Cần làm rõ trường hợp bồi thường chậm do lỗi nhà đầu tư hay do người bị giải tỏa để có căn cứ thẩm định lại giá đất làm căn cứ tính bồi thường.
Ngày 7-9, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có buổi họp với đại diện các quận, huyện để giới thiệu Nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng (có hiệu lực từ 1-10-2009).
Nhìn chung, các đại biểu cho rằng Nghị định 69 có nhiều điểm mới về bồi thường, hỗ trợ: nếu suất tái định cư tối thiểu mà cao hơn số tiền được bồi thường, hỗ trợ thì người nhận suất tái định cư không phải đóng khoản chênh lệch; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp... nhưng “chắc chắn sẽ nảy sinh những vướng mắc cần giải quyết” - bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nói.
Theo nhiều ý kiến, Nghị định 69 có một số điểm chưa được rõ. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Đăng ký và Kinh tế đất - Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nói: “Nghị định 69 quy định trường hợp đất nông nghiệp “tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường”. Đã gọi là “tự khai hoang” thì làm sao mà “theo quy hoạch” được? Ngoài ra, nghị định nêu rằng những trường hợp thực hiện bồi thường chậm thì sẽ thẩm định lại giá đất để tính bồi thường. Ở đây cần phải phân biệt rõ cái chậm này là do ai, do chủ đầu tư hay do phía người bị giải tỏa”.
Một vấn đề đặt ra nữa là thành phố sẽ tính sao với Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng đang tồn tại ở các quận, huyện. Trong Nghị định 69 chỉ quy định các cơ quan làm nhiệm vụ bồi thường gồm: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện; tổ chức phát triển quỹ đất. Ông Trần Minh Thơ, Trưởng Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, ý kiến: “Tổ chức phát triển quỹ đất nên thành lập tới quận, huyện, chuyển nhân sự từ Ban bồi thường và giải phóng mặt bằng sang”. Ông Thơ cũng thắc mắc rằng đất nông nghiệp là đất công được giao cho hợp tác xã, hợp tác xã khoán cho xã viên thì khi giải tỏa sẽ giải quyết bồi thường, hỗ trợ ra sao. Vấn đề này quận Bình Thạnh đã hỏi ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được trả lời.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết Sở sẽ tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của các quận, huyện gửi về, sau đó tập hợp để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết cụ thể các vướng mắc trong thông tư hướng dẫn.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: