Top

Thăm các làng cổ nổi tiếng Việt Nam

Cập nhật 17/04/2014 13:38

Làng là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống bình dị, gần gũi trong văn hóa Việt Nam, những ngôi làng cổ với lịch sử hàng trăm năm chính là những kho báu văn hóa, lịch sử cần phải được bảo tồn và trân trọng.

Làng cổ Đường Lâm


Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, hình thành bên hữu ngạn sông Hồng. Làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây.


Chỉ cách Hà Nội 50 km, nhưng bạn sẽ ngỡ ngàng trước một không gian xưa cũ, trầm lặng của một làng cổ vẫn còn lưu giữ những sắc màu thời gian. Khi bước qua cánh cổng làng, những tất bật, chộn rộn của cuộc sống như bị đẩy lại phía sau.


Làng cổ Đường Lâm được coi là ngôi làng cổ nhất miền Bắc, hiện còn tới khoảng hơn 900 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn, xóm Đông Sàng, Cam Thịnh, Mông Phụ...

Làng cổ Thổ Hà, Bắc Giang


Nằm bên con sông Cầu, Thổ Hà là một trong những làng cổ hiếm hoi còn giữ được trong mình những nét văn hóa cổ của vùng Kinh Bắc, bao gồm nếp sinh hoạt, kiến trúc, tâm linh và sản xuất. Đây là làng quê có  phong cảnh hữu tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các ngõ hẻm cổ kính.


Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, cư dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng mà sống chủ yếu bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.


Làng cổ Thổ Hà nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, đến khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt, nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa, ngôi đình Thổ Hà bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Làng cổ Cự Đà, Hà Nội


Làng Cự Đà, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, chỉ cách Hồ Gươm chưa đầy 20km, nổi tiếng từ lâu với hai nghề truyền thống là làm tương và làm miến.


Làng Cự Đại được bố trí theo mô hình “nhất cận thị, nhị cận giang” điển hình cho một làng Việt cổ vừa nông nghiệp vừa thương mại. Cự Đại còn khoảng 50 ngôi nhà có niên đại từ 100 đến 130 năm, mang hai phong cách kiến trúc chính là nhà theo kiểu Pháp và nhà cổ thời Nguyễn.

Làng cổ Phước Tích


Được thành lập từ khoảng thế kỉ 15, tồn tại đến tận bây giờ, làng Phước Tích là một trong những ngôi làng cổ nhất Việt Nam và được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia. Ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống. Gốm Phước Tích nổi tiếng với chất lượng cao, tinh xảo và mang nét đẹp dân dã của quê hương, trước đây là một sản phẩm đặc biệt cống nạp cho các vị vua nhà Nguyễn.


Với hơn 27 ngôi nhà cổ vẫn còn được lưu giữ lại đến ngày nay, làng cổ Phước Tích mang những giá trị quan trọng không chỉ về mặt lịch sử mà còn về mặt kiến trúc và văn hóa.


Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn. Ở Phước Tích, tuy mang kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn bao quanh lại rất trẻ và tràn đầy sức sống.

Làng cổ Long Tuyền, Cần Thơ


Cách trung tâm thành phố Cần Thơ, địa hình Long Tuyền là bức tranh tiêu biểu cho vẻ đẹp của văn hóa miệt vườn với dòng sông Bình Thủy vắt ngang. Sông Bình Thủy dài 15km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị. Từ đó, hình thành nên cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch rồi vườn cây kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.


Nước con rạch Long Tuyền quanh năm yên bình, sóng gợn lăn tăn như vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời, dưới ánh trăng giữa những vườn cây trái xum xuê ôm theo con rạch. Bên cạnh đó những nếp nhà truyền thống, bình dị tạo nên những xóm làng trù phú đậm chất Nam Bộ. Làng cổ này còn có di tích cấp quốc gia như: Đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã, Long Quang cổ tự, Hội Linh cổ tự, nhà cổ Bình Thủy và trụ sở của An Nam cộng sản đảng.

Làng cổ Túy Loan


Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 15km về phía Tây Nam, làng cổ Túy Loan với lịch sử hình thành và tồn tại hơn 500 vẫn giữ được cho mình những nét đẹp truyền thống vốn có của một làng quê Trung bộ Việt Nam.


Hình thành bên con sông Túy Loan thơ mộng khiến cho khung cảnh làng quê nơi đây rất nên thơ, hữu tình, đẹp một cách giản dị., làng cổ Túy Loan là một trong số ít những làng quê còn giữ được những dấu tích cổ xưa của làng Việt như cây đa, giếng nước, sân đình. Đình làng Túy Loan và đình Bồ Bản chính là hai công trình kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn nhất qua 6 thế kỷ, đi cùng với đó là hoạt động tế lễ mang đậm màu sắc văn hóa địa phương vẫn được các thế hệ con cháu tiếp tục duy trì.

Làng cổ Phong Nam, Đà Nẵng


Phong Nam là một trong hai ngôi làng cổ nổi tiếng của đất Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 10km. Đến với làng cổ Phong Nam, người ta sẽ được cảm nhận sự yên bình của những cánh đồng lúa bát ngát, sự thân thuộc của lũy tre xanh – vốn đã dần trở nên hiếm hoi tại các làng quê Việt.


Làng cổ Phong Nam cho đến ngày nay vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ như đình, chùa, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ các tộc họ…Đi cùng với đó là sự duy trì hoạt động những phiên chợ quê giản dị, đơn thuần suốt nhiều thế kỷ.


DiaOcOnline.vn - Theo MASK