Top

Thắc thỏm dự án nhà cao tầng nội đô

Cập nhật 23/07/2010 15:10


Hà Nội hiện có hàng trăm chung cư cũ đang cần được đầu tư, cải tạo xây mới. Ảnh: Hà Thanh
Ngay sau khi có thông báo về việc xây dựng công trình cao tầng trong 4 quận nội thành và xử lý các dự án xây dựng nằm trong vành đai sông Nhuệ, hàng trăm chủ đầu tư đang “thắc thỏm”ngóng số phận dự án của mình.

Hà Nội “rộng quyền” quyết dự án!


Theo tinh thần của Thông báo 202/TB-VPCP ngày 19/7/2010, UBND TP. Hà Nội được trao “thượng phương bảo kiếm” quyết định phần lớn số phận các dự án xây dựng trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo, đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được cấp giấy phép xây dựng trước ngày 9/12/2009 (ngày ban hành Văn bản 348/TB-VPCP, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050) được tiếp tục triển khai. Đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Đối với các dự án khác, xem xét sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt và quy chế mới về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được ban hành, bảo đảm phù hợp với quy hoạch.

Đối với những dự án có ảnh hưởng lớn đến định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, thỏa thuận với chủ đầu tư xác định phương án chuyển đổi phù hợp…

Ngay sau khi có văn bản trên, những động thái của UBND TP. Hà Nội trong việc quyết định số phận các dự án đang được các chủ đầu tư ngóng đợi. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho rằng, tinh thần chung là các dự án xây dựng nhà cao tầng phải phù hợp với Đồ án chung quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để xem xét các dự án có những tồn tại, thực trạng để xử lý kịp thời. Đối với những doanh nghiệp đang triển khai dự án sẽ phân loại, đã giải phóng mặt bằng rồi Hà Nội cũng xem xét điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao để đảm bảo tỷ lệ xanh. Nếu có vấn đề vướng mắc, phải đàm phán với nhà đầu tư, tạo điều kiện cho họ.

Với những dự án đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn như chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được tiếp tục triển khai. Nghĩa là việc rà soát, quyết định cho các dự án cao tầng sẽ theo kiểu “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tránh bức xúc cho doanh nghiệp. Việc rà soát, quyết định số phận các dự án phải rất thận trọng, phải đạt được “mẫu số chung”, cân đối hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, vì đó là những nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, đồng thời cũng đảm bảo những nguyên tắc chung trong quản lý nhà nước.

Về thời gian UBND TP. Hà Nội và các chủ đầu tư đàm phán phương án chuyển đổi, ông Phí Thái Bình cho biết, Quy hoạch chung vẫn chưa được phê duyệt, khi được phê duyệt mới có tính pháp lý, có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Sau khi đàm phán, làm việc với các doanh nghiệp, UBND TP. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuy chưa có quyết định cuối cùng về số phận các dự án, nhưng nhiều khả năng, 54 dự án (loại 1), sẽ được UBND TP. Hà Nội kiến nghị cho tiếp tục triển khai ngay do phù hợp quy hoạch, đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý và được đánh giá là mang tính bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố theo Văn bản 4280 gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11/6/2010. Dĩ nhiên, những dự án này phải đáp ứng những điều kiện ngặt nghèo về mật độ xây dựng, mật độ cây xanh, chiều cao công trình… Với 169 dự án còn lại nhiều khả năng phải chờ đến khi Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt mới được quyết định.

Doanh nghiệp “nín thở” chờ…

Nếu những dự án thuộc diện đủ thủ tục, đã khởi công có thể “tạm” thở phào nhẹ nhõm khi được bật đèn xanh, thì nhóm 169 dự án đang “nín thở” chờ. Băn khoăn lớn nhất đối với nhóm dự án này là phương án chuyển đổi sẽ được tính như thế nào khi đang từ những vị trí “đất vàng” trong nội đô chuyển ra ngoài vành đai III, vành đai IV? Thủ tục chuyển đổi sẽ được cơ quan nào tiến hành, thời gian bao lâu? Họ sẽ được “đổi trả” bằng diện tích đất hay bằng tiền...

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Toàn Cầu cho biết, có nhiều vấn đề cần làm rõ hơn tại Thông báo 202/TB-VPCP. Đó là với các dự án có ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các nhu cầu công cộng như công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…, việc đền bù các thiệt hại cho chủ đầu tư trong quá trình lập dự án sẽ được thực hiện như thế nào (?). Hiện quỹ đất của Hà Nội cũng không còn nhiều, vùng Hà Nội mở rộng hầu hết cũng đã được quy hoạch xong. Vậy Hà Nội sẽ lấy đâu ra quỹ đất để đền bù cho các dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ông Trần Ngọc Thạch, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Đồng Phát băn khoăn, đối với các dự án xây dựng nhà cao tầng đã được Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch theo quy định trước ngày 9/12/2009, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội sẽ xem xét quyết định. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp có các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch sẽ phải làm lại từ đầu, mà theo quy trình, mỗi một dự án phải mất 3-6 năm mới hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư