Top

Bài toán cao ốc của ngành điện lực

Cập nhật 19/11/2007 10:00

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) hồi giữa tháng 10 đã có văn bản gửi cục Quản lý công sản (bộ Tài chính) và UBND TP.HCM xin tiếp tục sử dụng lại hơn 1,2 triệu mét vuông trên địa bàn thành phố, trong đó lấy một số khu đất “vàng” để xây dựng cao ốc.

Diện tích cụ thể là 1.287.132m2 đất mà EVN xin tiếp tục sử dụng lại nằm trong tổng thể 1.295.037m2 mà ngành điện lực đang sở hữu. Sở dĩ diện tích còn lại mà EVN đề nghị chuyển giao cho ngành nhà đất quản lý (5.940m2) và trả lại cho Nhà nước (1.965m2) do phần lớn đã “biến” thành nhà ở hoặc sử dụng không hết công suất.

Phạm vi hoạt động mà Nhà nước cho phép EVN khá đa ngành nghề. Ngoài việc đầu tư các dự án thuỷ điện lớn và nhỏ, EVN còn được phép đầu tư tài chính, kinh doanh vốn trong nước và nước ngoài; hoạt động tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, môi giới; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, mặt bằng, kho bãi; kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Nhờ vào lợi thế này, mà công ty Điện lực 2 đã dự kiến đầu tư cho các công trình khá quy mô. Tổng vốn khoảng 1.670 tỉ đồng (50% vốn vay, còn lại là đóng góp của công ty Điện lực 2 (30%), CB - CNV (60%) và cổ đông chiến lược (10%).

Vấn đề đặt ra ở đây là EVN đáng được khuyến khích để khai thác sinh lợi số đất đai do mình quản lý, nhưng vốn đất đai ấy của Nhà nước, lợi nhuận từ việc chuyển mục đích sử dụng ấy sẽ rơi vào đâu?

Giàu lên từ đất công sảnKhối nhà số 4 - 6 Nguyễn Siêu (quận 1) được giới địa ốc liệt vào khu đất “vàng” với vị thế đến 4 mặt tiền đường (Cao Bá Quát - Nguyễn Siêu - Thái Văn Lung và Thi Sách). Xung quanh khu vực này, những cao ốc đã và đang sừng sững mọc lên. Hiện trạng của khu đất này rộng 1.680m2 (28 x 60m) đang sử dụng làm văn phòng của Điện lực Sài Gòn (thuộc công ty Điện lực TP.HCM), văn phòng trung tâm công nghệ viễn thông (thuộc công ty Điện lực 2) và nhà ở cho 66 hộ cán bộ trong ngành điện lực.
 
Những cán bộ này đang khiếu nại vì không được công ty Điện lực 2 cho làm thủ tục mua hoá giá theo nghị định 61/CP dù họ được cấp nhà sau ngày giải phóng. Theo đánh giá của công ty Điện lực 2 (thuộc EVN), thì đây là một địa điểm trung tâm thương mại văn hoá dịch vụ lớn nhất của cả nước, nơi có đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ kinh doanh. Công ty Điện lực 2 dự kiến: phá bỏ toàn bộ các công trình kiến trúc hiện hữu, xây dựng một cao ốc văn phòng cho thuê cao 15 tầng (có 3 tầng hầm) với tổng vốn đầu tư lên đến 228 tỉ đồng.

Khu đất rộng 16.000m2 (phân 200 nền nhà ở) tại huyện Hóc Môn trước đây của ban quản lý dự án nhiệt điện Phú Mỹ làm tái định cư, sau giao lại cho công ty Điện lực 2 quản lý. Theo đánh giá, khu đất này không thích hợp phát triển các dịch vụ thương mại cao cấp, nhưng rất thuận tiện xây dựng căn hộ và dịch vụ giải trí.

Công ty Điện lực 2 dự kiến xây một khối nhà chung cư cao cấp cao 15 tầng (2 tầng hầm) 240 căn hộ, khu nhà liên kế để kinh doanh (102 căn hộ) và khu thể thao (rộng 4.640m2). Tổng vốn đầu tư lên đến 219,5 tỉ đồng. Về lợi nhuận, theo tính toán: khu nhà liên kế có lãi 72 tỉ đồng (đầu tư 103 tỉ đồng; doanh thu 195 tỉ đồng. Khu chung cư cao cấp lãi 51 tỉ đồng (đầu tư 101 tỉ đồng; doanh thu 156 tỉ đồng). Riêng khu thể thao, dự kiến phải 8 năm mới thu hồi vốn.

Số 22bis Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận) cũng được đánh giá “có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ kinh doanh”. Hiện trạng khu đất này đang là nơi làm việc của trung tâm Thí nghiệm điện với diện tích lên đến 6.543m2. Ngoài các phân xưởng thí nghiệm và chế tạo một số thiết bị sử dụng trong ngành điện, trên khu đất này còn có một khu nhà làm việc vừa được đưa vào sử dụng trong năm 2006. Sau khi phá bỏ toàn bộ công trình kiến trúc hiện hữu, nơi đây sẽ mọc lên một cao ốc 18 tầng (3 tầng hầm) với tổng diện tích cho thuê lên đến 18.000m2. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ công trình lên đến 220 tỉ đồng.

Số 16 Âu Cơ (quận Tân Phú) cũng được triển khai xây dựng khu văn phòng cho thuê quy mô 5 tầng với vốn đầu tư 10 tỉ đồng trong quý 3/2007. Khu đất này thuộc công ty cổ phần Xây lắp điện, mặc dù trên báo cáo chỉ được ghi nhận rộng 1.400m2, nhưng qua kiểm chứng bằng mắt thường diện tích này không dưới 10.000m2.

Ngoài ra, EVN còn đề nghị lấy bớt 20.000/31.000m2 đất thuộc khu đất của xí nghiệp vật tư vận tải (thuộc công ty Điện lực 2) nằm tại km 9 phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) để xây dựng cao ốc.

Và, khu đất rộng hơn 20.000m2 thuộc trung tâm Thí nghiệm điện (Điện lực TP.HCM) toạ lạc tại số B84A đường Bạch Đằng (phường 2, Tân Bình) cũng được dự kiến phá bỏ để lấy 6.000m2 đất xây dựng cao ốc…

Trong số gần 200 câu hỏi đề nghị chất vấn Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng, bộ Công nghiệp đang đứng trước câu hỏi lớn: Tại sao đầu tư điện thiếu tiền lại để tổng công ty điện lực đầu tư viễn thông và bất động sản?


Theo Sài Gòn Tiếp Thị