Top

Quỹ đất dư trên 15.000 lô nhưng vẫn nợ dân 359 lô

Cập nhật 04/08/2019 11:30

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn vẫn có nhiều hạn chế, bất cập, tiến độ còn rất chậm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 21/208 dự án hoàn thành GPMB với 1.544/9.746 hồ sơ. Các đơn vị đã giải quyết bố trí tái định cư (TĐC) cho 601 hộ với tổng số lô đất TĐC đã bố trí là 857 lô đất ở. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bàn giao cho các quận, huyện 3.977 lô nhưng đến ngày 30-6, các quận, huyện mới bố trí 1.017 lô, số còn lại chưa bố trí.

Hiện nay quỹ đất TĐC đã có nhưng chưa bố trí là 12.354 lô, nâng tổng số lô đất chưa bố trí là 15.314 lô. Thế nhưng các quận huyện vẫn đang nợ 359 lô đất TĐC cho các hộ đã bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân của nghịch lý trên theo lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng là do quỹ đất TĐC trên địa bàn toàn TP còn thừa nhưng tập trung chủ yếu là ở mặt cắt đường lớn và lô đất có vị trí mặt tiền. Các lô đất có mặt cắt đường 7,5m trở xuống đang thiếu cục bộ tại một số dự án.

Trong khi đó, phần lớn các hộ bị nợ đất là trong các dự án dự án mới triển khai và do các hộ có nhu cầu bố trí tại chỗ hoặc gần khu vực giải tỏa.

TP Đà Nẵng còn dư 15.314 lô đất tái định cư - Ảnh: LÊ PHI.

Được biết, để triển khai tốt hơn công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC để giải phóng mặt bằng trong thời gian tới, ông Trương Quang Nghĩa - bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị liên quan linh hoạt, năng động hơn.

Ông Nghĩa cũng cho rằng giao về cho UBND các quận, huyện làm Chủ tịch Hội đồng Bồi thường GPMB thì việc phân cấp, phân công phải tương xứng với phân quyền. Chủ tịch Hội đồng bồi thường GPMB phải được quyết định các vấn đề liên quan đến người dân bị giải tỏa, kể cả việc phê duyệt các phương án GPMB và bố trí TĐC. Đồng thời, trách nhiệm của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án không thể tách rời với Hội đồng Bồi thường GPMB các quận huyện.

Về số lượng đất TĐC chưa bố trí còn quá nhiều, theo ông Nghĩa thì cần có cách làm khác. Phải xác định rõ việc xây dựng các khu TĐC là dành cho các hộ bị giải tỏa nên có thể bố trí đất TĐC cho người dân bị giải tỏa từ dự án này sang khu vực dự án khác. Như vậy không phải dự án nào cũng phải có một khu TĐC riêng của dự án đó.

Thứ hai là việc xây dựng các khu đô thị TĐC phải bảo đảm đúng quy hoạch đã được duyệt, có tầm nhìn chiến lược và phải đảm bảo hạ tầng chứ không thể chạy theo nhu cầu của người dân trong khu vực giải tỏa, rồi phá vỡ quy hoạch.

Các lô đất TĐC chưa bố trí thì nay có thể xem xét điều chỉnh quy hoạch, ghép thửa, hợp thửa để có thể làm thành những thiết chế về nhà ở, nhà văn hóa, thể thao hợp lý hơn. Ngoài ra, cần có tư duy về cách thức thực hiện các phương án bồi thường GPMB, nên tính toán lại và quy ra giá trị bằng tiền để người dân có thêm sự lựa chọn.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO