Top

Home Theatre của không gian sống hiện đại

Cập nhật 20/07/2007 16:12

Nếu như xem phim tại rạp là sở thích của rất nhiều người thì việc tận hưởng không khí xinê ngay tại nhà mình lại là niềm đam mê lớn của không ít dân chơi công nghệ. Trong một dịp tình cờ, được xem trọn bộ phim Die Hard 4 tại rạp chiếu bóng tại gia của một anh bạn thân (khu Mỹ Gia, Phú Mỹ Hưng), chúng tôi mới hiểu được thế nào là mức độ “công phu” của nghề chơi home theatre đẳng cấp này.



Không gian chuẩn.


Qua lời anh, chúng tôi biết được tùy theo yêu cầu và mục đích sử dụng của gia chủ mà home theatre có thể chia thành hai loại là “dedicated” và “mix”. Dàn home theatre dedicated được đầu tư chỉ phục vụ cho một mục đích tối thượng là xem phim trong khi dàn home theatre mix lại được thiết kế để có thể thỏa mãn được các nhu cầu đa dạng của mọi thành viên trong gia đình như xem phim, nghe nhạc, hát karaoke…

Cấu tạo của một home theatre cơ bản gồm nhiều loa để tạo ra âm thanh vòng (surround sound). Âm thanh này được tái tạo từ nguồn âm như đầu đọc DVD, ampli, receiver… Phần đông giới chơi home theatre thường chọn sử dụng hệ thống máy chiếu (projector) và màn hình để mang lại cảm giác xi nê. Trong đó, màn hình Steward luôn là một niềm mơ ước của giới mộ điệu (giá trên 100.000 USD). Tuy nhiên, vẫn không ít người chuộng xem phim trên các màn hình plasma lớn.



Như trong rạp Cine.


Gian phòng có diện tích 4m x 6m mà theo anh là chưa “đủ rộng” được thiết kế bởi Công ty Noor. Nếu như những chiếc mặt nạ treo tường nói lên được sở thích du lịch của gia chủ thì những bức họa về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cây đàn guitar có chữ ký của ông đã phần nào thể hiện ở anh cái gu nghệ sĩ. Anh nói: “ Phần deco nội thất home theatre tùy thuộc vào sở thích của từng người. Quan trọng hơn hết vẫn là việc thiết kế âm thanh”.

Hệ thống âm thanh 5.1 là hệ thống căn bản của “rạp hát gia đình” anh với bộ loa Jamo lịch lãm. Loa trung tâm (center) được đặt dưới màn hình, phát ra lời thoại của nhân vật trong phim; hai loa chính (front) đặt hai bên màn hình để tái tạo hầu hết các âm thanh trong phim; và hai loa surround bố trí hai bên, phía sau người xem, để phát ra tiếng nhạc nền và tiếng vọng. “Nếu như có thêm các thiết bị tạo rung (earthwake shaker) gắng dưới các chiếc ghế sofa thì khỏi chê” - anh nói. Ngoài 5 loa trên, còn có một loa subwoofer chuyên tạo ra các âm thanh siêu trầm.



Lịch lãm những chỗ ngồi.


Khi được hỏi về lời khuyên cho những người muốn chơi home theatre, anh trả lời: “Phải mê lắm thì mới chơi được vì giá cả của thú chơi này không rẻ chút nào. Tất cả đều phải được thiết kế đồng bộ từ khâu xây dựng, trang trí và cân chỉnh âm thanh. Vì là phòng xem phim nên đòi hỏi việc cách âm rất cao. Trần được thiết kế với ván bên ngoài để bao phủ cho lớp sợi thủy tinh cách âm. Sàn nhà cũng được anh lót gỗ và trải thảm. Sàn nhà được bố trí trên một lớp cát mịn để phản ánh một cách trung thực những hiệu ứng rung động, va chạm của những pha rượt đuổi trong phim.

Thảm lót sàn và bộ sofa mềm ngoài tính năng trang trí còn là những chất liệu hút âm rất tốt. Tùy theo túi tiền mà bạn có thể chọn các loại loa, projector và các loại dây nối chuyên dụng khác nhau với giá từ vài trăm đến hàng ngàn USD. Sau khi chọn được ghế ngồi có chiều cao hợp lý, lắp đặt màn hình là khâu quan trọng thứ hai. Khoảng cách từ projector đến màn hình phải chuẩn để không xảy ra tình trạng dư hình ngoài rìa màn chiếu.



Thêm nhiều màu sắc Home theatre.


Khâu cân chỉnh âm thanh phải thực hiện thường xuyên để vừa tầm tai người nghe vừa đảm bảo đúng tần số”. Ánh sáng cũng được anh đầu tư khá công phu: “Như một rạp xinê, khi bắt đầu xem phim, không gian sẽ tối dần đến một mức độ thích hợp nhất. Còn lúc cả nhà karaoke, ánh sáng được tập trung tại vị trí ngồi trong khi không gian xung quanh vẫn đủ tối để cả nhà có thể đọc được những dòng chữ trên màn chiếu”.

Anh kết luận: “Để đạt được hiệu quả như mong muốn, home theatre cần được thiết kế đồng bộ từ đầu đến cuối. Cách tốt nhất là tìm thông tin trên mạng và đưa ra quyết định mức độ đầu tư của mình như thế nào. Và hơn cả niềm đam mê, thú chơi home theatre là cả một nghệ thuật tinh tế”.

K.Trần - DiaOcOnline