Từ năm 2017, TP.HCM và Bộ GTVT đã thống nhất cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư dự án nút giao thông An Phú (Q.2, TP.HCM).
Thế nhưng hai năm qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều người dân Q.2 phản ảnh nút giao An Phú - Mai Chí Thọ thường xuyên bị ùn tắc giao thông, đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết tình trạng đã kéo dài quá lâu này.
Ám ảnh kẹt xe
Nút giao thông An Phú là điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ. Lượng xe qua khu vực này rất lớn, nhưng tới nay vẫn chưa có cầu vượt hoặc hầm chui.
Vào các giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe kéo dài ngày càng nghiêm trọng. Có thời điểm dòng xe ùn ứ dài nhiều kilômet, các ngả đường trở nên quá tải khiến ôtô, xe container lưu thông tràn lan, có những đoạn lấn hết phần đường dành cho xe máy. Nhiều người tham gia giao thông lái xe lên lề đường, luồn lách để đi nhanh qua chỗ kẹt khiến tình trạng giao thông qua khu vực lộn xộn.
Tại khu vực này, tình trạng kẹt xe nặng nhất luôn diễn ra trên đường Mai Chí Thọ, hướng Q.Thủ Đức đi hầm sông Sài Gòn. Thời gian chờ đèn đỏ để chạy thẳng theo hướng này vào giờ cao điểm là khoảng 150 giây.
Tài xế Đinh Quang Du (57 tuổi) cho biết mọi phương tiện khi đến đoạn này đều giảm tốc độ rất thấp, có hôm xe cộ dồn ứ vài kilômet.
"Đoạn đường này kẹt xe là chuyện thường ngày, nhưng nặng nhất là vào khoảng 8h sáng mỗi ngày và chiều các ngày cuối tuần. Có lúc xe cấp cứu chạy qua đây dù hú còi ưu tiên liên tục nhưng cũng chịu, không thoát khỏi được dòng kẹt xe" - một người dân sống gần khu vực trên nói thêm.
Năm 2017, theo quy mô dự án được duyệt, ở giai đoạn 1 sẽ xây cầu vượt và hầm chui tại nút giao này. Tổng vốn đầu tư là 1.047 tỉ đồng, trong đó sử dụng vốn vay dư của Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Thế nhưng đầu năm 2018, VEC cho biết dự án nút giao thông An Phú phải đợi đến năm 2020 mới có thể khởi công xây dựng do chờ xử lý các thủ tục về nguồn vốn ODA.
Bộ GTVT buông!
TP.HCM rất sốt ruột khi phải chờ đợi VEC triển khai dự án tại nút giao thông An Phú suốt hai năm qua. Giữa năm 2019, trả lời UBND TP về khả năng thực hiện, Bộ GTVT nêu trước đây đã thống nhất phương án đầu tư, quy mô nút giao giai đoạn hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư.
Dự kiến bộ sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn vốn vay từ dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết dự án hiện chưa thực hiện thủ tục đầu tư do đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính các dự án do VEC làm chủ đầu tư. Ngoài ra, hiệp định vay vốn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021. Do đó, việc sử dụng nguồn vốn nêu trên làm nút giao là không khả thi trong điều kiện VEC đang tái cơ cấu.
"Trường hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện đầu tư, VEC cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tham mưu chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo nhu cầu sớm triển khai dự án và có thể huy động được nguồn vốn, Bộ GTVT ủng hộ TP.HCM triển khai thực hiện" - Bộ GTVT nêu.
Vài ngày trước, UBND TP.HCM đã có đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM chủ động triển khai đầu tư dự án nút giao An Phú nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực này hay không.
Bởi về nguồn vốn từ hiệp định vay vốn dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc năm 2021, nên việc sử dụng vốn dư làm nút giao An Phú là không khả thi.
Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo VEC cho biết đối với dự án này, Bộ GTVT trước đó đã trả lời UBND TP về khả năng thực hiện và các khó khăn về nguồn vốn triển khai.
"Tới nay, tổng công ty vẫn đang khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể thực hiện dự án. Trên tinh thần văn bản trả lời Bộ GTVT, nếu huy động được nguồn lực, TP.HCM có thể chủ động thực hiện dự án nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực nêu trên" - vị này cho biết.
Dùng vốn đầu tư công xây nút giao An Phú sau năm 2020
Sở GTVT TP.HCM cho biết nút giao thông An Phú có lượng xe cộ lưu thông rất lớn do là nơi giao thoa của ba hướng giao thông rất quan trọng gồm: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào cảng biển hàng đầu của cả nước như Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận...
Theo quy hoạch, nút giao thông sẽ được xây hầm chui, cầu trên cao, dự kiến triển khai từ nguồn vốn dư dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nhưng theo sở này, quá trình thực hiện gặp khó khăn về thu xếp, bố trí vốn nên UBND TP đã chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng nút giao bằng nguồn vốn ngân sách, cụ thể giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ năm 2019-2020 và triển khai thực hiện sau năm 2020.
Trước mắt, Sở GTVT TP.HCM sẽ thực hiện một số giải pháp bổ sung như: mở mới nhánh đường rẽ từ đường dẫn cao tốc xuống đường Đỗ Xuân Hợp để giảm bớt lượng xe tập trung về nút. Tiếp tục mở thêm một làn đường dành cho xe rẽ trái từ Mai Chí Thọ vào đường dẫn cao tốc nhằm tăng khả năng thoát xe...
Còn theo UBND Q.2, thời gian qua, để giảm kẹt xe qua nút giao thông An Phú, Q.2 đã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở GTVT cải tạo chỗ dừng chờ xe hai bánh, vỉa hè và điều chỉnh phân làn trên đường dẫn cao tốc. Đội cảnh sát giao thông Cát Lái cũng thường xuyên bố trí cán bộ xử lý những tình huống phát sinh về ùn tắc giao thông tại nút giao nêu trên.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: