Top

Rà soát, điều chỉnh Danh mục biệt thự cũ trên địa bàn TP Hà Nội

Cập nhật 04/10/2018 13:59

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 218/TTg-CN ngày 12/02/2018 về việc điều chỉnh Danh mục biệt thự cũ trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND TP Hà Nội rà soát theo tiêu chí về quản lý quỹ nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 141 biệt thự đưa ra khỏi danh mục biệt thự, trong đó có 41 biệt thự cần kiểm tra, rà soát.

Theo đó, căn cứ báo cáo của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 234/BC-UBND ngày 24/8/2017 về việc thực hiện theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND TP Hà Nội và Văn bản số 3845/UBND-ĐT ngày 21/8/2018 về quá trình quản lý, sử dụng đối với 41 biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội thì trên địa bàn thành phố có 141 biệt thự đưa ra khỏi danh mục biệt thự, trong đó có 41 biệt thự cần kiểm tra, rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi rà soát và kiểm tra thực trạng nhà biệt thự trên địa bàn thành phố, Bộ Xây dựng nhận thấy: Có 01 biệt thự số 5B Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng (hiện trạng vẫn là biệt thự) đã được Chính phủ cho phép bán cho gia đình ông Trần Đăng Khoa theo quy định của Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 01/7/2017 của Chính phủ.

Có 08 biệt thự (số 36 Bà Triệu, số 53 Bà Triệu, số 8 Tràng Thi, số 15B Tràng Thi, số 16-18 Tràng Thi, số 38-40 Lê Thái Tổ, số 48 Lê Thái Tổ, số 8 Lê Trực) không phải là biệt thự vì là công trình kiến trúc khác, nhà cổ.

Ngoài ra, còn có 32 biệt thự đã phá dỡ, cải tạo, xây dựng mới để làm trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị (số 3 Phan Huy Chú, số 59 Lý Thái Tổ, số 66B Trần Hưng Đạo, số 18B Lê Thánh Tông, số 20 Phan Bội Châu, số 83 Trần Hưng Đạo, số 85 Trần Hưng Đạo, số 72 Quán Sứ, số 40 Thợ Nhuộm, số 2 Hai Bà Trưng, số 25 Ngô Quyền, số 34 Lý Thái Tổ, số 14 Trần Hưng Đạo, số 30 Lý Thường Kiệt, số 3 Nguyễn Thượng Hiền, số 105B Quán Thánh, số 107 Quán Thánh, số 35 Điện Biên Phủ, số 210 Trần Quang Khải, số 30 Hàng Chuối, số 3-5 Hòa Mã, số 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, số 86 Nguyễn Du, số 70 Trần Hưng Đạo, số 96 Trần Hưng Đạo, số 66 Thợ Nhuộm, số 17 Thể Giao, số D11B Giảng Võ, số 3 Quang Trung, số 44 Nguyễn Du, số 74 Nguyễn Du, số 13 Thụy Khuê).

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 về Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017. Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã xác định đưa 40 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý biệt thự vì thực trạng không phải là nhà biệt thự hoặc thực tế hiện nay nhà biệt thự đã bị phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Thông qua kết quả kiểm tra cụ thể, Bộ Xây dựng nhận thấy các cơ sở nhà đất này hiện nay đều thuộc sở hữu Nhà nước và đang được giao cho các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng; việc phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại các biệt thự này do UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định. Cụ thể là, trong số 40 biệt thự cần rà soát thì có 08 cơ sở nhà đất là công trình kiến trúc khác, nhà cổ (không đáp ứng tiêu chí là nhà biệt thự) và 32 biệt thự đã được cải tạo, xây dựng lại và không còn đáp ứng tiêu chí về nhà biệt thự (hầu hết các công trình này sau khi cải tạo, xây dựng lại đều đã thay đổi kiến trúc biệt thự cũ, không có sân vườn và đã được xây dựng thành hội trường, nhà cao tầng, nhà làm việc…).

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội báo cáo về việc biệt thự đã bị phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại (về nhu cầu sử dụng, về quy hoạch kiến trúc, việc cho phép phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại, việc quản lý, bố trí sử dụng sau khi xây dựng lại...).

DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng