Top

Người dân đòi được tham vấn khi thu hồi đất

Cập nhật 23/10/2013 13:41

Nhiều người dân cho rằng người dân cần được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan tới việc sử dụng đất để đảm bảo cuộc sống và sinh kế của họ.

Đặc biệt, người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư….

80% các vụ khiếu kiện là về đất đai, nhiều cuộc kéo dài hàng năm ròng chưa có hồi kết. Những bức tường làng ghi khẩu hiệu "không bán đất, không bán vườn", "không chơi với kẻ bán đất, bán vườn" không hiếm thấy nơi cổng làng những địa bàn quanh khu đô thị mấy năm gần đây. Thực tế thực thi Luật Đất đai năm 2003 cho thấy, nhóm dân cư có đất bị thu hồi cho các dự án cả xã hội và kinh tế thường bị coi là người ngoài cuộc.

Ảnh minh họa

Tại rất nhiều dự án, mục tiêu triển khai đều ghi rõ là nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song, cuộc sống của hầu hết người có đất bị thu hồi lại trở nên khó khăn hơn, sau khi bị mất đi sinh kế gắn với diện tích bị thu hồi. Nhận tiền đền bù nhưng không tìm được việc làm thay thế, nhiều gia đình vì vậy lại rơi vào tình trạng khó kiếm thu nhập.

Không ít cuộc khảo sát gần đây của các tổ chức trong nước và quốc tế cho thấy, nhóm người sống cùng cực nhất thường bị phụ thuộc nhiều vào sinh kế từ đất đai. Đặc biệt trong số đó là những nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, khi phần đất của họ "được" lên kế hoạch thu hồi, bản thân nhóm người này ít biết thông tin, được tham gia ý kiến và được đồng thuận trước những quyết định về đất đai có ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của gia đình họ.

Báo cáo chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2012 (PAPI) do UNDP và Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam công bố đã đưa ra một con số khá ấn tượng về vấn đề này. Kết quả cho thấy, chỉ có 19,6% số người trên toàn quốc được biết về quy hoạch sử dụng đất. Ở Hà Nam, nơi người dân biết được thông tin quy hoạch đất đai nhiều nhất so với các địa phương khác trên cả nước, tỷ lệ này cũng chỉ là 48%. Nhưng đó chỉ là một góc nhỏ vấn đề công bố và minh bạch thông tin.

Chỉ số về mức độ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi phê duyệt dù là một yêu cầu quan trọng trong Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, nhưng trên thực tế hầu như các cấp, chính quyền địa phương coi nhẹ. Chỉ có 6,49% số người trả lời cho biết, họ có cơ hội được tham gia ý kiến. Hà Nam dường như làm tốt hơn cả, nhưng tỷ lệ này cũng chỉ là 26,4%. Trong khi đó, Trà Vinh đạt có 0,4%.

Vấn đề nóng bỏng khác tồn tại lâu nay là mức giá đền bù cho giá đất bị thu hồi. Không ít cuộc khiếu kiện thời gian qua cũng vì người dân muốn góp tiếng nói để đòi quyền lợi của mình nhiều hơn. Trung bình trên toàn quốc chỉ có 12,86% hộ gia đình bị mất đất đai cho biết, giá đền bù gần sát với mức giá thị trường (Báo cáo PAPI).

Trong khi đó, có tới 30 tỉnh, thành phố chỉ đạt mức dưới 11% số người nhìn nhận giá đền bù sát với mức giá thị trường. Thậm chí, tại Điện Biên, con số này còn ở mức 0%. Tham khảo về việc sửa Luật Đất đai liệu có giải quyết được tình trạng này hay không, các chuyên gia thậm chí không tin rằng, ngay lập tức không thể giải quyết được vấn đề.

Đề cập đến yêu cầu sau khi thu hồi phải đảm bảo cho dân có chỗ ở, điều kiện sinh hoạt bằng hoặc tốt hơn, nghĩ đến kế sinh nhai của những người mất đất không có việc làm... nhiều người dân cho rằng cần thành lập cơ quan định giá đất quốc gia trực thuộc trung ương nhằm đề xuất giá đất khách quan, phù hợp với thị trường. Đồng thời, người dân cần được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan tới việc sử dụng đất để đảm bảo cuộc sống và sinh kế của họ. Đặc biệt, người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo ngân hàng