Top

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chưa được giải quyết triệt để

Cập nhật 15/06/2020 09:22

Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho phép áp dụng hồi tố đối với các doanh nghiệp đã thanh kiểm tra cũng như chưa thanh kiểm tra để đảm bảo công bằng.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành thời gian qua đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một số giải pháp đã phát huy tác dụng tốt nhưng một số vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Vấn đề tài chính, tín dụng chưa được giải quyết

Cụ thể, vấn đề tài chính, tín dụng chưa thực sự hiệu quả. Do đó, VNREA kiến nghị việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ, thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định. Đồng thời, giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Bên cạnh đó là gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định của pháp luật về quản lý thuế thay vì thời gian gia hạn là 5 tháng như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; Gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN cho cả Quý III, IV năm 2020 và Quý I, II năm 2021 như đã quy định cho Quý I, II năm 2020 trong Nghị định 41/2020/NĐ-CP.

Chúng tôi cũng mong rằng Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP trong đó cho phép áp dụng hồi tố cho cả năm 2017, 2018 đối với các doanh nghiệp đã thanh kiểm tra cũng như chưa thanh kiểm tra để đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.

Miễn thuế TNDN và thuế GTGT trong thời gian có dịch Covid-19; giảm 50% thuế TNDN và 50% thuế GTGT trong thời hạn 01 năm sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch Covid-19 và 12 tháng sau khi công bố hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án. Hiện nay Chính phủ mới có quy định về việc gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, chưa có quy định về việc gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất.

Miễn hoặc giảm 50% thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 để tạo động lực đầu tư BĐS, thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ người dân. Thực hiện miễn lệ phí trước bạ cho tất cả các giao dịch BĐS được thực hiện trong năm 2020.

Cho phép bù trừ lỗ của hoạt động kinh doanh khác với hoạt động kinh doanh bất động sản. Đặc biệt trong năm 2020 khi các hoạt động như kinh doanh du lịch khách sạn khó khăn, doanh nghiệp có khả năng lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế TNDN.

Ngoài ra, VNREA cũng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn quyết toán gộp thuế TNDN năm 2020 và 2019. Đối với doanh nghiệp đã quyết toán thuế năm 2019 và đã nộp thuế TNDN theo quý và theo quyết toán cho năm 2019, số thuế đã nộp nên được phép cấn trừ vào các loại thuế phải nộp khác và doanh nghiệp sẽ quyết toán lại gộp hai năm 2019 và 2020 sau khi kết thúc năm 2020.

Sớm sửa đổi Luật Đất đai

Về thể chế, VNREA kiến nghị thực hiện miễn Giấy phép xây dựng đối với các công trình của dự án đầu tư thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 theo đúng tinh thần được ghi nhận tại điểm h, khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Tạm hoãn thực hiện việc ký quỹ các dự án đầu tư đến hết năm 2020 và nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín.

Yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm trong quý IV/2020 để sớm triển khải thực hiện lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường. Thực hiện việc cấp sổ hồng cho các căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) và nhà phố thương mại (shoptel, shop house) trên đất dịch vụ thương mại.

Về thủ tục hành chính, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BĐS.

Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật như: sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Xây dựng... về các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, xác định chế độ sử dụng đất, về chuyển nhượng, về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 để tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định quyền sử dụng đất xen kẹt, mở rộng hình thức cho vay vốn tại ngân hàng nước ngoài để đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp, công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng tại Việt Nam; sửa đổi đồng bộ quy định của Luật Đất đai với quy định về sở hữu BĐS của người nước ngoài, theo đó cần ghi nhận người nước ngoài là một trong những chủ thể sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một tòa nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS du lịch tại Việt Nam.

Hoàn thiện văn bản pháp luật về BĐS du lịch theo Chỉ thị số 11/CT-TTg theo hướng nghiên cứu bổ sung các sản phẩm nhà phố du lịch và các sản phẩm tương tự; quy định thông thoáng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam, đồng thời cấp visa định cư có thời hạn bằng thời hạn sở hữu bất động sản cho người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam; cho phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán BĐS du lịch giống như việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở.

Với lợi thế về uy tín chống dịch Covid-19, Chính phủ cho xây dựng chính sách Việt Nam căn nhà thứ hai của tôi (Vietnam My Second Home - VNM2H) để thu hút vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới về Việt Nam làm tiền đề phát triển đất nước lâu dài.

Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN