Để nâng cao vị thế, tính cạnh tranh của Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của một nước có trên 100 triệu dân ở đầu thế kỷ 21, ngày 22-12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1878/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quan điểm và mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị hoạt động có hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao và là Thủ đô có lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng phát triển và bảo tồn được sự riêng biệt. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp của Nhiệm vụ Quy hoạch này gồm toàn bộ diện tích hành chính của Thủ đô Hà Nội mở rộng từ ngày 1-8-2008 (khoảng 3.344,47 km2). Dự báo quy mô dân số của Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 đạt khoảng 10 triệu người.
Đây cũng là dự báo quan trọng để có cơ sở khoa học về ngưỡng dân số phù hợp với điều kiện phát triển bền vững cho Thủ đô. Quy hoạch cũng đề cập tới định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch cần đưa ra mô hình tổ chức không gian Hà Nội phù hợp, hài hòa với thiên nhiên và phát triển bền vững. Chú ý mô hình tổ chức không gian Vùng đô thị hiện hữu - vùng đô thị bảo tồn, xây dựng các trung tâm tài chính, thương mại hiện đại mang đẳng cấp quốc tế. Cải tạo và dãn dần dân cư tại các khu nhà thấp tầng, thiếu tiện nghi ra khu vực xung quanh nhằm cải thiện môi trường đô thị khu vực trung tâm thực sự là hình ảnh tiêu biểu của Thủ đô.
Các vùng dãn dân cho trung tâm, khu vực phát triển các đô thị xen kẽ với không gian mở kết hợp công viên, vành đai xanh và công viên rừng. Khai thác không gian ngầm dưới mặt đất của đô thị trung tâm và các đô thị khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, là các vành đai nông nghiệp-nông thôn, các hệ thống trung tâm như: Trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa-lịch sử; y tế-chăm sóc sức khỏe...
Hướng tới năm 2030, quy hoạch sử dụng đất của Thủ đô đáp ứng các chức năng của đô thị, gồm: đất phát triển trung tâm hành chính quốc gia, các khu vực quốc tế (Đại sứ quán, trụ sở các tổ chức quốc tế...).; đất các khu cải tạo (phố cổ, phố cũ, dân cư hiện hữu...); đất xây dựng phát triển hệ thống công trình phúc lợi xã hội; đất phát triển hệ thống thương mại đô thị, trung tâm dịch vụ tài chính, ngân hàng...; đất dành cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật và đất dành cho các chức năng khác... Quỹ đất phải được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng sử dụng manh mún, thiếu quy hoạch đồng bộ và tầm nhìn. Bảo đảm phát triển Thủ đô một cách toàn diện, hiện đại.
Về Quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, khung giao thông chính của Thủ đô đảm bảo kết nối hợp lý giữa đô thị hiện có với các khu vực xây dựng, đô thị mới; tạo mối liên hệ hợp lý giữa đô thị trung tâm với vùng mở rộng. Mạng lưới giao thông đường bộ, cảng hàng không-sân bay, cảng thủy nội địa... phù hợp với điều kiện hiện tại. Nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài với công suất khai thác hợp lý và đề xuất vị trí, quy mô sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô. Bên cạnh đó phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, hình thành cụm cảng sông Hồng nhằm hỗ trợ cho các khu công nghiệp mới phía Nam. Phát triển mạng lưới giao thông đường sắt nội vùng, đường sắt đô thị. Giao thông khu vực trung tâm (các quận nội thành), tình trạng ùn tắc trong đô thị, các công trình phụ trợ (bến, bãi đỗ xe, nút giao cắt) phải được chú ý trong việc xây dựng quy hoạch.
Việc thực hiện quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội cần đồng bộ với quá trình lập Đánh giá môi trường chiến lược nhằm đưa ra những quyết định mang tính chiến lược về bố trí các khu vực chức năng, các trung tâm công nghiệp sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khi mở rộng các khu đô thị mới và các thành phố vệ tinh, bảo đảm giữ gìn và chuyển hóa hợp lý khu vực nông nghiệp xung quanh khu vực đô thị hóa hiện nay...
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: