Bắt đầu từ 15.8, thông tư số 93 (hướng dẫn thi hành Nghị định 120) và thông tư số 94 (hướng dẫn thi hành Nghị định 121) do Bộ Tài chính mới ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hiện hành liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, các văn bản mới này sẽ hướng đến việc tính tiền thuê đất theo giá thị trường và chấm dứt việc bao cấp về đất.
Cách tháo gỡ của tỉnh Nghệ An
Sau khi có nhiều ý kiến của các DN khu vực phía bắc (Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương...) về việc tiền thuê đất năm 2011 theo Nghị định 121 tăng quá cao, gấp 10-20 lần so với tiền thuê đất 2010, khiến DN đang trong tình cảnh khó khăn càng khó khăn hơn. Mới đây, cuối tháng 7 lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có buổi đối thoại tháo gỡ cho DN tại tỉnh này.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 8.500 DN đang đăng ký kinh doanh, trong đó tại TP. Vinh có trên 900 DN đang thuê đất. Số tiền thuê đất của trên 900 DN trên địa bàn TP năm 2010 là 51 tỉ đồng, năm 2011 áp dung giá theo Nghị định 121 tăng lên 190 tỉ đồng. Theo tính toán của Hiệp hội DN tỉnh này, giá thuê đất của các DN Nghệ An đang cao hơn cả Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Bình Dương là do tỉnh áp nức giá 70% giá đất thị trường, trong khi các địa phương khác áp mức tối đa 50% giá thị trường. Chính vì thế, trong quyền hạn của mình đã quyết định, trước mắt tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm từ 70% theo giá thị trường xuống 50%, giảm hệ số từ 2% xuống 1,56% trên diện tích đất phi nông nghiệp.
Ảnh: Bình An.
|
Sẽ xoá bỏ bao cấp
Trước cách làm của tỉnh Nghệ An, ông Phạm Đình Cường- Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, chủ ý của lãnh đạo tỉnh Nghệ An là mong muốn tháo gỡ cho các DN trong bối cảnh khó khăn, lãi suất cao. Tuy nhiên, cách làm này là sai nguyên tắc. Ông Cường cho biết, theo nguyên tắc của Chính phủ, trước khi Nghị định 121 được ban hành thì giá cơ sở để tính tiền thuê đất dựa trên bảng giá đất của địa phương ban hành. Khi Nghị định 121 được ban hành, tiền thuê đất được tính theo giá thị trường. “Anh không theo nguyên tắc này mà lại điều chỉnh xuống là sai nguyên tắc, dù có đúng thẩm quyền” - ông Cường nói.
Về việc DN phản ánh tiền thuê đất năm 2011 tăng lên gấp 10 lần, thậm chí gần 30 lần so với năm 2010 (khi áp cách tính của Nghị định 121), ông Cường cho rằng đây là những trường hợp đã được giữ mức tiền thuê suốt 20 năm qua mà chưa điều chỉnh. Trong khi theo quy định là 5 năm phải điều chỉnh một lần. Do vậy, mới có trường hợp có DN ở Hải Phòng chỉ phải trả tiền thuê đất với giá 1.000 đồng/m2/năm. “Như thế khác nào bao cấp” - ông Cường nói.
Theo con số Cục trưởng Cục Quản lý công sản, hiện nay, có hơn 300.000 DN đang hoạt động nhưng tiền thuê đất một năm chưa đến 3.000 tỉ đồng. Các khoản thu từ đất chỉ chiếm khoảng 8% tổng thu ngân sách, trong đó thu từ thuê đất chỉ chiếm 1/10 các khoản thu từ đất, còn lại hầu hết khoản thu về đất đều từ tiền giao đất. “Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc một số đơn vị sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích. Thậm chí, với tiền thuê đất ở mức thấp, một số đơn vị còn cho thuê lại để hưởng lợi. “Tự nhiên, chúng ta lại ưu đãi, bao cấp tạo điều kiện để người ta sử dụng đất không đúng mục đích và lãng phí” - ông Cường nhấn mạnh.
20% số DN sẽ được giảm 30-50% tiền thuê đất
Bộ Tài chính cũng thừa nhận có tình trạng các DN FDI được hưởng lợi hơn DN trong nước về tiền thuê đất (DN trong nước phải ứng trước tiền đền bù còn DN nước ngòai thì không). Tuy nhiên, khi áp dụng cách tính mới theo Nghị định 120 và Nghị định 121, DN trong nước và DN FDI sẽ bình đẳng về cách tính tiền thuê đất. Một điểm tiến bộ khác của 2 nghị định này - theo ông Phạm Đình Cường - là DN được trừ các khoản đã ứng trước khi tính tiền thuê đất.
Trường hợp người được thuê đất đứng ra ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì sẽ được trừ số tiền đã ứng này vào tiền thuê đất phải nộp. Mức trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp. Số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cự và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng còn lại chưa được trừ vào tiền thuê đất phải nộp (nếu có) được tính vào vốn đầu tư của dự án.
Sau khi hoàn thành hai văn bản hướng dẫn là thông tư 93 và 94 cho hai nghị định 120 và 121 về tính tiền thuê đất, mặt nước, Bộ Tài chính cho biết cũng trình Thủ tướng văn bản đề nghị giảm tiền thuê đất của DN trong năm 2011-2012 trong bối cảnh khó khăn. Theo phương án trình của Bộ Tài chính, căn cứ cách tính theo Nghị định 121, bộ kiến nghị giảm 30%- 50% tiền thuê đất năm 2011 và năm 2012 cho các DN. Đối tượng được xét giảm chỉ bao gồm khối sản xuất, không bao gồm khối dịch vụ, thương mại.
Tuy nhiên, trong khối DN sản xuất, đề nghị giảm này chỉ áp dụng cho các DN có tiền thuê đất bị điều chỉnh trong năm 2011 và 2012 (tức là ký hợp đồng thuê đất năm 2006 và 2007). Theo tính toán, số DN rơi vào trường hợp này sẽ chiếm 20% tổng số DN đang hoạt động và thực thiện hình thức thuê đất. Đối với đất sản xuất công nghiệp, bộ cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tính thuế đất theo giá UBND tỉnh quy định thay cho quy định hiện hành là giá thị trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: