Top

Tìm giải pháp cho căn hộ tái định cư bỏ trống

Cập nhật 14/09/2020 10:16

Nhiều chuyên gia đề xuất TP HCM có thể bán trực tiếp cho người dân thay vì đấu giá cho doanh nghiệp. Việc bán từng căn sẽ sớm thu được tiền và không phải lo "gánh" chi phí bảo dưỡng hằng năm

Khu tái định cư Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) còn cả ngàn căn hộ “phơi nắng phơi mưa”

Sinh sống lâu năm ở rạch Ụ Cây (quận 8, TP HCM), năm 2014, chính quyền thực hiện giải tỏa, chỉnh trang đô thị, ông Nguyễn Xuân Dậu (72 tuổi) cùng 50 hộ gia đình ở đây được chuyển vào sống tại chung cư tái định cư (TĐC) Tân Mỹ (quận 7, TP HCM).

Không quen sống chung cư

Khu vực rạch Ụ Cây là nơi heo hút, nhếch nhác nên khi nghe được TĐC ở chung cư Tân Mỹ nằm kế chợ, cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ai cũng vui mừng. Thế nhưng vừa đặt chân vào căn hộ mới, nhiều người đã thấy bất tiện vì không quen với nếp sống hiện đại. Cư dân rạch Ụ Cây đều làm nghề buôn thúng bán bưng, nhiều gia đình bao năm gắn chặt với xe ba gác, xe đẩy.

"Nhà chung cư không thể nào đem xe đẩy, xe ba gác vào để trong căn hộ mà phải gửi ngoài, phát sinh thêm chi phí. Xung quanh chung cư mọc ra những hàng quán ăn nhỏ, đủ kiểu xe đẩy khiến công viên thành khu kinh doanh dã chiến, trông nhếch nhác... Dẫu không ít người muốn được ở chung cư ngay tại quận 7 nhưng nếu cho lựa chọn lại, tôi sẽ lấy tiền đền bù ra ngoại ô ở sướng hơn. Nhiều người cũng đã đòi trả lại nhà, nhận tiền đền bù rồi ra thuê nhà trọ để tiện việc buôn bán" - ông Dậu nói.

Tương tự, chung cư An Lạc và chung cư Lý Chiêu Hoàng (quận Bình Tân, TP HCM) nằm ngay trung tâm quận, hạ tầng và tiện ích đầy đủ nhưng nhiều căn hộ ở đây vẫn không tìm được chủ nhân đến ở. Mỗi khi UBND quận Bình Tân triển khai dự án giải tỏa, chỉnh trang đô thị, gần như tuyệt đối người dân lựa chọn nhận tiền thay vì chọn ở chung cư TĐC. Anh Lê Mạnh (ngụ chung cư An Lạc) cho biết do nhiều căn hộ bỏ trống nên các hộ dân mỗi tháng đóng phí bảo trì chung cư phải "gánh" luôn. Có người muốn mua để ở nhưng đến liên hệ UBND quận thì thông báo đây là suất dành cho TĐC.

Còn tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) ước tính số người đến ở chỉ chiếm 10% tổng số căn hộ.

Thay đổi phương thức bán đấu giá

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, hiện toàn TP còn thừa gần 10.000 căn hộ TĐC. Có những khu đã xuống cấp, hư hỏng, muốn bố trí người vào ở phải nâng cấp lại. Cụ thể, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) còn 5.300 căn, khu TĐC Vĩnh Lộc B còn 1.000 căn, các khu TĐC của các quận cộng lại gần 3.700 căn và đất nền. Nếu bảo dưỡng các căn hộ để tránh xuống cấp, mỗi năm ngân sách bỏ ra khoảng 70 tỉ đồng. Lý do thừa được đánh giá là do thay đổi chính sách và không nắm bắt được nhu cầu thực tế.

Trước thực trạng này, Sở Xây dựng TP vừa có đề xuất UBND TP HCM về giải pháp tháo gỡ. Năm 2019, TP tổ chức 2 đợt bán đấu giá các căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) nhưng không tìm được doanh nghiệp (DN) đăng ký vì số lượng căn hộ mang ra đấu giá quá lớn trong khi DN không đủ tài chính để tham gia. "Vì vậy, giải pháp đưa ra là cần chia nhỏ số lượng căn hộ để tổ chức đấu giá. Thậm chí có thể chia nhỏ gói bán 10-20 căn cho những DN, cá nhân tham gia. Trong năm nay đặt mục tiêu bán đấu giá 3.790 căn hộ tại Thủ Thiêm và gần 1.000 căn tại Vĩnh Lộc B" - Sở Xây dựng TP nêu.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), chỉ rõ bất cập chính là giá khởi điểm đưa ra cần xem xét lại, bởi việc thẩm định giá đối với các căn TĐC đã bị tính luôn cả chi phí hạ tầng, bảo trì... Việc chia nhỏ các cụm chung cư với số lượng ít sẽ đáp ứng đúng với nhu cầu hơn.

Trong khi đó, bà Hà Thị Thục Uyên, Giám đốc kinh doanh Công ty Công nghệ Bất động sản Rever, nhìn nhận những đợt đấu giá các căn hộ TĐC không thu hút DN do một phần tài chính không bảo đảm. Có đợt tổ chức đấu giá với số tiền khởi điểm lên đến 9.100 tỉ đồng. Ngoài ra, mặc dù các chung cư nằm vị trí "đất vàng" nhưng DN ái ngại thương hiệu nhà TĐC, sản phẩm sẽ không thu hút khách hàng. Mỗi DN lựa chọn hướng phát triển sản phẩm riêng, như chuyên tâm làm nhà giá rẻ hoặc nhà cao cấp. Còn khách hàng muốn lựa chọn nhà có chất lượng, vừa túi tiền. Thế nên, giải pháp cho cá nhân mua thông qua đấu giá là tốt nhất.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành - chuyên tham gia đầu tư các căn hộ giá rẻ, thông tin: "Nhu cầu mua các căn hộ giá từ 1-1,5 tỉ đồng rất nhiều trong khi mặt bằng chung căn hộ hiện giờ trên 1,7 tỉ đồng. Nếu có sản phẩm nhà ở giá thấp chắc chắn thu hút rất lớn và giá các căn hộ TĐC đạt được mức như vậy sẽ giải quyết được vấn đề".

Ông Nghĩa đề xuất TP có thể bán trực tiếp cho người dân thay vì đấu giá cho DN. Việc bán từng căn sẽ sớm thu được tiền và không phải lo "gánh" chi phí bảo dưỡng hằng năm.

100% muốn được TĐC tại chỗ

Sở Xây dựng TP HCM cho biết trong chương trình cải tạo lại chung cư cũ xây dựng trước 1975, ghi nhận từ các quận - huyện cho thấy 100% cư dân có nhu cầu bố trí TĐC tại chỗ.

Dự báo 10 năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ tăng gấp 4 lần. Cần 1,7 triệu m2/năm xây nhà ở xã hội, chiếm tỉ trọng 21% trong tổng số nhu cầu nhà ở. TP đang lên phương án thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, giá đền bù khi giải tỏa được xác định theo giá thị trường. Người dân có thể tự lấy tiền đi mua nhà phù hợp túi tiền.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động