Top

Xin phép xây dựng sẽ khó hơn?

Cập nhật 04/11/2011 08:35

Nhiều ý kiến e ngại dự thảo nghị định cấp phép xây dựng của Bộ Xây dựng làm tăng thủ tục hành chính so với quy định hiện hành.

“Tôi có cảm nhận với nội dung của dự thảo, thủ tục cấp phép xây dựng (CPXD) sẽ phức tạp, khó khăn hơn, đặc biệt với nhà ở riêng lẻ” - ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, nhận xét trong hội thảo góp ý dự thảo nghị định CPXD, ngày 3-11 tại TP.HCM.

“Chắc chủ đầu tư rút hết”

Theo ông Toàn, một quy định sẽ gây khó khăn cho người dân là CPXD phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nếu khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc đô thị thì phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng (đối với công trình cấp đặc biệt, cấp 1) hoặc UBND cấp tỉnh (các công trình còn lại).

Ông Toàn dẫn chứng: Theo Nghị định 08/2005, quy hoạch chi tiết gồm quy hoạch 1/2.000 lẫn quy hoạch 1/500. Đến Nghị định 37 và Nghị định 38/2010, chỉ có quy hoạch 1/500 mới gọi là quy hoạch chi tiết, còn quy hoạch 1/2.000 gọi là quy hoạch phân khu. Hiện chỉ có một nửa diện tích TP được phủ kín quy hoạch 1/2.000. Còn quy hoạch 1/500 lâu nay do chủ đầu tư lập cho dự án, số quy hoạch do địa phương lập chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị càng không có, cơ quan chức năng mới chỉ tham mưu đề xuất TP thí điểm ở ba tuyến đường lớn. “Nếu bắt buộc phải có quy hoạch 1/500 mới được CPXD thì thủ tục sẽ rất khó khăn” - ông Toàn bày tỏ.

Với nội dung của dự thảo, người dân xây nhà riêng lẻ sẽ gặp khó khăn hơn khi xin phép? Ảnh: HTD

Từ đó ông Toàn kiến nghị với nhà ở riêng lẻ vẫn áp dụng cách thức lâu nay, tức căn cứ vào quy hoạch 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu do TP ban hành (Quyết định 135/2007). Còn với dự án, nếu khu vực chưa có quy hoạch chi tiết thì dựa vào giấy phép quy hoạch như Luật Quy hoạch đô thị quy định.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Quách Hồng Tuyến cho hay: TP đang rất cố gắng để cải cách thủ tục hành chính nhưng người dân còn chưa hài lòng, nếu áp dụng theo dự thảo thì không biết sẽ bị kêu ca ra sao. “Địa phương quản lý quy hoạch, vậy có cần phải chuyển cho Bộ Xây dựng nữa hay không? Nếu lấy ý kiến của Bộ thì về nội dung gì? Tôi đề nghị nên bỏ quy định này” - ông Tuyến nói.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh cho rằng để các đô thị trên cả nước được phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở CPXD thì chắc “phải chờ hơn 10 năm nữa, kinh phí rất nhiều”. Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa còn lo ngại các chủ đầu tư khi nghe phải chuyển hồ sơ xin ý kiến các nơi chắc sẽ rút lui hết.

Về các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay: Quan điểm của Bộ khi đặt ra yêu cầu này là nhằm thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. “Qua trình bày của các địa phương, tôi cũng thấy có những khó khăn, Bộ sẽ ghi nhận để nghiên cứu thêm” - ông Khánh cho hay.

Quản lý luôn chất lượng: Phiền dân, khó “quan”

Dự thảo nghị định cũng yêu cầu phải quản lý chất lượng công trình ngay từ khâu cấp phép. Cụ thể, trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm bản vẽ kết cấu chịu lực chính. Các bản vẽ thiết kế trong hồ sơ phải do tổ chức tư vấn đủ điều kiện năng lực thực hiện và được chủ đầu tư phê duyệt. “CPXD là nhằm để quản lý quy hoạch, nếu đưa quản lý chất lượng vào thì không thể làm xuể. Chưa kể trình độ chuyên môn của cán bộ thụ lý phần nhiều còn thua các đơn vị tư vấn có nghề, vậy họ sẽ kiểm gì với những hồ sơ này?” - ông Tuyến băn khoăn.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cho hay nếu bắt buộc cơ quan cấp phép chịu trách nhiệm về chất lượng công trình thì chắc không ai dám cấp phép. Do đó, nên bỏ yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu trong hồ sơ. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình góp ý thêm: “Với quy định hiện nay, trung bình một ngày quận cấp tới 20 giấy phép với năm cán bộ thụ lý. Còn thực hiện theo dự thảo này, người dân xin CPXD sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian hơn”. Vị này dẫn chứng một bản vẽ xin phép xây dựng thông thường như hiện nay chỉ tốn khoảng 10.000 đồng/m2, trong khi bản vẽ kết cấu mất tới 100.000 đồng/m2, tức chi phí tăng gấp 10 lần.

Kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho hay: Tổ soạn thảo sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh dự thảo lần nữa, gửi Sở Xây dựng các tỉnh, thành trước khi trình Chính phủ thông qua.

Không nên làm đại trà quy hoạch 1/500 mà chỉ chọn lọc thực hiện tại một số khu vực đặc biệt của TP. Còn lại nên trao quyền chủ động cho chủ đầu tư vì chưa chắc cơ quan quản lý nhà nước lập quy hoạch tốt bằng họ. Quy hoạch 1/500 do quản lý nhà nước lập rất dễ bị phá bỏ vì mang tính áp đặt, không khả thi, các chủ đầu tư cũng sẽ xin điều chỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn -Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP