Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nhiều vi phạm gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách ở Khánh Hòa liên quan đến các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Khu đất “vàng” ở trung tâm Nha Trang của Trường Chính trị Khánh Hòa đã được giao cho doanh nghiệp để làm dự án BT - Ảnh: Nguyễn Chung
Trong đó, phải kể đến dự án xây dựng mới Trường Chính trị Khánh Hòa. Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh, ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa ở ngoại thành Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng.
Để hoàn vốn cho dự án này, tỉnh Khánh Hòa giao gần 7.400 m2 đất của Trường Chính trị Khánh Hòa cũ tại trung tâm TP.Nha Trang cho Công ty Thanh Yến để làm khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng khách sạn - nhà ở chung cư - Nha Trang Center 2 (nay có tên là dự án Gold Coast). Đây là khu "đất vàng" với hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - Lý Tự Trọng, chỉ cách biển khoảng 100 m.
Điều đáng nói là khu đất “vàng” này chỉ được tỉnh định giá hơn 7,8 triệu đồng/m2 đất thương mại dịch vụ và 22,5 triệu đồng/m2 đất ở, trong khi giá thị trường cao hơn cả chục lần. Hệ quả là dù đổi khu đất đắc địa giữa trung tâm TP.Nha Trang nhưng tỉnh vẫn không đủ tiền xây ký túc xá cho trường chính trị mới. Do vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa ký thêm hợp đồng BT với Công ty CP Khách sạn Bến du thuyền làm dự án khu ký túc xá trường chính trị mới. Dự án này được dự toán khoảng 64 tỉ đồng. Đổi lại, Công ty Bến du thuyền được tỉnh hoàn vốn bằng 18.000 m2 đất tại P.Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang để thực hiện khu C dự án trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia.
Một dự án BT lùm xùm khác là dự án Trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (gọi tắt là dự án trung tâm đô thị) tại khu đất sân bay Nha Trang cũ. Tháng 10.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ký quyết định thu hồi 62,3 ha đất tại khu vực sân bay Nha Trang để giao Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) thực hiện dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang. Sau đó 1 năm, UBND tỉnh mới ủy quyền cho các ban quản lý dự án của tỉnh ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông với Công ty Phúc Sơn, gồm: nút giao thông Ngọc Hội với tổng trị giá sử dụng đất tạm tính là 1.215 tỉ đồng; dự án BT đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội, tổng trị giá đất tạm tính khoảng 1.099 tỉ đồng; dự án BT nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang, trị giá sử dụng đất tạm tính gần 950 tỉ đồng. Cả 3 dự án BT đều không qua đấu giá mà được chỉ định thầu giao cho Công ty Phúc Sơn.
Hàng loạt dự án phá nát núi đồi
Tại buổi tiếp xúc với cử tri TP.Nha Trang hồi cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, thông tin cho cử tri biết ngoài sai phạm về việc thẩm định giá đất, tỉnh còn có những vi phạm trong trật tự xây dựng.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đối với các dự án ở khu vực ven đồi, núi trên địa bàn TP.Nha Trang mới đây, cho thấy có đến 82 dự án khu đô thị, biệt thự, dịch vụ du lịch được tỉnh cho phép triển khai, cho chủ trương đầu tư, cho nghiên cứu đầu tư trên các đồi núi ở TP.Nha Trang. Trong đó, có 58 dự án đã có chủ trương hoặc thủ tục pháp lý cho phép đầu tư, còn lại đang xin thủ tục đầu tư hoặc đã bị thu hồi. Những khu vực đồi núi bị “xẻ thịt” nhiều như: Núi Cô Tiên 30 dự án, núi Chín Khúc 15 dự án, núi Cù Hin 12 dự án, núi khu vực xã Phước Đồng 17 dự án... Trong 82 dự án trên, chỉ 13 dự án phù hợp hoàn toàn với quy hoạch chung TP.Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 và 13 dự án phù hợp một phần, số còn lại đều trái quy hoạch.
Những năm qua, TP.Nha Trang thường xuyên xảy ra sạt lở tại các đồi núi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Dư luận cho rằng chính việc cấp phép ồ ạt cho hàng loạt dự án tại khu vực núi là một trong những nguyên nhân. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho rằng con người đã “góp sức” làm cho hậu quả của thiên tai nặng nề hơn. “Những dự án ở triền núi phá vỡ các mảng xanh trong TP. Khi thực hiện dự án thì người ta băm dọc, xẻ ngang. Địa chất đang ổn định giờ bị tác động, cắt ra, phá vỡ đi sự liên kết. Khi có những trận mưa lớn dễ có nguy cơ sạt lở hơn”, ông Lộc nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: