Sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp 38, nghe báo cáo, giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủ đô.
Qua thảo luận, một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, vấn đề quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng của thủ đô Hà Nội là vấn đề đặc biệt quan trọng cần điều chỉnh cụ thể trong Luật Thủ đô. Bởi lẽ, Hà Nội là “bộ mặt” của cả nước. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nội ngoài việc bảo đảm cho nhu cầu riêng của Hà Nội với tư cách là thành phố trực thuộc Trung ương, còn phải nhằm đáp ứng các nhu cầu của Trung ương.
Do đó, Trung ương phải có trách nhiệm trong việc quyết định, quy hoạch thủ đô và đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương cho việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng của thủ đô. Các ĐBQH cho rằng: khi phát triển mới tuyến đường giao thông đô thị phải quy hoạch giải phóng mặt bằng cả hai bên đường để xây dựng các công trình, nhà ở thống nhất theo quy hoạch.
Đối với các tuyến đường cũ, Hà Nội có trách nhiệm lập dự án để quy hoạch lại, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị.
Trước sức ép về dân số, sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ như hạn chế tập trung dân cư trong khu vực nội đô, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực ngoại thành nhằm giãn dân, bổ sung các điều kiện cư trú chặt chẽ hơn...
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các dự án phát triển mới tuyến đường giao thông và cải tạo, chỉnh trang đô thị phải ưu tiên cho người dân được tái định cư tại chỗ; ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.
Đối với quy định không xây dựng mới trong nội thành các khu công nghiệp, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, bệnh viện và không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có, UBTVQH tán thành với quy định này nhằm giúp cho nội thành giảm tải.
UBTVQH đề nghị xiết chặt điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú trong nội thành Hà Nội nhằm giảm lượng người nhập cư vào nội đô.
Chỉ được đăng ký thường trú tại nội thành của thành phố Hà Nội khi đáp ứng đủ các điều kiện bao gồm: có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đề nghị được đăng ký thường trú ít nhất là ba năm.
DiaOcOnline.vn - Theo PNO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: