UBND TPHCM vừa duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng quận 7 với quy mô diện tích đất quy hoạch điều chỉnh mới là 3.546,79ha (so với diện tích đất quy hoạch được phê duyệt tại năm 1999 là 3.576ha, giảm 29,21 ha).
Lý do có sự điều chỉnh lần này là do diện tích đất toàn quận 7 có thay đổi giảm so với năm 1999, đồng thời đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận 7 được duyệt năm 1999 cho đến nay có nhiều thay đổi cơ bản do định hướng phát triển kinh tế của quận 7 trước đây là công nghiệp - dịch vụ - thương mại và tiểu thủ công nghiệp và hiện được xác định lại là thương mại - dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Văn kiện Đại hội Đảng bộ quận 7 lần thứ 3 nhiệm kỳ 2005 - 2010), trong đó tăng dần tỷ trọng của các khu vực dịch vụ, thương mại, xây dựng.
4 khu dân cư
Dân số hiện trạng năm 2006 của quận 7 là 194.334 người, dự kiến đến năm 2010 là 250.000 người, năm 2015 là 320.000 người, năm 2020 là 400.000 người.
Quận 7 được chia thành 4 khu dân cư chính, Khu 1: nằm phía Tây Bắc của quận gồm phường Tân Kiểng, Tân Quy, Tân Hưng và một phần phường Tân Phong có diện tích đất tự nhiên là 639,1 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 91.000 người.
Chức năng: là khu công cộng với các trường đại học, trường phổ thông trung học và khu dân cư hiện hữu cải tạo, chỉnh trang, xen cài xây dựng mới các cụm cao tầng tại phường Tân Phong, dọc trục Bắc Nam, đường Nguyễn Văn Linh.
Khu 2: nằm phía Bắc của quận gồm các phường Bình Thuận, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, có diện tích tự nhiên là 1.018,5 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 84.000 người. Chức năng: là khu có nhiều dân cư hiện hữu, giải pháp chính là cải tạo các khu vực dân cư dọc tỉnh lộ 15 và thực hiện các dự án mới trên đường Nguyễn Văn Linh (đường Bình Thuận cũ) theo dạng tổ hợp từng nhóm công trình cao và thấp tầng. Công trình phúc lợi công cộng lớn có trường phổ thông trung học, bệnh viện và các công trình công cộng khác.
Khu 3: nằm phía Tây Nam của quận gồm khu A- Nam Sài Gòn có diện tích tự nhiên là 482,2 ha, dự kiến quy mô dân số là 100.000 người. Chức năng: là đô thị mới, hình thành các trung tâm công cộng hiện đại, quy mô tầm cỡ quốc tế, mang bản sắc riêng cho thành phố, với các công trình trọng điểm đảm bảo phục vụ cho khu đô thị, thành phố và cả khu vực của vùng như khu giáo dục đào tạo cho nhu cầu quốc gia và quốc tế: trường chuyên ngành HEPZA, trường Hàn Quốc, trường Đài Bắc, trường Nhật Bản, trường Đại học RMIT, trường Đại học An ninh, Đại học Sài Gòn… Khu dịch vụ y tế: Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Tim Tâm Đức, Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm Y tế dự phòng… Trung tâm Dịch vụ: gồm khu thương mại, dịch vụ, hội chợ triển lãm, văn phòng , khách sạn…
Khu 4: nằm phía Nam của quận gồm các phường Phú Thuận, Phú Mỹ và một phần phường Tân Phú, có diện tích tự nhiên là 1.406,99 ha, dự kiến quy mô dân số khoảng 125.000 người. Chức năng: là khu dân cư nhà vườn phục vụ du lịch phối hợp xây dựng xen cài khu cao tầng dọc đường Huỳnh Tấn Phát theo từng nhóm cao tầng làm hạt nhân khu ở.
Tính chất đặc thù của quận 7 là nhiều sông rạch nên sẽ bố trí tập trung từng mảng xanh lớn kết hợp mặt nước để bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh cho đô thị và khu vực. Khu công viên cây xanh - thể dục thể thao cấp quận sẽ bao gồm các khu công viên vui chơi giải trí nghỉ ngơi như Công viên Mũi Đèn Đỏ - phường Phú Thuận; công viên Hương Tràm và khu công viên - thể dục thể thao - phường Bình Thuận; công viên tập trung - thể dục thể thao - sân tập golf trong khu A - Nam Sài Gòn; khu công viên - thể dục thể thao - phường Phú Mỹ.
Giữa các nhóm nhà ở bố trí các khu cây xanh hoa viên - thể dục thể thao; kết hợp chặt chẽ đất cây xanh công viên với các sân tập thể thao. Ngoài ra, còn dùng hệ thống cây xanh dọc bờ sông, rạch làm mảng xanh cách ly giữa khu dân cư với khu, cụm công nghiệp
Di dời cảng theo đúng lộ trình đã được quy hoạch
Đối với đất công nghiệp tập trung: thực hiện theo đúng định hướng điều chỉnh cục bộ các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tiếp tục phát huy thế mạnh của khu chế xuất Tân Thuận, giữ nguyên quy mô 300 ha. Khu công nghiệp Phú Mỹ (nay thuộc phường Phú Thuận) chuyển thành cụm công nghiệp Phú Mỹ với quy mô ở giai đoạn dài hạn giảm xuống còn khoảng 80 ha. Các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng không gây ô nhiễm hiện hữu bố trí xen cài trong các khu dân cư trên địa bàn quận 7 được duy trì và hạn chế phát triển mở rộng.
Đối với hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn, Nhà Bè trên địa bàn quận 7: thực hiện theo đúng quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2005.
Cảng Tân Thuận Đông, cảng rau quả sẽ di dời ra ngoại thành trước năm 2010, có kế hoạch chuyển đổi chức năng sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, khu đa chức năng có kết hợp với nhà ở cao tầng ở các địa điểm cảng di dời. Các cảng hiện hữu còn lại vẫn được duy trì đến năm 2020. Riêng cảng Bến Nghé, cảng Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 sẽ nghiên cứu chuyển đổi chức năng sử dụng đất sau năm 2020.
Giao thông đường bộ sẽ hực hiện đúng lộ giới các tuyến đường đã được duyệt quy hoạch trước đây, dự kiến bổ sung trục đường nối kết với quận 2 với cầu qua sông Sài Gòn. Ngoài cầu Phú Mỹ trên tuyến Vành đai 1 và Vành đai 2 trên cơ sở đường Nguyễn Văn Linh, dự kiến các trục đường chính khác như sau: Tỉnh lộ 15B, Nguyễn Thị Thập nối dài, trục đường ngang nối kết huyện Nhà Bè và trục đường nối kết Khu đô thị mới Thủ Thiêm - quận 2.
Hệ thống tàu điện ngầm và xe điện mặt đất: có tuyến xe điện mặt đất (LRT) hoặc Monorail - tuyến số 2 (Quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - quận 2) và tuyến tàu điện ngầm - tuyến số 4 (Cầu Bến Cát - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh) phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007.
Không khống chế tầng cao xây dựng
Các chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc: Dân số quy hoạch 400.000 người. Đất dân dụng 48m2 - 54m22/người, đất khu ở 25m2 - 28m2/người, đất công trình công cộng cấp quận 2,8m2 - 3,5m2/người, đất cây xanh 6,5m2 - 8m2/người. Công viên cây xanh tập trung - thể dục thể thao: 4,5m2 - 5m2/người. Cây xanh cảnh quan dọc sông, rạch 2m2 - 3m2/người, đất giao thông đối nội 13m2 - 15m2/người. Tầng cao xây dựng: tầng cao tối thiểu 2 tầng, tối đa không khống chế (tùy khu vực). Mật độ xây dựng bình quân: khu dân cư 50% - 60% (khu dân cư hiện hữu), 40% (khu dân cư phát triển), khu công trình công cộng 30% - 35%, khu công viên 10%.
Về quy hoạch hệ thống giao thông: Sẽ tổ chức không gian kiến trúc hài hòa và phân khu chức năng hợp lý giữa khu đô thị Nam thành phố và phần còn lại của quận 7, đưa ra các mô hình ở đối với khu dân cư hiện hữu cải tạo cũng như khu dân cư xây dựng mới.
Nghiên cứu thiết kế đô thị đối với các tuyến đường chính như: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Quỳ, Huỳnh Tấn Phát. Đặc biệt chú trọng thiết kế đô thị cảnh quan dọc sông Sài Gòn, sông Nhà Bè… Sẽ có giải pháp chuyển mục đích sử dụng đất đối với các cảng hoặc nhà xưởng di dời theo chủ trương của thành phố, thành các khu công trình công cộng, cây xanh và các khu nhà ở chung cư cao tầng nhằm giảm mật độ xây dựng, tăng đất công trình công cộng, công viên cây xanh.
Việc san lấp kênh rạch cần được sự thống nhất của Sở Giao thông - Công chính hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng đặc biệt lưu ý đến tổ chức thoát nước phải phù hợp với các lưu vực thoát nước của thành phố. Trong đó, cần nghiên cứu hướng duy trì các kênh rạch kết hợp với công viên cây xanh cảnh quan dọc bờ sông, kênh, rạch theo quy định.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: