Top

Chút hương xưa tại các cửa hàng bánh cổ truyền Hà Nội

Cập nhật 08/01/2011 08:40

Chẳng cầu kỳ, rực rỡ, những chiếc bánh bé xinh với những tên giản dị: bánh Củ cải, bánh gấc, bánh Mảnh cộng... như gói cả sự đảm đang, khéo léo của người con gái Tràng An.

1. Độc đáo bánh của người Tràng An

Với người trẻ thuộc thế hệ của pizza, fastfood, những cái tên bánh Gấc, bánh Mảnh Cộng, bánh Tô Châu, bánh Củ cải…dường như thật xa lạ. Nhưng với những ai đã mang trên đầu hai thứ tóc, món bánh đầy hoài niệm ấy lại là niềm nhung nhớ khôn nguôi, là con đường dẫn về những ký ức một thời thơ trẻ.

Giờ đây, những món bánh xưa của Hà Thành đã trở thành của hiếm. Những người được ăn bánh khi còn là một đứa trẻ nay cũng đã lên tuổi hoa niên. Thi thoảng, họ nhắc lại với nhau để rồi rưng rưng nhớ.

Có lẽ trên khắp mảnh đất Hà Thành chỉ còn lại tiệm bánh Gia Trịnh nằm trên con phố nhỏ Lý Nam Đế là còn giữ lại những nét xưa trong từng miếng bánh cổ truyền: Bánh Gấc, Mảnh Cộng, Củ Cải, Tô Châu, Chín tầng mây…không nhiều nhưng cũng đủ để người ta lưu luyến khi muốn tìm lại một chút hương xưa.

 

Ngày xưa, trong mâm cỗ cúng tất niên của người Hà Nội, không thể nào thiếu mâm bánh với những chiếc bánh Gấc đỏ tươi, bánh Chín tầng mây sặc sỡ, bánh Tô Châu, bánh Mảnh Cộng, Củ Cải trắng ngần, bánh Dành Dành vàng óng ả…

 

Nhìn mâm bánh, nếm thử hương vị ngọt ngon, có thể đoán biết được tài nữ công gia chánh của cô con gái hay bà chủ nhà khéo léo. Miếng bánh ngọt ngào tuổi thơ và cũng làm nên duyên bao đôi lứa.

 

Mỗi loại bánh một hương vị, một cái ngon riêng biệt chẳng lẫn vào nhau. Bánh Gấc dẻo mềm cái dẻo của nếp cái hoa vàng, thơm ngậy hương thơm đặc trưng của gấc và ngọt bùi nhân đậu xanh, dừa tươi, mứt bí, hạt sen… Chẳng ai có thể chối từ chiếc bánh may mắn đẹp và ngọt ngon nhường ấy.

Bánh Mảnh Cộng lại làm từ loại dây leo Mảnh Cộng mọc dại bên hàng rào. Vào mùa hè, đám dây leo bừng lên những chiếc lá xanh mơn mởn. Ngắt lá ấy trộn với bột nếp xay mịn để tạo thành màu xanh ngắt đậm đà. Chiếc bánh nhìn đã mát mắt, ăn vào lại có mùi thơm khiết thanh của lá, của khí trời lồng lộng.

 

Bánh Chín tầng mây lại thu hút người ăn từ cái tên thật đặc biệt. “Chín tầng mây” – có lẽ cái tên này bắt nguồn những màu sắc sặc sỡ trên chiếc bánh được “nhuộm màu” từ thiên nhiên: xanh, đỏ cam, vàng, trắng…

 

Bánh Tô Châu mang cái tên có hơi hướng Trung Quốc nhưng lại được làm từ những nguyên liệu rất đỗi…Việt Nam. Chiếc bánh hình chữ nhật hơi ngả sang màu tím nhạt, lấm tấm vừng đen, thoảng nhẹ mùi thơm hoa bưởi.

Tiệm bánh Gia Trịnh. 16A Lý Nam Đế - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội, giá mỗi chiếc bánh từ 2.000-5.000 đồng.

2. Giản dị bánh quê trong lòng phố cổ

Hàng bánh này cũng đã bán được khoảng 20 năm rồi. Ở đây có đủ cả chè con ong (hay nhiều người lầm tưởng là chè bà cốt), bánh xu xê, bánh xoài, cốm xào, chín tầng mây, bánh dày Quán gánh, … những món ngon vẫn được người Hà Nội coi như một thứ quà ăn chơi mộc mạc.

 

Đặc biệt nhất ở đây phải kể đến bánh xu xê. Khác hẳn với các loại bánh hồng hồng, vàng vàng ăn giòn tanh tách nhưng vô vị, xu xê hàng này có độ dẻo, ăn rất mềm nhưng không mất đi vị dai dai đặc trưng của bột năng, bột sắn. Bánh mang màu trắng tinh khôi, trong vắt nhìn thấy cả nhân đậu xanh lấp ló ở bên trong, ăn rất ngon.

 

Đặc trưng Hà Nội nằm ở cốm xào. Miếng bánh vẫn giữ được màu xanh của cốm, xào cùng dừa vừa thơm vừa bùi. Đặc biệt là vị bánh rất "thật", chứ không phải loại vỏ bánh chẳng hiểu cốm hay gạo hay gì đó được giã nhỏ, trộn phẩm xanh, rồi bọc đậu xanh xào.

 

Cũng không thể không nhắc đến chè con ong. Tuy chỉ có gạo nếp nấu chín xào với đường đỏ và gừng nhưng ăn miếng bánh vừa có vị dẻo ngọt đậm, lại cay dịu này khi gió lạnh tràn về sao khó quên đến vậy. Thêm chút vừng, lạc rắc lên trên rất nổi vị.

Còn bánh nếp bánh xoài, ... mùa nào thức nấy, nhưng loại bánh nào cũng rất đặc trưng của Hà Nội.

Cửa hàng bánh bà Diệu, số 1 phố Đinh Liệt, Hà Nội

3. Dân dã bánh đúc

Quán nằm trong ngõ, một địa chỉ ẩm thực nổi tiếng từ hàng chục năm nay ở Hà Nội. Tuy nằm trong ngõ nhưng quán lúc nào cũng đông khách.

Bánh đúc ở đây gồm bánh đúc nóng (nhân thịt) và bánh đúc lạc (nhân lạc). Ngoài suất cơ bản, có nhiều lựa chọn cho mọi người ăn thêm (giò, đậu, v.v..). Bánh đúc có nhiều loại, không chỉ bánh đúc lạc và bánh đúc nóng.

 

Bột bánh trắng mịn, mềm, ăn đến môi trôi đến họng là câu chính xác để tả về bánh đúc ở đây. Hỗn hợp thịt băm, mộc nhĩ, hành... nêm rất vừa, nóng ngon, với mùi thơm của hành phi. Không những bánh đúc ngon mà quán còn bán bánh đa cua, miến cua,...Mấy món này cũng đều rất ngon.

 

Ai đã muốn đi ăn các món ở Hà Nội không nên bỏ qua các món bánh đúc, dân dã và đầy tinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Afamily