu.
Giới thiệu về hai dự luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, lãnh đâọ Bộ Xây dựng cũng cho biết, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hong Kong đang là những nước và vùng lãnh thổ có chính sách rộng mở nhất đối với việc cho phép người nước ngoài mua BĐS. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở mà còn tạo ra một kênh thu hút đầu tư với nguồn tiền không hề nhỏ. Thế nhưng, tất cả những nhu cầu và tiềm năng này hiện vẫn đang tắc nghẽn.
Hội nhập và chơi theo thông lệ
Ông Trần Như Trung, từng nhiều năm làm việc cho các tập đoàn kinh doanh BĐS lớn nhất thế giới cho rằng, nếu BĐS xác nhận được người nước ngoài là thành phần bình đẳng như các thành phần khác, thì việc mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài sẽ có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.
Theo ông Trung, chính sách này, trong ngắn hạn sẽ gửi thông điệp tích cực đến thế giới, rằng Việt Nam đã rất cởi mở. Khi đó, sẽ thu hút được thêm dòng vốn nước ngoài, khuyến khích người nước ngoài làm việc tại Việt Nam lâu hơn, việc chi tiêu của họ cũng cởi mở hơn, dẫn tới thúc đẩy nhiều lĩnh vực dịch vụ khác phát triển theo. Trong khi về mặt dài hạn, chúng ta không thể cưỡng lại được quá trình toàn cầu hóa.
Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, việc nới lỏng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài chỉ có lợi nhiều hơn, bởi tài sản bất động sản không thể mang vác đi đâu được. Mặt khác, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam lại chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp, có khi lên đến 5.000 - 8.000 USD/m2, mà phân khúc này hiện tồn kho rất lớn. Nếu giải quyết được lượng hàng tồn này, sẽ kích cầu nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Đại diện CBRE VN cho rằng, người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp 'chữa cháy'.Có thể nói, bài học kinh nghiệm từ quốc tế về để người nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà có lẽ sẽ gợi mở được nhiều điều cho cơ quan quản lý về phương cách phát triển dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau những đề xuất nới lỏng thì lại có những quan điểm thận trọng về vấn đề này. Thậm chí, đã có người lo ngại việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh mua nhà. Tuy nhiên, là một người từng quản lý BĐS, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, những lo ngại đầu cơ, lũng đoạn thị trường là không cần thiết. Theo quy định, người nước ngoài chỉ được phép mua nhà trong khoanh vùng nhất định mà VN cho phép, chứ không phải khu vực nào cũng được mua. Giá mua cũng được quy định rõ là người nước ngoài chỉ được mua loại nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ...
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường BĐS và không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp trong nước.
"Nới lỏng các chính sách để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một giải pháp tốt cho thị trường bất động sản hiện nay. Việt Nam nên cải tiến chính sách theo hướng không chỉ giới hạn ở người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mới được mua nhà, mà cần mở rộng ra với những người nước ngoài có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao" đại diện CBRE nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: