Top

Quy định về tách thửa: Không thể làm đô thị nát như tương

Cập nhật 03/07/2009 09:51

Quỹ đất ruộng bạt ngàn của Củ Chi, Bình Chánh... cần phải gìn giữ, không thể để người dân tự ý “băm nát”.

Quyết định 19 về hạn mức tối thiểu sau khi tách thửa đất do UBND TP.HCM ban hành có hiệu lực từ ngày 9-3-2009 và đã có hai văn bản hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tới nay vẫn chưa thể áp dụng vào thực tế. Sở TN&MT đã nhận được thư của người dân phản ánh nhiều nội dung của quyết định này gây khó cho dân.

Tại cuộc họp với các sở, ngành, quận, huyện hôm qua (2-7), Giám đốc Sở TN&MT Đào Anh Kiệt khẳng định: “Nếu cứ cho chia tách thoải mái thì sẽ là vô cùng. Bây giờ dễ dãi thì dân sẽ thương cán bộ nhưng chừng vài chục năm sau, khi chúng ta đã về hưu, con cháu sẽ oán trách tại sao quản lý thời đó yếu kém, để đô thị nát như tương, hạ tầng tệ hại như vậy”.

Phải chuyển mục đích sử dụng cả thửa


Theo phản hồi của các huyện, nơi bị chi phối nhiều nhất bởi Quyết định 19, vấn đề gây bức xúc nhất là nếu thửa đất nông nghiệp từ 1.000 m2 trở xuống thì phải thực hiện thủ tục thay đổi mục đích sử dụng sang đất ở rồi sau đó mới được tách thửa. “Giả sử tôi có 1.000 m2 đất nông nghiệp, phù hợp quy hoạch làm khu dân cư nên tôi xin chuyển chừng 200 m2 đất để xây nhà. Còn lại tôi không muốn chuyển hoặc không đủ tiền để chuyển mục đích sử dụng. Nhưng Quyết định 19 lại bắt tôi phải chuyển mục đích sử dụng hết 1.000 m2 đất” - người dân phản ánh.

Với trường hợp này, hiện nay Củ Chi vẫn cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 200 m2 nhưng không tách ra hai giấy mà chỉ cập nhật sự thay đổi đó vào giấy đỏ đất nông nghiệp cũ. “Do vẫn còn giữ thửa cũ mà chỉ cập nhật nên không phải là tách thửa. Khi nào chuyển nhượng, tách thửa thì buộc tuân theo quy định về diện tích tối thiểu theo Quyết định 19” - đại diện Phòng TN&MT huyện Củ Chi cho biết.

Huyện Bình Chánh cũng giải quyết cho chuyển một phần diện tích chứ không bắt chuyển hết cả ngàn mét vuông đất cùng lúc. Tuy nhiên, huyện này lại tách ra làm hai giấy, giấy cũ là đất nông nghiệp, giấy mới là đất ở. “Khi chuyển mục đích sang đất ở tức là đã tách thửa, chỉ có điều huyện Củ Chi không tách ra hai giấy, quản lý như vậy là quản lý ảo” - ông Kiệt nhận xét. “Cho phép chuyển mục đích một phần sẽ rất khó giữ được Quyết định 19. Không thể ngăn cản được họ chuyển nhượng một phần đất ở đó, chừa lại đất nông nghiệp. Như vậy Quyết định 19 sẽ bị vô hiệu hóa” - ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Kinh tế đất (Sở TN&MT), lo ngại. Về vấn đề tài chính, theo ông Kiệt, nếu không có tiền thì luật đã cho phép người dân được ghi nợ tiền sử dụng đất khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

“Quan điểm của lãnh đạo Sở TN&MT cùng Sở Tư pháp là phải thực hiện đúng Quyết định 19. Vậy sau cuộc họp này, Củ Chi còn giải quyết không?”. Khi được Báo Pháp Luật TP.HCM hỏi, Phòng TN&MT huyện Củ Chi cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để xin ý kiến.

Không thể du di quá trớn


Các quận, huyện còn đề nghị du di đối với trường hợp chia thừa kế, cha mẹ cho con đất để cất nhà. Đối với đất nông nghiệp, theo Quyết định 19, nếu đất được quy hoạch làm nông nghiệp thì được tách thửa. Tuy nhiên, thửa đất tách và thửa còn lại tối thiểu phải là 500 m2 (đất nông nghiệp khác) và phải là 1.000 m2 (đất nông nghiệp thuần). Huyện Bình Chánh cho biết hiện huyện vẫn giải quyết cho phép tách 1.000 m2 đất nông nghiệp làm hai phần, mỗi phần 500 m2 nếu cha mẹ chia cho con.

“Vậy giả sử gia đình khác có bốn con thì lại chia làm bốn phần, mỗi phần 250 m2, gia đình khác có năm con thì lại chia mỗi phần 200 m2? Tất cả cũng đều là cha mẹ chia cho con, giải quyết nhà này thì cũng phải giải quyết nhà khác” - ông Kiệt phản biện. Theo ông Kiệt, trong trường hợp thừa kế, nếu thửa đất không đủ điều kiện tách thửa thì xem như là tài sản bất khả phân chia. Khi đó, các đồng thừa kế có thể bán miếng đất lấy tiền chia nhau hoặc bán lại cho một người đồng thừa kế. “Quyết định 19 đặt ra là nhắm vào những thửa ruộng bạt ngàn của Củ Chi, của Bình Chánh... Quỹ đất đẹp như thế thì phải ráng giữ. Du di là những trường hợp thương tâm, ảnh hưởng đến xã hội chứ không phải là để làm “banh xác” đô thị” - ông Kiệt nhấn mạnh.

Giám đốc Sở TN&MT cho biết sắp tới trong kỳ họp HĐND TP.HCM, Quyết định 19 cũng sẽ được đem ra chất vấn. “Ngay sau đó, Sở TN&MT sẽ tổ chức giao ban với tất cả quận, huyện về những phản ánh này. Tuy nhiên, tinh thần là nội dung của Quyết định 19 cần phải được gìn giữ” - ông Kiệt nói.