Trong thiết kế và xây dựng hiện đại, phòng bếp được đặt “ngang hàng” với phòng khách, không ngủ hay bất cứ không gian nào khác. Bởi đây là không gian quây quần, sum họp gia đình trong những bữa ăn đầm ấm, góp phần liên kết và thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên. Bạn có thể tham khảo những cách thiết kế phòng bếp sau đây để nâng tầm chất lượng cuộc sống cho cả gia đình.
1. Bếp tối giản
Xu hướng hiện đại tỏ ra rất “chiều chuộng” phong cách tối giản. Với phòng bếp theo phong cách này, bạn có thể bố trí các món đồ, thiết bị bếp một cách liền mạch từ trái sang phải, bắt đầu là chiếc tủ lạnh, tới tủ đựng thức ăn, máy rửa chén, bồn rửa… Những vật dụng nhỏ như chén dĩa, ly tách sẽ được bố trí trên một chiếc kệ mở gắn lên tường, vừa khoa học, ngăn nắp, lại vừa thuận tiện khi sử dụng. Và kết thúc chuỗi liền mạch này là bếp nấu và lò vi sóng.
Để áp dụng được cách bố trí này, thiết kế trần nhà của phòng bếp phải cao để có thể tạo ra một hệ thống kệ tủ lớn, dài. Và đừng quên lắp một chiếc đèn trần để tạo điểm nhấn cũng như cung cấp ánh sáng cho khu vực bàn ăn.
2. Bếp tiện lợi
Với những căn hộ chung cư hay nhà phố, nhà ống thì bếp tiện lợi đang là sự lựa chọn hàng đầu. Thiết kế bếp theo phong cách tiện lợi đòi hỏi một tư duy thiết kế cẩn thận và linh hoạt. Thông thường, tủ bếp, kệ bếp sẽ được bố trí theo hệ hình chữ U, giúp người nội trợ có thể sử dụng bếp theo một dây chuyền hình tam giác một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Thông thường, bếp tiện lợi có diện tích nhỏ, vì thế, để tránh cảm giác tù túng, bí bách, mang đến sự an toàn khi sử dụng thì có thể gia tăng hệ thống chiếu sáng cho khu vực nấu, đồng thời sử dụng các loại gạch không nung cho tường bếp để tạo sự cách nhiệt và khả năng chống cháy, chống bén lửa khi bếp nấu được đặt quá sát tường.
3. Bếp có diện tích lớn
Phong cách này thường áp dụng cho nhà biệt thự, có sự đầu tư kỹ lưỡng cho phòng bếp. Nội thất và thiết bị bếp được bố trí theo hướng tân cổ điển, đảm bảo được khu vực nấu - lưu trữ, khu vực bàn ăn và tạo ra những khoảng trống “hào phóng”. Để phòng bếp không bị loãng, trống trải, bạn có thể sử dụng gạch men cao cấp hình thoi với 2 màu trắng - đen và lắp đặt xen kẽ nhau, giúp tạo chiều sâu cho không gian.
4. Nhà bếp gia đình lớn
Nếu gia đình bạn nhiều thế hệ, số lượng thành viên trong gia đình đông thì thiết kế nhà bếp thường rất quy mô, nhiều trang thiết bị. Khu vực trung tâm của bếp sẽ là một bếp đôi, hệ thống lò nướng; 2 bên khu vực trung tâm là hệ thống tủ lạnh, bồn rửa, máy rửa chén, đảo bếp… tạo nên một chu trình hình tam giác.
Với số lượng thành viên đông thì sự sạch sẽ cũng như tính năng an toàn là ưu tiên hàng đầu. Muốn đảm bảo điều này, sàn nhà nên tối màu, nhám sần để hạn chế sự trầy xước, trơn trượt; tường nhà phải sử dụng các loại gạch, đá ốp tường để nếu vấy bẩn vết dầu mỡ, thức ăn thì cũng dễ dàng lau chùi, vệ sinh. Tóm lại, phải có sự đầu tư chuẩn mực cho thiết kế nhà bếp của đại gia đình.
DiaOcOnline.vn - Theo Lê Trinh/tcxd.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: