Không quy định hạn điền nhưng phải có quy định rõ: Sử dụng đất ở mức nào trở lên thì phải chịu thuế, mức nào thì phải chịu sự kiểm toán, mua bảo hiểm.
Việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đặt ra vấn đề thời hạn giao đất và hạn mức sử dụng đất (hạn điền). Ông Vũ Trọng Bình, Viện phó Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ NN&PTNT, nói: “Thời hạn giao đất ngắn dẫn đến nông nghiệp của ta chủ yếu là đầu tư ngắn hạn! Hậu quả là năng suất, chất lượng sản xuất nông nghiệp của ta thấp, thậm chí nhiều nơi còn bỏ hoang”.
Chỉ “bóc” đất mà thôi!
* Thưa ông, việc giao đất nông nghiệp với thời hạn 20 năm như quy định hiện nay đã làm khó cho người dân ra sao?
+ Khi giao đất nông nghiệp với thời hạn ngắn như vậy, người nông dân thấy rủi ro khi đầu tư vào đó. Để hình thành được vùng sản xuất, nhiều trường hợp phải mất đến cả chục năm và phải đầu tư công sức, vốn liếng rất nhiều. Tuy nhiên, “khi hết thời hạn, đất đó sẽ được giải quyết thế nào? Người đã đầu tư vào đất có được tiếp tục sử dụng đất đó nữa hay không?” - đó là câu hỏi mà nhiều nông dân luôn đặt ra. Điều này làm họ không yên tâm, chỉ mới “bóc” đất thôi mà không thể đầu tư sản xuất chiều sâu. Người dân chỉ yên tâm làm ăn khi coi đất đó là tài sản của họ.
Khi giao đất nông nghiệp với thời hạn ngắn, người nông dân thấy rủi ro khi đầu tư vào đó. Ảnh: HTD
|
* Trước thực tế trên, nên sửa Luật Đất đai theo hướng nào?
+ Theo tôi, ta nên quy định theo hướng tùy theo loại đất mà Nhà nước giao cho người dân vĩnh viễn hoặc có thời hạn. Với vùng đã được quy hoạch là đất sản xuất nông nghiệp thì Nhà nước nên giao không có thời hạn. Với loại đất còn lại: Đất sản xuất tạm thời, đất dự tính cho đô thị, khu công nghiệp sẽ lan tỏa đến, đất là vùng đệm của rừng, đất an ninh… thì giao đất với thời hạn từ 50 năm trở lên. Muốn làm được như vậy, phải có quy hoạch tốt, công bố rõ đâu là đất sản xuất nông nghiệp, đâu là đất dành cho đô thị, cho công cộng… Nếu chính quyền giao đất sai, dân có quyền kiện chính quyền. Ở ta bây giờ có tình trạng cấp huyện thu hồi đất của dân rất dễ dàng, rồi giao đất cũng dễ dãi, không dựa trên quy hoạch. Ở nhiều nước, họ cũng giao đất nông nghiệp cho người dân theo cách như đã nêu ở trên. Nhưng khi nhà nước cần lấy đất làm công trình công cộng, nhà nước phải mua lại đất của dân theo giá thỏa thuận. Việc lấy đất của dân phải rất chặt chẽ, dựa trên quy hoạch được quốc hội thông qua.
Ngoài ra, nhà nước chỉ quản đất nông nghiệp bằng cách quy định: Khi bán thì người dân phải bán cho người sản xuất nông nghiệp. Khi anh không dùng nữa thì anh phải bán đất đó cho nông dân. Giờ ở ta, nhiều công chức, chủ doanh nghiệp không làm ruộng nhưng vẫn về nông thôn mua đất, loạn hết cả lên!
Bỏ hạn điền
* Hạn mức sử dụng đất hiện nay cũng làm nhiều người dân bị “kẹt cứng” khi muốn có thêm đất để sản xuất…
+ Theo quy định hiện hành, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha đối với các tỉnh, thành khác. Theo tôi, không nên giới hạn về hạn mức sử dụng đất. Không quy định hạn điền nhưng ta phải có quy định rõ: Sử dụng đất ở mức nào trở lên thì anh phải chịu thuế, mức nào thì phải chịu sự kiểm toán, mức nào thì phải mua bảo hiểm…
Người dân có quyền tích tụ ruộng đất nhưng khi họ sử dụng đất tới một mức nhất định, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng sản phẩm, môi trường… Hiện ở ta, dù người dân có 1 ha hay 100 ha thì cũng quản như nhau, vậy là không hợp lý!
* Thực tế nhiều người dân còn bị làm khó từ chính quyền khi tích tụ để tập trung sản xuất, thưa ông?
+ Việc tích tụ ruộng đất, mua bán đất đai của người nông dân nhiều khi tùy thuộc vào chính quyền. Điều này cho thấy chính sách để người dân tích tụ ruộng đất hướng tới sản xuất lớn chưa rõ ràng. Ta quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý nhưng người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà thôi, họ chưa có quyền sở hữu đối với đất.
* Xin cảm ơn ông.
Chịu “chi” để tiếp tục được giao đất
Một trong những điểm hạn chế lớn nhất hiện nay trong Luật Đất đai là việc giao đất có thời hạn. Khi hết thời hạn giao đất, thường xảy ra “xin - cho”, tiêu cực. Nhiều người chấp nhận “chi” cho chính quyền để tiếp tục được giao đất.
GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: