Top

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối với chùm đô thị vệ tinh

Cập nhật 14/03/2008 13:00

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 nhấn mạnh đến yếu tố liên kết giao thông với các tỉnh, thành lân cận để giãn dân, giảm áp lực gia tăng dân số cho thành phố. Tuy nhiên trong quy hoạch này tầm nhìn xem ra vẫn chưa đủ, theo kịp đà phát triển của thành phố đến năm 2020. Chuyện cầu không đủ, chuyện loay hoay với xe buýt mini là một ví dụ

Cần 127 ngàn tỉ đồng cho giao thông

Ngày 12.3, tại hội nghị về quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM năm 2020, ông Bùi Xuân Cường, trưởng phòng Quản lý giao thông cho biết, ngoài phát triển các đô thị vệ tinh như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Tây Bắc, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, khu đô thị công nghệ cao Đông Bắc thành phố, ở các tỉnh lân cận sẽ hình thành các khu đô thị thành phố mới.

Dự báo, đến năm 2020, bên ngoài TP.HCM sẽ hình thành các trung tâm công nghiệp lớn ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Khi đó, một loạt các đô thị lớn sẽ hình thành xung quanh TP.HCM như Biên Hoà, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), thị xã Tân An, Đức Hoà, Bến Lức (Long An)… Các đô thị này sẽ tạo được sự đối trọng và kéo giãn bớt dân ở TP.HCM.

Cũng theo ông Cường, trong mạng lưới đường bộ sẽ cải tạo, các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn (TP.HCM - Vũng Tàu, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ, đường cao tốc liên vùng phía nam TP.HCM - Nhơn Trạch) sẽ được ưu tiên.

Theo phân kỳ, từ nay đến năm 2010, TP.HCM cần triển khai hơn 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 127 ngàn tỉ đồng (gần 8 tỉ USD).

Hệ thống metro sẽ phát triển mạnh

Tuy vậy, ông Cường cũng nhìn nhận, sự liên kết giữa giao thông đô thị TP.HCM với vùng còn thiếu vì mạng lưới đường thiếu, tiêu chuẩn về kết cấu còn yếu… Hệ thống các đường xuyên tâm, đường vành đai đã được hoạch định nhưng hầu hết chưa xây dựng. Các nút giao thông đa phần là đồng mức, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Các luồng giao thông từ các tỉnh hiện vẫn đi xuyên qua nội đô TP.HCM.

Tuy nhiên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được thủ tướng phê duyệt có phạm vi quy hoạch thuộc TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu với bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50km sẽ khắc phục các yếu kém trên. Cụ thể, giao thông đô thị của TP.HCM được quy hoạch theo quan điểm “thành phố mở”, nối liền các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp và cảng biển, sân bay.

Ông Nguyễn Kim Lăng, phó tổng giám đốc công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, nhận xét khi quy hoạch trên hoàn thiện thì hệ thống giao thông đường bộ sẽ gồm các tuyến vành đai, hướng tâm, xuyên tâm, cao tốc liên vùng, đường trên cao; đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; giao thông thuỷ… Chúng sẽ tạo “bộ khung cơ sở”, nối với các đô thị vệ tinh, giúp phân luồng từ xa, làm giảm áp lực giao thông cho thành phố.

Ông Trần Quang Phượng, giám đốc sở Giao thông công chính TP.HCM nhận xét, đây là giai đoạn quyết liệt, quan trọng nhất trong việc triển khai các dự án theo quy hoạch phát triển giao thông từ nay đến năm 2020. Từ năm 2010 đến 2020 sẽ tập trung phát triển mạnh hệ thống metro để sau năm 2020 đây sẽ là phương thức giao thông đi lại cơ bản.



Hệ thống giao thông đường bộ khu vực TP.HCM đến năm 2020.


Hình thức kết nối các đô thị vệ tinh với TP.HCM

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Tổng diện tích trên 30.412km2. Đây là vùng hạt nhân phát triển của vùng Đông Nam bộ và cả khu vực phía Nam.

Theo quy hoạch phát triển giao thông, TP.HCM sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh bằng đường vành đai số 4 dài 152km, có từ sáu đến tám làn xe, theo hướng phía đông Trảng Bom (Đồng Nai), phía bắc Thủ Dầu Một (Bình Dương), Củ Chi (TP.HCM), Đức Hoà (Long An) nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tại Bến Lức, Long An) - quốc lộ 50 - cụm cảng Hiệp Phước.

Ngoài ra, sẽ xây mới 14 cầu vượt sông Sài Gòn, năm cầu vượt sông Đồng Nai; xây ba cầu trên các sông Nhà Bè, Lòng Tàu và Thị Vải; xây các tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh - Campuchia, Biên Hoà - Vũng Tàu...

Bốn chùm đô thị vệ tinh lớn của TP.HCM

1. Đồng Nai: có thành phố Biên Hoà, huyện Nhơn Trạch và Long Thành cách thành phố từ 25 - 30km.

2. Bình Dương: có thị trấn Dĩ An, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một hiện đã hình thành khu trung tâm đô thị, các đô thị công nghiệp tập trung…

3. Tây Ninh: Thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng được dự báo đến 2010 có 49.000 người. Phía đông thị trấn sẽ phát triển khu công nghiệp.

4. Long An: thị xã Tân An cách trung tâm TP.HCM khoảng 47km. Các khu công nghiệp ở đây sẽ được cải tạo, đầu tư chiều sâu, nâng cấp các cụm công nghiệp, kho bãi hiện có, di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thị.


Theo Sài Gòn Tiếp Thị