Đặt chân lên thủ đô Sofia, chúng tôi có đôi chút ngạc nhiên trước không khí quá êm đềm của thành phố lớn nhất nước Bulgaria. Những cao ốc mới hiện đại không xóa được vẻ cũ kỹ trên nhiều dãy phố chính.
Sự thích thú của cả đoàn dành cho xứ sở hoa hồng chỉ đến sau khi đã được thăm một số di tích xinh đẹp gắn với những câu chuyện lịch sử hấp dẫn.
Sofia, thành phố công viên
Buổi sáng thứ hai của chúng tôi ở Sofia ánh nắng nhuộm vàng cả những dãy đồi quanh thành phố. Sau mấy ngày mưa, khu phố cổ, Trường Đại học Tổng hợp với mái vòm xanh, Nhà thờ thánh Alexander Nevsky có tông màu bàng bạc bỗng trở nên bừng sáng. Thong thả bước trên vỉa hè lát gạch màu vàng, đoàn bắt đầu tham quan quần thể kiến trúc cổ mà Nhà thờ Alexander Nevski là điểm khởi đầu. Công trình tôn giáo đồ sộ này là một trong những di sản của Bulgaria và là điểm nhấn của Sofia với mái vòm mạ vàng luôn rực rỡ nổi bật.
Trong những gian phòng mênh mông của thánh đường, hơn 300 bức bích họa, rất nhiều trang trí bằng đá hoa cương, cẩm thạch nhiều màu, mã não, vàng và những bức tượng Chúa sưu tập được từ khắp đất nước cứ níu chân mọi người. Nghe nói, hàng ngàn nghệ nhân và thợ thủ công đến từ nhiều quốc gia đã làm việc miệt mài suốt 30 năm để xây dựng ngôi giáo đường này.
Không chỉ có thế, cả một bảo tàng nghệ thuật của Bulgaria và Nga hồi đầu thế kỷ XX nằm trong khu vực hầm mộ có thể tái hiện trước mắt du khách cả thời phồn thịnh của đất nước hoa hồng.
Là một thành phố từng chịu ảnh hưởng của nhiều đế chế lớn trong mấy ngàn năm tồn tại, Sofia có nét pha trộn giữa Đông và Tây, giữa hiện đại và cổ xưa. Tại khu vực trung tâm thành phố, những di tích từ thời La Mã hay Thracian vẫn nằm cạnh các kiến trúc châu Âu thế kỷ XIX và XX.
Trên nhiều con phố, những khối nhà vuông vức buồn tẻ được xây trong thời Xô Viết trở nên mềm mại hơn bởi rất nhiều cây cối xanh tươi. Sofia đặc biệt có nhiều công viên xanh tốt như rừng. Ấn tượng nhất là công viên trông như khu rừng nguyên sinh bao quanh cung Hoàng gia xưa (bây giờ đã trở thành Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia). Để tham quan bảo tàng này, du khách phải đi qua con đường nằm dưới những tầng, những tán lá dày đặc.
Hai bên đường cây mọc ken dày, cao vút. Rất nhiều cây thân trắng thẳng tắp. Tán cây xòe gần như che khuất cả hàng rào bao quanh. Cung điện Vrana được xây dựng đầu thế kỷ XX và mang phong cách kiến trúc Tây Âu cận đại nên trông rất thanh thoát.
Trái ngược với Thánh đường Alexander Nevsky hay cung Hoàng gia đồ sộ, nhà thờ Boyana ở vùng ngoại ô thủ đô Sofia tuy nhỏ nhắn nhưng cũng là điểm đến thường được đưa vào các chương trình tour tham quan.
Nằm dưới chân núi Vitosha, ẩn giữa các cây cổ thụ tán lá xanh tươi tốt, giáo đường này được UNESCO công nhận di sản văn hóa nhờ bảo quản nguyên vẹn và hoàn chỉnh một loạt các bức bích họa tiêu biểu cho nghệ thuật Đông Âu thời Trung cổ. Bên trong nhà thờ, toàn bộ tường và vòm trần là những bức tranh thánh được vẽ chồng lấn lên nhau. Sau hàng ngàn năm, các bức bích họa vẫn tươi màu, thể hiện sống động đời sống tinh thần của người xưa.
Veliko Tarnovo, thành phố của những nhà quý tộc
Chỉ cách Sofia hai giờ xe, cố đô Veliko Tarnovo cách đây hơn một trăm năm vẫn còn là thủ đô náo nhiệt của Bulgaria. Đường từ Sofia đến Veliko Tarnovo đi qua những ruộng hoa hướng dương, bắp, lúa mì… trải dài như không có điểm dừng. Phía thì nhìn mút tầm mắt không thấy đâu là ranh giới, phía là những triền núi nối tiếp nhau xanh tắp. Tại những khu vực đã thu hoạch xong có thể thấy từng đàn gia súc đứng cụm lại với nhau.
Veliko Tarnovo được xây dựng trên những triền núi nối tiếp, xung quanh thành phố là núi. Địa thế như vậy nên đường phố đa số nhỏ, dốc lên dốc xuống liên tục. Thú vị nhất là khi đang đi trên một con đường, thấy bên đường có cầu thang nhỏ lên hoặc xuống, thử vào xem thì cầu thang đã dẫn chúng tôi đến một khu phố khác hẳn.
Được mệnh danh là thành phố của những nhà quý tộc, Veliko Tarnovo đúng là nơi dành cho ai ưa thưởng thức nhiều thú vui tao nhã trên đời. Trên những con phố thanh lịch, chẳng khó khăn gì để tìm các nhà hàng hay quán cà phê còn đượm phong cách quý tộc thành thị Đông Âu xưa.
Chúng tôi ai nấy đều có ấn tượng đặc biệt khi được thưởng thức một ly cà phê vùi trong cát nóng theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và nhâm nhi mứt hoa hồng. Loại mứt được làm hoàn toàn từ cánh hoa hồng này có vị rất thanh tao. Khi ăn người ta cảm nhận được rất rõ là mình đang nhâm nhi cánh hoa, mùi hương hoa hồng Bulgaria đặc trưng vẫn còn thoang thoảng trong dư vị ngọt ngào.
Đi dạo trên con phố lịch sử Samovodne trong khu thành cổ của Veliko Tarnovo, tôi chợt nhớ đến Hội An. Cũng là không gian xưa với các giá trị văn hóa còn đọng lại. Nơi đây cũng có nhiều cửa hàng mỹ nghệ trông rất có gu. Mặt hàng được bày bán chủ yếu là tranh, gỗ khảm, trang phục truyền thống sặc sỡ, các chế phẩm bằng đồng hay bằng bạc…
Cách thành phố quý tộc chỉ vài dặm đường là thị trấn quý tộc Arbanassi, một quần thể kiến trúc cổ gồm nhiều dinh thự và nhà thờ được xây trong thế kỷ XVII và XVIII.
Tọa lạc trên một cao nguyên đá, Arbanassi được thành lập vào đầu thế kỷ XIII và đạt đến cực thịnh vào nửa cuối thế kỷ XVII nhờ nghề thủ công và thương mại. Thị trấn này trong thời gian dài được hưởng những ưu đãi đặc biệt của các vị vua Ottoman nên quy tụ rất nhiều thương gia giàu có đến lập nghiệp. Nổi tiếng nhất ở đây là Nhà thờ Nativity có loạt bích họa mô tả các vòng luân hồi. Dinh thự Konstantzalieva cũng là nơi mở cửa tiếp đón những ai muốn biết về cuộc sống của gia tộc giàu có ở đây ngày xưa.
Arbanassi không hổ danh là thị trấn đẹp nhất ở Bulgaria. Gần 150 tòa nhà, hàng chục nhà thờ và tu viện bằng đá có nội thất được trang trí đậm chất mỹ thuật không bị tàn phá bởi thời gian.
Bên trong những bức tường đá dày, nhà ở, giáo đường hay xưởng thủ công đều có vẻ đẹp thanh thoát và rất tiện nghi. Trần nhà, cửa ra vào, các đồ nội thất và những cửa sổ sang trọng đều được trang trí với tác phẩm điêu khắc gỗ. Các bức tường được trang trí bằng thạch cao mang hình hoa lá.
Đặc biệt đẹp một cách uy nghi là các nhà thờ với bức tường cao mạnh mẽ và cửa sổ nhỏ. Bên ngoài nhà thờ hầu như không có chút trang trí nào, trái ngược với bên trong sang trọng nhờ rất nhiều tác phẩm điêu khắc cực kỳ tinh xảo và hàng loạt bích họa lộng lẫy.
Anh hướng dẫn viên tự hào cho chúng tôi biết rằng có những du khách đến Arbanassi rồi ở lại đây hàng tháng trời. Nhiều khách phương xa không nỡ xa rời thị trấn quý tộc này bởi mỗi ngôi nhà, tu viện, trường dạy thần học ở đây đều là một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Cái hay của thị trấn là tất cả các kiến trúc đó đều hòa hợp với nhau và cùng nhau làm nên vẻ quý phái, sang trọng rất riêng của Arbanassi.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: