Top

Lausanne phố trong rừng, rừng trong phố

Cập nhật 14/09/2008 11:05

Nhắc đến Thụy Sĩ, người ta thường nhớ đến Genève, một thành phố nổi tiếng trong lịch sử với những hiệp ước được ký kết tại đây. Nhưng Thụy Sĩ không chỉ có Genève mà còn rất nhiều thành phố xinh đẹp khác xứng đáng được lưu danh, mà một trong số đó là Lausanne với phong cảnh ngoạn mục và còn được mệnh danh là thành phố Olympic.

Tôi đã ở tại thành phố đặc biệt này trong suốt tháng 9, thời điểm đầu thu lãng mạn, với tiết trời se lạnh, lá vàng bay và những cơn mưa bất chợt…

Thành phố của học thuật và thương mại



Thành phố Lausanne bên hồ Léman


Lausanne là một thành phố trẻ, có nhiều hoạt động văn hóa và thể thao đa dạng. Không những thế, Lausanne còn được xem là thành phố của nghiên cứu và học thuật với các trường đại học và nhiều trung tâm khoa học quốc tế. Ngoài trường đại học danh tiếng Lausanne, thành phố này có tới hàng trăm các trường ngôn ngữ và học viện tư thục lâu đời. Con cái của những gia đình quý tộc quyền quý ở khắp nơi trên châu Âu được gửi vào đây để được làm quen với phương pháp học tập và kỷ luật bậc nhất.

Những trường này có mức học phí rất cao nhưng luôn biết năng động làm tiếp thị để luôn chiêu sinh được những sinh viên xuất sắc. Trường Quản lý Khách sạn Lausanne cũng là một nơi danh tiếng chuyên đào tạo các nhân viên khách sạn, đầu bếp, chuyên gia du lịch hàng đầu thế giới. Đây là một trong những ngôi trường mà bất cứ ai làm khách sạn - du lịch cũng mong được một lần đến học.

Và từ rất lâu, Lausanne được các tập đoàn đa quốc gia như Philip Morris, Marlboro, Toblerone... chọn làm nơi đặt trụ sở chính. Những khu mua sắm sầm uất với đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những tiệm đồng hồ Thụy Sĩ cũng góp mặt tại đây

Rừng trong phố



Góc phố


Dù vậy, Lausanne trông lại không hiện đại và mang phong cách “techno” mà là một thành phố nằm trong rừng, hay nói cách khác, có những khu rừng nằm trong Lausanne. Thành phố ôm trong lòng hồ Léman (hồ trung tâm châu Âu), trải dài cùng những khu trồng nho, khu rừng thông thiên nhiên, rừng nhân tạo và vùng đồng cỏ thôn quê. Thế nhưng người Lausanne vẫn còn “khát” màu xanh đến nỗi họ có thêm khá nhiều công viên rộng lớn rất xinh đẹp như Mon-Repos, Montbenon, Milan, thảo cầm viên và nhiều khu vườn khác nữa.

Trong thời gian ở Lausanne, tôi ngụ trong căn hộ của ông bà nội, số 26 phố Cánh đồng Mặt trời (chemin de Champ Soleil), nằm trong một khu rừng nhỏ. Đường phố ở Lausanne đa phần được gọi là “chemin” (tiếng Pháp có nghĩa là đường mòn nằm ở vùng thôn quê), rất ít đường được gọi là “rue” (đường phố ở thành thị) như ở các nước láng giềng Pháp và Bỉ. Lý do duy nhất vì người Lausanne luôn nghĩ mình sống trong rừng và hòa hợp cùng thiên nhiên tươi đẹp. Nếu chia theo tỷ lệ thì mỗi một người dân Lausanne được hưởng thụ đến 26 mét vuông khoảng xanh.



Tháp cổ nhất Lausanne


Mỗi sáng, chúng tôi vượt một cây số “đường rừng”, cẩn thận đặt từng bước chân lên thảm lá vàng ẩm ướt, ung dung tự tại… xách giỏ đi siêu thị mua thức ăn. Chúng tôi chỉ cần bước qua khỏi ranh giới của rừng là rơi ngay vào khu vực của “phố” với đầy đủ những cửa hàng mua bán bận rộn và những siêu thị đầy đủ chủng loại.

Buổi chiều, tôi cùng bà nội tôi rải thức ăn ra bậu cửa sổ rồi chống cằm chuyện gẫu chờ bọn thú rừng như sóc, thỏ, chim muông sà đến kiếm ăn. Buổi tối, tôi mở hé cửa sổ cho gió lạnh tràn vào cùng những giấc mơ thần tiên, nghe văng vẳng bên tai tiếng suối chảy róc rách, nửa tỉnh nửa mê ngỡ mình là “công chúa ngủ trong rừng”, hoang đường chờ hoàng tử đến hôn cho một cái!

Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, phố trong rừng, rừng trong phố. Vậy Lausanne là phố hay rừng? Nôm na thế này: thành phố được xây dựng trên ba ngọn đồi, nhà cửa mọc nhấp nhô, ẩn hiện trong những khu rừng. Ven hồ Léman, những dãy sườn đồi dốc đứng có những tòa lâu đài và biệt thự sang trọng nằm chênh vênh. Xuyên qua những kẽ hở của nhà cửa, núi Savoy Alps tuyết phủ trắng xóa quanh năm đang lấp ló. Cảnh trí vô cùng xinh đẹp với màu xanh của cây, màu trắng của tuyết, màu xám của nhà, màu hồng của hoa. Gợi cảm và quyến rũ!

Hồ Léman và cảng Ouchy



Một góc cảng Ouchy


Buổi chiều khoảng ba giờ là thời điểm đẹp nhất trong ngày để đi dạo ở Lausanne. Chúng tôi thường đi bộ một đoạn đường rừng, rồi tiếp tục lấy xe điện ra bến cảng Ouchy nằm bên hồ Leman. Đây là khu vực trung tâm thành phố, có nhiều tòa nhà hành chính cùng các loại cờ của gần một trăm quốc gia. Dù Thụy Sĩ nổi tiếng là không thích người nhập cư, nhưng có đến 38% cư dân ở Lausanne là người nước ngoài và họ được chăm sóc rất tốt. Hồ Léman là niềm kiêu hãnh của người Thụy Sĩ dù hồ này còn phải chia đôi diện tích sử dụng với người Pháp.

Từ Lausanne, tại bến cảng Ouchy, người ta có thể đáp thuyền để đến Genève, các thành phố khác nằm ven hồ Léman, và thậm chí, “vượt biên” sang Pháp. Bến cảng là nơi có mật độ giao thông khá tấp nập. Thế mà vẫn còn chỗ bình yên cho một đàn thủy cầm vươn những cái cổ dài kiêu hãnh ra “bonjour” mọi người. Cảng Ouchy được xây dựng quy củ, có cầu tàu xinh đẹp đầy những bồn hoa sặc sỡ, có những công trình kiến trúc hiện đại mà vẫn cổ kính, những quán nhỏ mang phong cách “núi rừng”, những vòi phun nước, những cửa hàng xinh xinh…



Credit Suisse, ngân hàng nổi tiếng của Thụy Sĩ đặt
trụ sở tại Lausanne


Từ Ouchy, người ta cũng có thể mua vé vào những “hộp thủy tinh” có cáp treo, lên đỉnh đồi nhìn cảnh trí hồ Léman hoặc đi xa hơn, đến một khu du lịch trượt tuyết nào đó trên các dãy núi cao. Thường tôi hay mua một cây kem ba màu, ngồi trên bờ kè ven hồ, vừa nhấm nháp, vừa nhìn đàn thiên nga trắng lượn lờ, những chiếc tàu mang cờ Thụy Sĩ đến rồi đi…

Bảo tàng Olympic:



Ngọn lửa Olympic luôn cháy trong khuôn viên bảo tàng
Olympic


Những festival về văn hóa không lúc nào ngơi ở thành phố này vì được tài trợ. Người dân được định hướng, được giảng dạy, được tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, giải trí… Những hoạt động văn hóa đối với họ cũng quan trọng và cần thiết như nhu cầu bình thường về ăn mặc, đi lại, học hành. Thể dục thể thao cũng được đánh giá cao và hầu như người Lausanne nào cũng tham gia ít nhất một môn thể thao. Họ chơi thể thao có phường hội, có tổ chức, có bác sĩ theo dõi, động viên…

Người lười thể thao nhất mà sống ở Lausanne thì chí ít cũng phải siêng đi bộ. Và như một tất yếu, Lausanne là thủ đô Olympic với bảo tàng Olympic rất độc đáo. Năm 1915, bá tước Pierre de Coubertin thiết lập văn phòng Tổ chức Olympic ở Lausanne và triển khai một bảo tàng. Từ đó đến nay, bảo tàng này là nơi cất giữ những di sản Olympic và thu thập nhiều hiện vật liên quan đến quá trình phát triển phong trào Olympic.

Chúng tôi đến thăm bảo tàng Olympic vào một ngày nắng đẹp. Ngay vườn ngoài của bảo tàng đã rất thu hút với nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo đề cao cái đẹp của thể thao. Này là một khẩu súng có nòng bị thắt nút lại với dòng chữ “Không bạo lực”, kia là một nhóm tượng các vận động viên xe đạp đang gò mình nhấn pê-đan, đấy là một cơ bụng săn chắc của đàn ông với nhiều múi cơ bắp gọn ghẽ và “ngon mắt” như những ô vuông chocolate Lindt. Cứ vài giây những múi cơ bắp này sẽ tách ra và nhập lại một lần, công sức của một vận động viên thể hình để có được những cơ bụng “đâu ra đó” được đề cao biết bao.

Vào bên trong, tham gia nhiều hoạt động, mới nhận ra đây là một bảo tàng có sự tương tác với người tham quan. Không hề nhàm chán và khô khan như những bảo tàng khác với các tủ kính trưng bày, các pho tượng, các thuyết minh lặp đi lặp lại. Ở bảo tàng Olympic, khách tham quan có thể trực tiếp nghe các băng thuyết minh hấp dẫn, những máy vi tính và công nghệ số giúp họ cảm nhận được những giây phút chiến thắng tuyệt vời của vận động viên, được cùng chia sẻ nỗi xúc động với các khán giả có mặt trực tiếp vào thời điểm đó. Đây quả là nơi bạn có thể thu thập mọi thông tin và cảm xúc liên quan đến lịch sử Olympic.

Ngày tôi rời Lausanne, thành phố đang có những cơn mưa thu bao phủ. Lá vàng rơi như trút ở khu rừng bao quanh phố Cánh đồng Mặt trời. Tôi không mấy buồn khi “để lại” ông bà mình, bởi quá yên tâm khi biết rằng không nơi nào trên thế giới này có thể chăm sóc họ tận tình như Lausanne, thành phố của những giấc mơ cổ tích ngọt ngào.



Xe ngựa trong khu phố cổ


Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần