Tổ dự án sông Hồng bao gồm các chuyên gia của Hàn Quốc và Việt Nam vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến báo cáo giữa kỳ về tính khả thi của dự án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Theo kế hoạch, việc lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ được hoàn thành vào tháng 11/2007. Ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở QH-KT đánh giá, dự án này sẽ tạo ra trục không gian chính của thành phố, đem lại sức sống mới với hướng phát triển thành phố quay mặt ra sông Hồng.
An toàn cho Hà Nội
Từ những kinh nghiệm mà Hàn Quốc có được từ việc chỉnh trị sông Hàn và phát triển đô thị, định hướng của dự án bao gồm các mục tiêu: Hà Nội an toàn với nạn lũ, một đô thị quốc tế và môi trường sông ngòi tốt. Quyết định độ an toàn trị thủy là vấn đề hàng đầu được các chuyên gia xem xét các công trình điều tiết lũ trên thượng lưu.
Qua nghiên cứu, khảo sát, Tổ dự án đề nghị tả và hữu ngạn đều áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đê cấp đặc biệt. Trong phần quy hoạch chỉnh trị sông, phương án được đánh giá tối ưu là đắp đê mới với tổng chiều dài 75,1km, trong đó phần gia cố đê hiện có là 29,3km. Sau khi chỉnh trị sông, mực nước tại trạm Hà Nội sẽ giảm xuống 14cm. Những điểm được lưu ý khi quyết định tuyến đê là bảo vệ cư dân trong khu vực sông, bảo đảm mặt cắt dẫn nước lũ đầy đủ, ổn định hóa dòng chảy khi gặp lũ… đồng thời kế thừa lịch sử, văn hóa, truyền thống của những vùng đất ven sông, tận dụng quỹ đất ven sông.
Ông Đỗ Viết Chiến, phó giám đốc Sở QH-KT cho biết, đây là dự án đặc biệt quan trọng, từ xưa đến nay các nhà quy hoạch rất mong muốn thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện. Lần này, đã có Luật Đề điều với những điều gợi mở về trị thủy, khai thác. Với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã kết hợp với TP Seoul để tiến hành đồ án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Đồ án này có nhiều mục tiêu, nổi trội là vấn đề thoát lũ tốt hơn, an toàn đê tăng lên, cuộc sống dân cư ngoài bãi tốt hơn trên cơ sở trị thủy khai thác giao thông đường thủy, khai thác phần đất bãi có hiệu quả, tạo nguồn động lực để xây dựng, phát triển cho chính dự án. Đầu tư trở lại cho hạ tầng
Nguyên tắc khi xem xét tính khả thi của dự án là các lợi ích phát sinh từ dự án phát đều đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng sông Hồng. Nguồn vốn để thực hiện bao gồm thu hút vốn tư nhân và hỗ trợ của Nhà nước. Chiến lược phát triển của dự án được chia thành 3 giai đoạn, trong thời gian từ năm 2008-2020. Về chiến lược thực hiện dự án, phương án đề xuất là triển khai đồng thời các công trình chính, di dời dân và điều chỉnh đô thị. Theo đánh giá của Tổ dự án, phương án này có quy mô triển khai lớn nhưng tiện lợi về thu hút vốn với thời gian thực hiện là 13 năm. Được biết, trong hai tháng 4-5/2007, Tổ dự án sẽ tổ chức thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp Hàn Quốc để có được thông tin về các doanh nghiệp quan tâm, đăng ký tham gia vào dự án.
Cùng với quy hoạch chỉnh trị sông Hồng, dự án đã xác định các khu vực để xây dựng công viên ven sông với tiêu chí thành phố Hà Nội mang đậm nét đặc trưng sông nước sinh động. Từng khu vực được tận dụng để khai thác như tại Võng La là khu bảo tồn sinh thái ven sông, tại khu vực Đông Anh là công viên thể thao tổng hợp, tại Từ Liêm là khu phục hồi sinh thái ven nước, tại Tây Hồ là công viên mở …Trong dự án, phần quy hoạch xây dựng đường đê đã đưa ra mục tiêu xây dựng đường đê trên đê hiện có và đê mới nhằm cải thiện giao thông, môi trường và liên kết với các đường vành đai. Đường đê sẽ là tuyến đường huyết mạch đô thị phục vụ nhu cầu giao thông lân cận và vùng phát triển mới.
Quy hoạch cải tạo và phát triển đô thị ven sông Hồng có kế hoạch phát triển theo 4 khu vực, với tổng diện tích là 1.505,5ha. Trong đó, khu vực 1, từ điểm cuối dự án đến cầu Thăng Long; khu vực 2, từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương; khu vực 3, từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì; khu vực 4, từ cầu Thanh Trì đến địa điểm bắt đầu dự án. Khu dân cư được xây dựng theo quy hoạch sẽ tạo ra chỗ ở cho 87 nghìn hộ, bao gồm cả dạng nhà ở để bán và cho thuê. Theo khảo sát hiện trạng, dân số cư trú trong khu vực quy hoạch là 18 vạn người, tương đương 40 nghìn hộ gia đình. Trong đó đối tượng di dời khỏi nơi ở cũ là 3,5 vạn hộ gia đình. Tổng diện tích khu vực cải tạo và phát triển đô thị của dự án là hơn 2.384ha. Theo đánh giá ông Phan Đình Đại, tổ viên Tổ công tác hỗ trợ dự án, vấn đề cốt lõi và khó khăn nhất là giải pháp di dời dân và các chính sách cụ thể.
Theo Minh Thu - Hanoinet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: