Top

Doanh nghiệp ASEAN “mê” bất động sản Việt Nam (Phần 2)

Cập nhật 27/11/2007 17:00

Các nhà đầu tư bất động sản ở châu Á trong đó có SP Setia Berhad - công ty đầu tư bất động sản lớn nhất của Malaysia, đang hướng tới Việt Nam, bị cuốn hút bởi một nền kinh tế tăng trưởng trung bình hơn 7% mỗi năm.
 
Mới đầu tuần trước, liên doanh SP Setia Berhad và Becamex iDC Corp đã được cấp giấy phép thực hiện dự án Ecolakes Mỹ Phước, khu đô thị sinh thái này đang được nhiều người kỳ vọng là “quả trứng vàng” cho nhà đầu tư.

Quy mô dự án lên đến 226 ha được xây dựng tại trung tâm Khu công nghiệp Mỹ Phước bao gồm các hạng mục như những dòng suối, hồ, biển nhân tạo, khu đô thị hiện đại, khu giải trí và khu thương mại, trung tâm khám bệnh, trường quốc tế, dự án khu dân cư như nhà liên kề, chung cư và chung cư cao cấp cùng hệ thống cây xanh được trồng nhiều để tạo môi trường trong lành... Vốn tổng thể của dự án này khoảng 800 triệu USD.

“Quanh khu vực này, Việt Nam có dân số trẻ nhất, môi trường đầu tư, chính trị, xã hội ổn định. Với những diễn tiến gần đây, chúng ta nhận thấy chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây đang tăng lên”, ông Voon Tin Yow khẳng định.

Triển vọng tươi sáng

Tập đoàn Berjaya của Malaysia tin rằng, nhu cầu tiêu dùng tăng và dân số trẻ là những lí do chính để các nhà đầu tư đổ xô vào làm ăn tại Việt Nam. Bên cạnh dự án xây dựng phát triển khu đô thị mới Thạch Bàn với tổng vốn là 50 triệu USD, Berjaya đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam và đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD xây dựng Khu đô thị Đại học Quốc tế trên địa bàn huyện Củ Chi và Hóc Môn, Tp.HCM.

Trên thực tế, lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng dám đầu tư.

Tuy nhiên, ông Vincent Tan Chee Yioun tin tưởng với tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản đồng thời bản thân tập đoàn cũng có thế mạnh trong lĩnh vực giáo dục, dự án sẽ thành công. Nếu được thực hiện đúng kế hoạch, đây sẽ là mô hình khu đô thị đại học đầu tiên tại Việt Nam.

Bên cạnh những hứa hẹn về cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư có kinh nghiệm ở Việt Nam cũng chỉ ra rằng công việc kinh doanh tại đây cũng có những thách thức riêng đối với những người mới đến. Một số nhà đầu tư than phiền về những khó khăn liên quan đến rào cản ngôn ngữ hay mất nhiều thời gian để tìm hiểu luật pháp.

Mặc dù còn có khó khăn của một nước có trình độ phát triển kinh tế thấp, nhưng theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đang có những đổi mới hàng ngày. Và chính những khó khăn của Việt Nam lại tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư nắm được cơ hội sẽ lại tạo cơ hội cho Việt Nam.

>Doanh nghiệp ASEAN “mê” bất động sản Việt Nam (Phần 1).

Theo VnEconomy