Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trung bình mỗi năm TP xây 3.000 căn nhà xã hội, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. TP dự kiến đến năm 2025 sẽ xây 1 triệu căn nhà giá rẻ, hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động.
Những căn hộ nhỏ dưới 35m2 ở TP.HCM luôn là nhu cầu của nhiều người lao động - Ảnh: TỰ TRUNG
Cải thiện chỗ ở cho người lao động được TP.HCM xem là một trong những mục tiêu cho công cuộc tái thiết sau đại dịch, như khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "TP dự kiến sẽ phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp".
Nguồn tin từ Sở Xây dựng cho hay việc phát triển 1 triệu căn nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM đến năm 2025 do Sở Xây dựng trình lãnh đạo TP, dự kiến sẽ được lãnh đạo TP họp và sớm xem xét thông qua.
Kế hoạch phát triển nhà ở của TP chỉ là thủ tục để hiện thực hóa mục tiêu tổ chức lại đời sống của người lao động trên địa bàn TP.HCM.
Sẽ thần tốc giải quyết thủ tục
Trước đó, tại Hội nghị công bố nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060 vào ngày 30-9, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê và thuê mua.
Theo ông Bình, đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề trong quản lý đô thị của TP, trong đó có chuyện lo nhà ở cho người lao động. Ví dụ như quận 7 có 100.000 nhà trọ cho công nhân thuê, có phòng trọ chỉ rộng 20 - 30m2 nhưng đến 5 - 6 người ở.
Công nhân thuê nhà ở rải rác trong các khu nhà trọ tự phát, không tập trung, dịch bệnh dễ lây nhiễm chéo từ khu dân cư ra công nhân và ngược lại. Khi các doanh nghiệp muốn thực hiện mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" để sản xuất trong dịch đã không làm được.
Mô hình "3 tại chỗ" cũng không thể áp dụng bởi doanh nghiệp không có chỗ ở cho công nhân. Tình trạng này diễn ra không riêng gì ở quận 7 mà còn ở nhiều quận, huyện khác. Do đó, theo ông Bình, TP sẽ mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân bằng các quỹ đất của TP để giãn người lao động ra khỏi các khu nhà ở trọ chưa đủ tiêu chuẩn.
"TP đã dốc toàn lực thần tốc xây dựng được những bệnh viện dã chiến chỉ trong vòng vài tuần. Các doanh nghiệp của TP cũng đã xây dựng được tòa nhà 81 tầng. Vậy thì trong 1 năm, các doanh nghiệp của TP có thể chung tay xây dựng 300.000 căn nhà cho công nhân ở được không? Quy định về pháp lý có rồi, không cần quy định mới. TP sẽ giải quyết thần tốc về thủ tục hành chính để các doanh nghiệp xây dựng nhanh", ông Bình nói.
Theo các chuyên gia, để phát triển nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp cho người lao động thu nhập thấp, vấn đề quan trọng hàng đầu là TP.HCM phải có đất, thủ tục hành chính phải thuận tiện, chưa kể các biện pháp chống đầu cơ nhằm đảm bảo nhà giá thấp đến được với người thu nhập thấp...
"Rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia cùng TP để xây dựng nhà ở xã hội nhưng vấn đề quan trọng là phải có quỹ đất, đồng thời có bước đột phá về thủ tục hành chính" - ông Ngô Quang Phúc, tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Phú Đông, cho biết.
Người dân sống trong căn hộ nhỏ ở chung cư An Lạc (223 Nguyễn Tấn Bê, quận Bình Tân, TP.HCM ) - Ảnh: T.TRUNG
Hiến kế tạo quỹ đất và đơn giản thủ tục
Để có quỹ đất làm nhà ở xã hội, theo ông Ngô Quang Phúc, TP cần rà soát và thu hồi quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội từ các dự án thương mại; các quỹ đất công từ nhà, xưởng của những đơn vị phải di chuyển ra khỏi nội thành.
Đặc biệt, TP cần quy hoạch quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là những khu vực gần các khu công nghiệp, khu chế xuất và những quận đang phát triển có nhiều công nhân và lao động nhập cư. "Như vậy, các doanh nghiệp muốn xây nhà ở xã hội sẽ biết ở khu nào có đất, chỗ nào được xây, tìm đất ở đâu để xây...", ông Phúc nói.
Để tăng thêm quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành, cho rằng Nhà nước nên linh động cho điều chỉnh mục đích sử dụng đất.
Những khu đất được quy hoạch là trung tâm thương mại, đất sản xuất kinh doanh ở những khu vực không thuận tiện thương mại, kinh doanh thì cho phép doanh nghiệp chuyển thành đất ở để xây nhà ở xã hội. Ngoài ra, vấn đề quan trọng không kém là chính sách, bởi nhiều doanh nghiệp có đất nhưng muốn xây dựng nhà ở xã hội phải làm thủ tục rất nhiêu khê.
Trong thực tế, doanh nghiệp đôi khi phải làm thay việc của cơ quan nhà nước như điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 cho khu vực dự án... Do đó theo ông Nghĩa, TP.HCM cần có chính sách rõ ràng trong khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, có chỉ thị với những nội dung khuyến khích cụ thể.
Đặc biệt, TP nên giao quyền cho các sở ngành và quận, huyện quyết định cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội có hệ số sử dụng đất dưới 7,5 và có tầng cao từ 20 tầng trở xuống sau khi được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các thủ tục tại Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường như chuyển mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở, thẩm định, cấp phép xây dựng... được thực hiện song song với nhau.
"Làm sao giải quyết thủ tục xây dựng cho một dự án trong thời gian từ 6 - 12 tháng cho một hồ sơ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp có đất sẵn đầu tư...", ông Nghĩa kiến nghị.
Mục tiêu 20.000 căn nhà ở xã hội chưa đạt
Theo Sở Xây dựng, trong 5 năm (2016 - 2020), TP.HCM phát triển được thêm 14.954 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng nhà ở cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Tính đến năm 2020, TP.HCM có hơn 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra trước đó là phát triển 20.000 căn. Trên địa bàn TP.HCM còn 49 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng số gần 30.000 căn hộ, chủ yếu tập trung ở khu nội thành phát triển và 5 huyện ngoại thành.
Theo Sở Xây dựng, thời gian qua chỉ mới có những doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê nên độ tiện nghi của những khu nhà trọ chưa đáp ứng được nhu cầu và điều kiện sống của công nhân, sinh viên chưa đạt chuẩn. Do đó cần phải có cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội mới có thể giải quyết được phần lớn nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động hiện tại và trong tương lai.
Lo tái bùng dịch ở những khu dân cư chen chúc
Khu vực Vườn Chuối (quận 3) là một trong những điểm nóng với nhiều ca F0 được ghi nhận từ khá sớm vào đầu cao điểm dịch của TP do quá nhiều người dân chen chúc nhau trong những căn nhà chật chội.
Dọc đường Vườn Chuối là nhiều con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc, trong đó tập trung nhiều người mua bán. Cạnh đó, cư xá Đường Sắt (thuộc khu phố 5 và 6, phường 1, quận 3), với hai hướng chính để ra vào là hẻm 290 và hẻm 268 Lý Thái Tổ, cũng là điểm nóng về COVID-19 của quận 3.
Khu vực này đang có gần cả ngàn căn nhà nhỏ (thậm chí chưa tới 10m2/căn) tạm bợ che bằng tôn, ván, cơi nới lấn ra các đường hẻm khiến các con hẻm nhiều đoạn chỉ còn vừa 2 xe máy tránh nhau. Chung cư Nguyễn Thiện Thuật cũng là điểm nóng về COVID-19.
"Khu vực này số nhà rất lộn xộn do cơi nới, lấn chiếm. Đợt bùng dịch vừa rồi, khu vực này rất căng thẳng. Một chị tổ trưởng có người nhà mất do COVID-19, tinh thần không được tốt nên xin nghỉ, vì thế tôi hỗ trợ các công tác chống dịch, chăm lo an sinh cho tổ này luôn…" - bà Tô Thị Ngoan, tổ trưởng tổ 57, cho hay.
Khu Mả Lạng (được bao bọc bởi 4 tuyến đường Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) không còn xa lạ gì với người dân TP khi nhắc tới "khu ổ chuột" ngay trung tâm TP với khoảng 500 căn nhà dưới 20m2.
Nhiều căn nhà thậm chí chỉ vài mét vuông, cơi nới, khiến các con hẻm tăm tối như mê cung, nhiều đoạn chỉ đủ 1 chiếc xe máy đi qua. Khu vực này đang có khoảng 550 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu sống trong những ngôi nhà lụp xụp, rách nát.
Dấu ấn những ngày dịch bùng phát như vẫn còn hiện diện ở khu vực này, khi đầu hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh các hàng rào chắn vẫn còn xếp gọn một bên. Một số hẻm nhỏ, hẻm cụt vẫn còn các bảng "cấm người lạ vào hẻm" - một biện pháp bảo vệ người dân của hẻm.
Thậm chí từ đầu tháng 10-2021, khi các hoạt động được dần trở lại bình thường, hẻm 165 Cống Quỳnh lại xuất hiện hơn chục ca F0, đầu hẻm cũng treo biển "cấm người lạ ra vào hẻm". Tương tự, quanh khu vực chợ truyền thống Xóm Chiếu (phường 14, quận 4) có chợ tự phát ăn theo mở rộng trên địa bàn phường 13 và phường 14, cũng phát sinh các ca F0 từ khá sớm và là khu vực phức tạp dịch bệnh trong cao điểm bùng dịch.
ÁI NHÂN
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: