Top

Nghịch lý ở một dự án tái định cư

Cập nhật 14/08/2019 08:30

Sau khi bị giải tỏa để lấy đất xây dựng khu tái định cư 38ha (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM), người dân được bố trí tái định cư tại chung cư Tín Phong (cũng tại phường Tân Thới Nhất).

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nhận nhà, người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (GCN). Điều oái ăm là phần lớn diện tích đất mà người dân bị giải tỏa để xây dựng khu tái định cư 38ha lại bỏ hoang gần 20 năm qua.

Trách nhiệm lơ lửng

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, cư dân sống tại chung cư Tín Phong, cho biết chung cư này do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xây dựng Tín Phong làm chủ đầu tư, được UBND quận 12 ký hợp đồng mua toàn bộ 60 căn hộ (thông qua Công ty Dịch vụ công ích quận 12 và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12) để phục vụ tái định cư.

Năm 2007, người dân bắt đầu được nhận bàn giao căn hộ. Sau khi về sinh sống, các hộ dân nhiều lần đề nghị được tiến hành thủ tục xin cấp GCN để tiện lợi cho việc nhập hộ khẩu, việc học hành của con em nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. “Bà con kiến nghị từ dưới lên trên, từ quận lên sở, từ sở lên thành phố, nhưng lên thành phố lại chỉ ngược về dưới quận, nên không biết thẩm quyền giải quyết cấp GCN là của ai”, một người dân cho biết.

Người dân tái định cư phải “ở trọ” trong căn hộ của mình hơn 10 năm mà chưa được cấp GCN

Tại Công văn 6672 do Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức ký gửi Sở TN-MT về việc xem xét cấp GCN cho các căn hộ tại đây, nêu rõ: “Căn cứ Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai thì thẩm quyền cấp GCN là của Sở TN-MT. Để sớm giải quyết kiến nghị của hộ dân, UBND quận 12 kiến nghị Sở TN-MT hỗ trợ Công ty Tín Phong trong công tác cấp GCN, hoặc thống nhất giao cho UBND quận 12 cấp GCN cho các hộ dân được bố trí tái định cư tại dự án trên”.

Ngày 6-6-2018, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng có Công văn 5387 phúc đáp: “Sở TN-MT nhận thấy, chung cư 5 tầng chỉ có 60 hộ và đã được UBND quận 12 mua toàn bộ 60 căn hộ để bố trí nhà ở cho các hộ dân thuộc diện tái định cư. Do đó, Sở TN-MT thống nhất việc UBND quận 12 xem xét, giải quyết cấp GCN cho người dân”. Tuy nhiên, từ đó đến nay mọi việc vẫn như cũ, người dân lên quận hỏi thì quận cho biết do Công ty Tín Phong chưa hoàn thiện thủ tục của dự án nên chưa cấp GCN được. Còn thiếu những thủ tục gì thì người dân không được biết và cũng không có quyền hỏi chủ đầu tư, vì họ không ký hợp đồng mua bán với Công ty Tín Phong.

Do trách nhiệm lơ lửng như vậy nên mọi sự cố tại chung cư này người dân phải tự lo liệu. Mới đây, hệ thống thoát nước của toàn bộ chung cư bị tắc nghẽn, các hộ dân có đơn kêu cứu gửi UBND quận 12. Sau 4 lần khảo sát của các cơ quan chuyên môn, UBND quận 12 ký công văn yêu cầu Công ty Tín Phong nhanh chóng xử lý sự cố và hoàn thiện các hạng mục, hạ tầng kỹ thuật khơi thông đấu nối vào hệ thống chung. Tuy nhiên, Công ty Tín Phong cũng không có bất cứ việc khắc phục nào và cuối cùng người dân phải tự giải quyết.

Lãng phí đến bao giờ?

Năm 2002, UBND TPHCM phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất. Theo kế hoạch, khi hoàn thành dự án này sẽ bố trí 761 nền đất và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và hộ dân bị giải tỏa di dời trong dự án mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ một phần dự án được xây dựng và bàn giao nền đất tái định cư cho dân, phần lớn diện tích còn lại là hoang hóa, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân rất bức xúc.

Ông Mai Chí Dũng (hiện cư ngụ tại 18/3 khu phố 5, phường Tân Thới Nhất) phản ánh: 20 năm rồi không thấy dự án triển khai, hiện nay đường sá xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa do vướng quy hoạch, ruộng nương của dân giờ bị hoang hóa, cỏ mọc um tùm... Chỉ cách UBND phường khoảng 100m nhưng nơi đây giờ trở thành bãi tập kết rác. “Ba tôi trên 55 tuổi Đảng, nửa đời người đã cống hiến cho cách mạng, vậy mà giờ đây không được sống trong căn nhà khang trang sạch sẽ, phải tránh đi khi trời mưa do nhà xuống cấp trầm trọng. Ba tôi chỉ mong ước về già cất được căn nhà đàng hoàng để con cháu có chỗ ở, vậy mà có được đâu vì cái gọi là quy hoạch treo đeo bám. Tôi chỉ mong chính quyền cho dân câu trả lời thỏa đáng”, ông Dũng phản ánh.

Bức xúc hơn, nhiều hộ dân đã nhường đất cho dự án từ hơn 10 năm qua nhưng chưa được nhận nền tái định cư, có trường hợp được bố trí nền nhưng thực tế chỉ nhận nền… trên giấy. Người dân có đất bị thu hồi để làm dự án cho biết, khi được vận động di dời để xây dựng dự án, nhiều người dân ở đây đã đồng thuận, chịu giao đất chấp nhận tạm cư với cam kết của chính quyền sẽ được bố trí tái định cư trong thời gian sớm nhất. Để rồi sau đó, họ thất vọng chờ đợi từ năm này sang năm khác và đến nay, đã gần 15 năm, giấc mơ an cư vẫn còn xa vời.

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP