Top

Mở rộng và cải tạo thị xã Sầm Sơn đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035

Cập nhật 03/05/2011 09:40

Bộ Xây dựng thống nhất các nội dung cơ bản của Đồ án “Quy hoạch chung đô thị Sầm Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt như sau:

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 4,730ha, được xác định toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của Thị xã hiện nay là 1,788.8ha. Phần nghiên cứu đề xuất mở rộng gồm 06 xã: Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh, Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại thuộc huyện Quảng Xương với tổng diện tích khoảng 2,941ha.

Ranh giới nghiên cứu được xác định: Phía Bắc giáp ranh sông Mã; Phía Nam giáp xã Quảng Hải; Phía Đông giáp biển Đông; Phía Tây giáp xã Quảng Tâm, xã Quảng Giao thuộc huyện Quảng Xương.

Tính chất đô thị: Là đô thị du lịch biển, mộttrong những trung tâm du lịch của cả nước, hướng tới khu vực và quốc tế. Ưu tiên phát triển du lịch và dịch vụ cảng biển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.

Dự báo phát triển dân số và đất xây dựng đô thị:Dự kiến đến 2015 dân số toàn đô thị là khoảng 120,000 người, trong đó dân số nội thị là khoảng 75.000 người. Đến năm 2025 dân số toàn đô thị là 150.000 người, trong đó dân số nội thị là 130,000 người. Đến năm 2015 diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 3,155ha. Đến năm 2025 diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 3,629ha, không kể đất dự trữ phát triển khoảng 255ha. Hướng phát triển không gian và phân khu chức năng:Hướng phát triển chính là Tây – Bắc nhằm tăng cường gắn kết với thành phố Thanh Hóa. Hướng phát triển về phía Nam để mở rộng không gian phát triển du lịch.

Phân khu chức năng đô thị: Khu trung tâm hành chính chính trị đô thị có tổng diện tích khoảng 57ha. Các khu đất ở có tổng diện tích khoảng 1,057ha chia làm 2 khu vực chính: khu dân cư hiện hữu cần cải tạo chỉnh trang có diện tích khoảng 725ha; khu đô thị xây dựng mới có diện tích khoảng 332ha. Khu công viên cây xanh có tổng diện tích khoảng 301ha, bố trí chủ yếu dọc sông Mã, sông Đơ và xen kẽ trong các khu chức năng để tạo cảnh quan và cải thiện môi trường…

Các khu dịch vụ du lịch có tổng diện tích khoảng 1,046ha. Khu tiểu thủ công nghiệp và kho tàng có tổng diện tích khoảng 73ha. Các trung tâm chuyên ngành có tổng diện tích khoảng 121ha, bao gồm: trung tâm văn hóa, trung tâm hội nghị hội thảo, quảng trường văn hóa biển, phố đi bộ, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm y tế điều dưỡng.

Các trung tâm tài chính thương mại tổng diện tích khoảng 117ha phân bố tại trung tâm các khu chức năng và trên các trục đường chính của đô thị. Đất giao thông nội thị có tổng diện tích khoảng 412ha. Đất giao thông đối ngoại có tổng diện tích khoảng 162ha. Khu đất các công trình đầu mối có tổng diện tích khoảng 101ha bao gồm: các trạm xử lý nước thải, đất các nghĩa trang, âu trú bão tầu thuyền. Đất dự phòng phát triển sau năm 2025: 255ha

Định hướng quy hoạch giao thông về đường bộ :Đạilộ Namsông Mã nối thành phố Thanh Hóa với Sầm Sơn có lộ giới 67m. Quốc lộ 47 có lộ giới 34m, riêng đoạn nối với quốc lộ 10 có lộ giới 50m. Tuyến đường nối Ngã ba Voi với Nam Sầm Sơn có lộ giới 44m. Đường Duyên Hải có lộ giới 43m. Quốc lộ 10 kết nối giữa Sầm Sơn và các tỉnh thuộc Đồng Bằng Bắc Bộ, Khu kinh tế Nghi Sơn và Nghệ An có lộ giới đoạn đi qua khu vực quy hoạch là 71m.

Về đường thủy: Xây dựng mới cảng Lễ Môn công suất 1.5 triệu tấn/năm, mở rộng nâng công suất cảng cá Hới. Xây mới cảng biển du lịch tại khu Nam Sầm Sơn.

Giao thông nội bộ thành phố: Mở rộng các tuyến giao thông chính tạo trục cảnh quan và một số tuyến đường đi bộ. Nâng cấp và cải tạo mở rộng các tuyến đô thị còn lại với bề rộng lòng đường tối thiểu 7.5m, mật độ đường đạt 5-6km/km2. Phát triển vận tải công cộng: bố trí các tuyến xe điện phục vụ du lịch. Bố trí 3 tuyến xe buýt đối ngoại và các tuyến nội thị chạy dọc các trục giao thông chính. Công trình giao thông tĩnh: Bố trí hai bến xe đối ngoại với quy mô 3ha mỗi bến tại hai đầu của thị xã. Bến xe buýt trung tâm có quy mô 9ha bố trí tại phía Nam quốc lộ 47. Các điểm đỗ, bãi đỗ xe, quảng trường giao thông được phân bố hợp lý tại các trung tâm công cộng và khu ở.

Định hướng san nền và thoát nước mưa: Cao độ san nền và độ dốc thoát nước được xác định căn cứ vào cao độ ngập lũ của khu vực và các số liệu thủy hải văn hiện có, đảm bảo thoát nước tốt, bám sát địa hình tự nhiên và hiệu quả đầu tư. Thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Toàn bộ thị xã được phân chia thành hai lưu vực thoát nước chính dựa theo địa hình tự nhiên. Hệ thống thoát nước mưa được thiết kế theo nguyên tắc tự chảy, hướng thoát chủ yếu là ra sông Đơ, sông Rào và ra biển. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình mới làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của các khu dân cư hiện trạng liền kề.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng