Top

Xóa bỏ chia lô bán nền: Hà Nội tiên phong

Cập nhật 12/08/2012 14:10

Thông tin Hà Nội chuẩn bị bỏ hình thức chia lô bán nền, bán nhà xây thô đang làm nóng dư luận nhiều ngày qua. Các nhà quản lý tỏ ra tin tưởng vào hiệu quả của quyết sách này như một liều thuốc cần thiết đối với thị trường BĐS vốn dĩ phát triển thiếu kiểm soát từ lâu.


Theo UBND TP Hà Nội, tính đến 30/6/2012, qua kiểm tra của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng Hà Nội, TP hiện có khoảng 655 căn hộ biệt thự và 574 căn hộ liền kề đã xây hoàn thiện phần thô hoặc mặt ngoài nhưng chưa đưa vào sử dụng. Riêng các công trình chung cư, chỉ có 178/14.300 căn hộ đã hoàn thành chưa đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1%. Lý giải về nguyên nhân, UBND TP Hà Nội cho biết, đó là do việc đầu tư nhà đất chưa phù hợp với nhu cầu của đa số các đối tượng xã hội; phương thức triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô…

Các nhà quản lý cũng như DN BĐS tâm huyết, “sống chết” với địa ốc từ thời điểm sơ khai (cách đây chưa đầy 10 năm) đều hiểu Hà Nội là một trong những thị trường BĐS tiêu biểu và trọng tâm phát triển của cả nước bên cạnh TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Kèm theo đó là những ưu nhược điểm của thị trường BĐS Hà Nội từ chính sách phát triển cho tới tâm lý DN, nhà đầu tư cũng như khách hàng. Hà Nội luôn được nhận sự ưu ái đặc biệt như một ngoại lệ của các nhà hoạch định chính sách, nhất là địa ốc. Chẳng thế mà so với thị trường phía Nam, các DN phía Bắc hầu hết hoạt động bằng vốn đi vay ngân hàng, vốn huy động “nóng” từ khách hàng để phát triển thật nhanh thông qua các hình thức bán nhà xây thô, chia lô bán nền phổ biến thành công thức chung. Vậy mới có chuyện khiếu kiện, tố cáo chủ đầu tư “lừa” khách hàng khi bán hàng trên giấy như cơm bữa thời gian vừa qua. Tính từ đầu năm 2012, nếu có một con số thống kê thì chắc hẳn số lượng giao dịch thành công tại Hà Nội còn thấp hơn cả số vụ kiện cáo của khách hàng đối với chủ đầu tư.

Chưa ở đâu, chủ đầu tư làm ăn “liều” như tại Hà Nội, cũng chẳng ở đâu, khách hàng dễ bị ăn “trái đắng” vì cả tin như ở đây. Nguồn cầu về nhà ở giá thấp, giá trung bình, chung cư bình dân ở đô thị loại 1 luôn cao, và đặc biệt cao ở Hà Nội. Người người tìm nhà ở, nhà nhà lo nơi an cư để lạc nghiệp, trong khi DN địa ốc thì làm ăn khó khăn, điêu đứng vì vốn, vì ế hàng từ năm trước. Bán lúa non, bán “bánh vẽ” cho khách hàng (chỉ để thu tiền nhanh) bằng cách chia lô bán nền, bán nhà xây thô trên giấy, cam kết về tiến độ cho “sướng miệng” rồi lại điều đình, là chuyện đương nhiên… Chỉ người mua là ăn trái đắng, và thị trường lại tiếp tục méo mó (!).

Vậy nên, lời khẳng định của Hà Nội về việc sẽ xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô, bàn giao nhà hoàn thiện; Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch đang mang lại niềm tin cho những người lao động tại thủ đô chưa lo được nơi cư ngụ cho mình. Thêm nữa, nó còn mang lại sự lạc quan cho những DN làm ăn chân chính, có tầm và có tâm cho một thị trường BĐS lành mạnh, minh bạch, chuyên nghiệp.

Theo ông Nam, một vị lãnh đạo tập đoàn địa ốc có thương hiệu ở Hà Nội, thì việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tốt và có hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương khác. “Tôi đã làm việc, khai thác, phát triển thương hiệu tại nhiều nơi như TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ nên rất hiểu tác động của chính sách này. Hà Nội cần phải chuẩn bị tốt lộ trình và làm dứt khoát với chế tài mạnh mẽ một cách hợp lý mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Bởi DN BĐS ngoài Bắc đa phần là vừa và nhỏ, việc phân lô bán nền là chuyện đã in sâu vào đầu óc chiến lược kinh doanh của họ. Phải hết sức khéo léo để đảm bảo liều thuốc kháng sinh này không quật ngã luôn cơ thể vốn dĩ quá yếu đuối từ lâu của thị trường địa ốc. Nếu thành công, chắc chắn nhiều địa phương sẽ học hỏi chính sách này từ Hà Nội”.

Luật sư Trần Xuân Hồng - Giám đốc Cty Luật An Gia: Theo quy định, với dự án rộng 2.500m2, chủ đầu tư phải lập dự án đầu tư. Để lách quy định này, các chủ đầu tư đã tiến hành tách dự án thành nhiều thửa với diện tích tối thiểu 500m2 (theo quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp) và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở “núp bóng” dưới tên một cá nhân cá nhân nào đó để tiếp tục phân lô ra bán. Các dự án thường nằm rải rác bên cạnh và dựa danh các dự án lớn để câu khách. Việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến các dự án đầu tư lớn của các chủ đầu tư có thương hiệu, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc lách luật để phân lô, bán nền còn nhằm giảm tối đa tiền thuế sử dụng đất. Nếu thực hiện dự án đầu tư, chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường quy định tại Điều 11, Nghị định 69/2009/NĐ-CP.



DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng