Mặc dù tối thiểu 65% giá trị tài sản của quỹ được đầu tư vào bất động sản nhưng không phải dự án nào cũng được bơm vốn.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa đưa dự thảo lần hai nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Vấn đề đáng chú ý là lần đầu tiên trong dự thảo này có các quy định hướng dẫn đến việc cho phép thành lập quỹ đầu tư bất động sản (BĐS).
Chứng khoán hóa quỹ đầu tư BĐS
Ban soạn thảo nghị định này giải thích quỹ đầu tư BĐS là quỹ đầu tư chứng khoán được đầu tư chủ yếu vào BĐS. Cụ thể quỹ trên được thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng để huy động vốn. Hoạt động quản lý vốn và tài sản của quỹ đầu tư BĐS do công ty quản lý quỹ thực hiện dưới sự giám sát của ngân hàng.
Chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu phải niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Tối thiểu một năm một lần, công ty quản lý quỹ thay mặt quỹ mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư và phát hành thêm chứng chỉ quỹ theo mức giá dựa trên giá trị tài sản ròng của quỹ.
Cũng theo dự thảo thì quỹ đầu tư BĐS phải bảo đảm tối thiểu 65% giá trị tài sản của quỹ được đầu tư vào BĐS. Để quản lý hiệu quả thì quỹ này khi đi vào hoạt động có một số hạn chế. Như quỹ này không được cho vay hoặc bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào, cũng không được thực hiện các hoạt động xây dựng, triển khai, phát triển dự án BĐS. Loại BĐS đầu tư phải phù hợp với chính sách và mục tiêu đầu tư quy định tại điều lệ quỹ, bản cáo bạch và bản cáo bạch tóm tắt.
Quỹ đầu tư BĐS sẽ phát hành chứng chỉ quỹ để hút vốn vào BĐS. Nhà đầu tư có thể đầu tư vào BĐS dễ dàng thông qua việc mua chứng chỉ quỹ. Ảnh: Mai Thảo |
Tiếp thêm nguồn vốn cho BĐS
Quỹ đầu tư BĐS nếu ra đời hoạt động sẽ là một kênh hỗ trợ vốn hiệu quả cho thị trường BĐS. Vì trước nay các doanh nghiệp phát triển BĐS ở Việt Nam chỉ dựa vào nguồn vốn tự có, liên doanh liên kết, vốn vay ngân hàng và huy động tiền mua nhà của người dân. Do nguồn vốn cho thị trường eo hẹp nên mỗi khi chính sách vĩ mô biến động, chính sách tài chính tiền tệ điều chỉnh… là y như rằng thị trường BĐS bị tác động. (Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM)
Vắng bóng hệ thống tài chính cho nhà ở
Nhiều năm qua Nhà nước chưa có chính sách riêng về tài chính nhà ở. Các quy định về việc lập quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác BĐS, quỹ đầu tư BĐS, thị trường thế chấp BĐS chưa hoàn thiện nên chưa tạo được nguồn cung dồi dào về tài chính cho thị trường nhà ở, do đó các chủ đầu tư hiện vẫn thiếu vốn khi phát triển dự án. (Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: