Lời hứa đầu tiên vào cuối năm 2007. Lần thứ hai vào cuối quý I/2008. Lần thứ ba vào giữa năm 2008. Hiện các quận, huyện mới phê duyệt 10% tổng số đồ án
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao quy hoạch chi tiết (QHCT) 1/2.000 của TPHCM quá chậm, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP Nguyễn Trọng Hòa thành thật: “Không lường được công việc lại nhiều như thế!”.
Cả TP đồng loạt làm quy hoạch
Theo một chuyên gia quy hoạch, lẽ ra phải thực hiện quy hoạch tuần tự theo hình nón: từ quy hoạch chung toàn TP đến quy hoạch chung quận, huyện rồi mới xuống tới các QHCT 1/2.000 và 1/500. Tuy nhiên, do áp lực thời gian và đón gió đầu tư nên TP phải “đi tắt” bằng cách làm đồng thời các loại quy hoạch này. Hậu quả là cả Sở QH-KT lẫn các quận, huyện đều... đuối!
Theo thống kê của Sở QH-KT, ngoài đồ án điều chỉnh quy hoạch chung toàn TP đang trình Thủ tướng Chính phủ và 24 đồ án quy hoạch chung quận, huyện, toàn TP còn có 282 hồ sơ QHCT 1/2.000 cần thực hiện (chưa kể của hai huyện Hóc Môn và Cần Giờ). Phần nhiệm vụ 1/2.000 đã thẩm định được 92,2%, nhưng các đồ án rất ì ạch. Tới nay, quận, huyện chỉ mới phê duyệt được khoảng 30 đồ án, chiếm hơn 10% tổng số đồ án. Chỉ riêng quận 12 hiện phải điều chỉnh 62% trong số diện tích đã có QHCT 1/2.000 trước đây. “Cùng một lúc phải lập 12 đồ án 1/2.000 là một khối lượng công việc rất lớn nhưng quận không đủ nhân sự. Tại các quận thường chỉ có kiến trúc sư thiết kế và kỹ sư xây dựng chứ không có kiến trúc sư quy hoạch và các kỹ sư về hạ tầng như điện, cấp thoát nước...”- ông Trần Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nói.
Ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết Sở QH-KT chỉ có hơn 100 cán bộ nên hồ sơ thẩm định thường bị thắt cổ chai tại sở. Do đó, dù tỏ ra thông cảm nhưng phó phòng QLĐT một quận lớn cũng phải than thở: “Bộ phận thẩm định phần kiến trúc quy hoạch của sở làm khá nhanh nhưng phần thẩm định hạ tầng kỹ thuật chậm quá!”.
“Ngậm bồ hòn làm ngọt” với tư vấn
Trong buổi giám sát tình hình quy hoạch gần đây của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng một trong những nguyên nhân chậm tiến độ QHCT 1/2.000 là do các công ty tư vấn lập đồ án thiếu chất lượng, phải mất nhiều thời gian chỉnh sửa. “Có thể phân loại các công ty tư vấn thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất chỉ khoảng 5-10 công ty có đội ngũ chuyên viên có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt nhưng “ôm” quá nhiều việc. Nhóm thứ hai yếu chuyên môn, thiếu nhân sự, mọc lên cấp tập như nấm sau mưa chỉ để đáp ứng nhu cầu làm quy hoạch của toàn TP. Có cầu ắt có cung, bởi vì mỗi năm TP chi đến hàng trăm tỉ đồng làm quy hoạch”- ông Hòa phân tích.
Đồ án nhiều, tư vấn ít nên các quận, huyện không dám làm phật lòng tư vấn là một thực tế hiện nay. Ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện nay một trong những đơn vị uy tín và thực hiện nhiều đồ án 1/2.000 nhất là Viện Quy hoạch – Xây dựng TP. Tuy nhiên, lực lượng của viện cũng có hạn, lại phải tập trung làm các đồ án quy hoạch chung nên chưa dành thời gian thích ứng cho QHCT”.
Ngoài việc không bảo đảm chất lượng đồ án, nhiều quận, huyện còn than phiền tư vấn thường xuyên trễ tiến độ. “Chậm tiến độ có nhiều lý do. Chính đáng nhất là đồ án quá nhiều. Còn lý do “hậu trường” thì có: bận làm dự án khác, bận đi tỉnh này kia... Tư vấn làm lấy tiền mà chúng tôi phải đi năn nỉ suốt. Dẫu vậy, không đúng tiến độ thì quận “rầy” phòng QLĐT nên chúng tôi phải cử nhân viên đến hỗ trợ tư vấn thực hiện và không cho phép nhân viên to tiếng cự lại tư vấn”- lãnh đạo một phòng QLĐT kể lại.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng Phòng QLĐT quận Tân Phú, nói thẳng: “Về lý thuyết, nếu tư vấn trễ hạn thì quận có quyền cắt hợp đồng. Nhưng cả TP đồng loạt làm quy hoạch, tư vấn không đủ thì làm sao dám cắt hợp đồng? Đã lỡ ký hợp đồng và ứng tiền rồi, họ muốn ngâm mấy tháng cũng phải chịu. Cắt hợp đồng rồi tìm đâu ra đơn vị khác chịu làm tiếp mà cũng chẳng còn tiền để làm lại!”. Ngay cả ông Nguyễn Trọng Hòa cũng “bó tay”: “Nhiều tư vấn còn dùng xảo thuật như không chịu chỉnh sửa đồ án trả về mà nộp y nguyên bản cũ để lấy ngày. Sở dự định đề xuất TP nghiêm cấm các đơn vị như vậy hành nghề tại TP. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu tư vấn nên chắc quy định này cũng không khả thi”.
95% đồ án phải chỉnh sửa lại
Theo sở QH-KT, nhiệm vụ QHCT 1/2.000 coi như gần xong nhưng đồ án còn chật vật. Trong đó, 95% đồ án 1/2.000 có vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và phải trả hồ sơ lại để chỉnh sửa. Ví dụ điển hình là huyện Bình Chánh. Theo kế hoạch, khoảng tháng 3-2009, huyện Bình Chánh sẽ hoàn thành 25/31 đồ án 1/2.000. Nhưng theo lãnh đạo huyện, đến nay vẫn chưa có cốt san nền, hệ thống thoát nước... nên rất khó kết nối hạ tầng của các đồ án 1/2.000. Đó là chưa kể huyện này đụng đâu cũng vướng công trình trọng điểm như đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường cao tốc liên vùng phía Nam, đường xe lửa, đại lộ Đông Tây nối dài...
Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: