Top

Quy hoạch liên tục thay đổi “mở đường” cho hành vi trục lợi từ đất đai

Cập nhật 25/11/2019 13:30

Điều chỉnh quy hoạch liên tục là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định.

Tình trạng chạy theo nhu cầu của doanh nghiệp để quy hoạch đất đai gây thiệt hại cho nhà nước, làm lợi cho doanh nghiệp

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, do đó cần nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển. Mặc dù nguồn thu từ đất đai rất lớn, nhưng thời gian qua, số tiền thu ngân sách từ đất chưa tương xứng (chiếm chưa tới 10% tổng thu ngân sách). Bởi vậy, TP HCM đang tìm hướng khắc phục để quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả.

Năm nay, TP HCM dự toán thu thuế từ đất là 14.900 tỷ đồng, nhưng ước tính chỉ thu được 11.000 tỷ, đạt 74%. Tính ra, giai đoạn 2016 – 2020, thuế đất chỉ chiếm 3% - 5% so với tổng thu ngân sách, con số này quá thấp so với thực tế của TP HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, thành phố hiện có 162.300 ha đất đã được sử dụng, 47.300 ha đất đang được giao quản lý nhưng chưa đưa vào sử dụng, còn 927 ha đất chưa sử dụng. Cũng như Hà Nội, đất ở TP HCM rất đắt đỏ, mỗi mét vuông đất trên thị trường đều có giá từ vài triệu đến khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Thắng thừa nhận, công tác quản lý đất đai tại TP HCM hiện chưa tốt, nguyên nhân chủ yếu là thiếu đồng bộ giữa pháp luật về đất đai với các luật có liên quan; công cụ quản lý hành chính chưa được số hoá, thủ tục hành chính còn phức tạp; quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các quy hoạch khác.

Về quy hoạch sử dụng đất, ông Đào Trung Chinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ở TP HCM chỉ tiêu đất ở tỷ lệ cao, chỉ tiêu đất dành cho công cộng lại đạt tỷ lệ thấp. Chính vì vậy đã dẫn đến không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị với hạ tầng xã hội.

Trong khi đó, việc bố trí nguồn lực đầu tư thực hiện quy hoạch còn chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án. Công tác kiểm tra, rà soát, điều chỉnh quy hoạch còn chậm cũng đang ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch.

“Lãnh đạo thành phố cần có kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo nguyên tắc giữ sự ổn định, tránh sự điều chỉnh tuỳ tiện. Từ quy hoạch, kế hoạch có sẵn sẽ dẫn đến việc giải quyết các thủ tục về cấp phép đầu tư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Chinh kiến nghị.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Xa, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính thì nhiều năm qua, nhiều địa phương trong đó có TP HCM thực hiện điều chỉnh quy hoạch hàng năm, thậm chí vài lần trong 1 năm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi trục lợi từ đất đai như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật. Khi làm quy hoạch có vẻ rất chặt chẽ nhưng điều chỉnh quy hoạch lại lỏng lẻo, phát sinh ra tiêu cực vì họ có thể lách luật.

“Đề nghị thành phố phải có quy định dài hơi, đối với đất nông nghiệp có quy định phân quyền sử dụng tối thiểu là 50 năm, tốt nhất là 100 năm. Đối với đất phi nông nghiệp tối thiểu là 25 năm, tốt nhất là 50 năm. Dứt khoát không nên điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp nếu đất nông nghiệp chưa đến kỳ điều chỉnh”, ông Xa kiến nghị.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, hiện có tình trạng chạy theo nhu cầu của doanh nghiệp để quy hoạch, gây thiệt hại cho nhà nước, làm lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, thời gian tới, quy hoạch sử dụng đất của thành phố cần phải gắn với quy hoạch liên ngành, từ giao thông, y tế, giáo dục…Đồng thời tăng cường kiểm tra, thu hồi các dự án chậm triển khai.

“Thành phố cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý đất đai, từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo dõi biến động cho đến việc quản lý các dự án đầu tư. Các dự án sử dụng đất đai cần phải được đưa công khai ra bên ngoài để người dân kiểm tra, giám sát, từ đó nhà đầu tư có thể lên được kịch bản để biết nên đầu tư ở đâu, nên kích thích chỗ nào… đó chính là một kịch bản tốt khi việc quản lý đất đai có ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Hoan phân tích.

Từ thực tế trên địa bàn, TP HCM đang khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn lãng phí, thất thoát đất đai và phát huy được tiềm lực về đất đai để mở rộng đầu tư, phát triển.

DiaOcOnline.vn – Theo VOV