Việc mở quyền sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở. Đây được xem là giải pháp quan trọng khơi thông nguồn vốn, kích thích thị trường bất động sản (BĐS) và nhiều ngành kinh tế liên quan.
Cho rằng việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở như là biện pháp quan trọng để "xuất khẩu" tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình) đề nghị mở rộng thêm đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam gồm cá nhân, tổ chức nước ngoài theo Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội. Lý do là nghị quyết đã vào cuộc sống được 6 năm nhưng chỉ có 200 trường hợp mua và sở hữu nhà; đồng thời chưa có tác động tiêu cực phát sinh.
Việc mở quyền sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản. Ảnh: Nhật Nam |
Thực tế, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Việc này thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và thu hút ngoại tệ cho nền kinh tế. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị không nên hạn chế các quyền khác của người nước ngoài như quyền cho thuê lại. Tương tự, ở khu vực không cấm nên cho người nước ngoài quyền xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Có thể thấy, chưa bao giờ các chính sách mới lại được giới kinh doanh BĐS quan tâm như lúc này. Thị trường BĐS khó khăn thời gian dài, đang "ấm" lại nhưng chưa được như kỳ vọng. Lượng BĐS tồn kho lớn, chủ yếu là chung cư cao cấp, biệt thự. Vì vậy, tổ chức, cá nhân nước ngoài, với nhu cầu cao và khả năng tài chính tốt, được coi là nhóm khách hàng hướng tới của khối BĐS này. Nếu các điều kiện sở hữu như phải học tập, làm việc, sinh sống được thay bằng chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì chủ trương mở rộng đối tượng người nước ngoài sẽ không khác chính sách cũ là bao. Hơn nữa, nhóm đối tượng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số hàng nghìn người nước ngoài muốn sở hữu nhà tại Việt Nam. Ngược lại, nếu "mở" thì con số hơn 70.000 người nước ngoài đang ở Việt Nam làm ăn, được giới kinh doanh kỳ vọng sẽ là cú hích đẩy thị trường BĐS đi lên. Thậm chí khi hội nhập thị trường chung khu vực và thế giới thì con số người nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ còn lớn hơn nhiều nữa, thậm chí có thể còn là dòng vốn mới cho thị trường BĐS.
Trao đổi với PV, ông Trần Như Trung, một chuyên gia phân tích thị trường BĐS cho biết, câu chuyện "mở" điều kiện cho cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được kiến nghị trong thời gian khá dài trước đây, song có lẽ thời điểm này thu hút sự chú ý hơn cả. Có nhiều lý do, nhưng xuất phát điểm là sự kỳ vọng tổ chức, cá nhân nước ngoài là nguồn cầu khả thi trong bối cảnh thị trường trong nước khó khăn, nguồn cầu và năng lực trong nước hạn chế. Tuy nhiên, theo ông Trần Như Trung, không nên tiếp cận vấn đề người nước ngoài như tiếp cận với một nguồn vốn mà phải xem họ như một phần của thị trường, như vậy mới có chính sách nhất quán và bền vững. "Trên thế giới, những thành phố phát triển luôn có nhiều màu da, quốc tịch cùng sinh sống, làm việc. Điều đó cho thấy yếu tố quốc tịch không còn bị xem nặng" - ông Trung nói.
Với quan điểm chung đã được đa số đại biểu đồng thuận, thị trường đang trông đợi việc mở quyền sở hữu nhà tại Việt Nam cho người nước ngoài và quy định mang tính đột phá là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ sớm được thông qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: