Top

Luật Quy hoạch đô thị: Cần đề cao vai trò người dân

Cập nhật 12/07/2008 13:00

Ngày 10-7, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương phía Bắc lần cuối để hoàn chỉnh dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Dự kiến, luật sẽ được trình Chính phủ cuối tháng này.

Theo Bộ Xây dựng, trong thập kỷ qua, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam vào loại nhanh nhất thế giới. Hiện nước ta có 743 đô thị, trong đó có 48 thành phố.

Tính ra, cứ mỗi tháng cả nước lại có thêm 1 đô thị. Vì vậy, Luật Quy hoạch đô thị là văn bản pháp lý rất quan trọng.

Cấp giấy phép quy hoạch thay vì thỏa thuận

Theo Dự thảo luật, trước khi tiến hành đầu tư dự án, chủ đầu tư phải xin giấy phép quy hoạch. Giấy phép này được cấp căn cứ vào các quy hoạch đô thị được duyệt; trên cơ sở đó, chủ đầu tư dự án có thể tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết.

Ông Vương Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) giải thích, sở dĩ cần cấp giấy phép quy hoạch là để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư dự án và người dân trong thủ tục xin chứng chỉ quy hoạch rồi thỏa thuận quy hoạch... như hiện hành.

“Thỏa thuận quy hoạch là một hành vi hành chính rất không rõ ràng và không có căn cứ pháp lý. Thỏa thuận quy hoạch lại được làm sau khi đã có thiết kế cơ sở, nếu trong trường hợp vì lý do gì đó không thỏa thuận được thì rất “gay” cho chủ đầu tư vì thiết kế làm rồi”, ông Dũng nhận định.

Ngược lại giấy phép quy hoạch rõ ràng hơn, nó được cấp ngay khi chuẩn bị lập dự án, sau đó chủ đầu tư căn cứ giấy phép lập dự án, trình cấp thẩm quyền thẩm định, đủ yêu cầu thì cấp phép xây dựng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường lại lo ngại quy định về giấy phép quy hoạch sẽ gây phiền hà cho nhà đầu tư, trong khi hiện nay các thủ tục cũng đã rất phức tạp.

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị trong luật “phải ghi rõ ai giới thiệu địa điểm, cấp giấy phép quy hoạch và thời gian giải quyết là bao lâu?”.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, để triển khai một dự án, chủ đầu tư cần thực hiện 28 thủ tục và “ở địa phương có Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì phải 50 thủ tục”.

Sẽ góp phần giải quyết “siêu mỏng, siêu méo”

Dự thảo luật nêu trên quy định, những thửa đất và công trình xây dựng trên diện tích đất nhỏ hơn 15m2 sẽ không được cấp phép xây dựng, khi Nhà nước thu hồi cũng không đặt vấn đề bồi thường bằng đất hoặc công trình mà chỉ bồi thường bằng tiền.

Quy định này khiến một số đại biểu tỏ ra lo lắng cho quyền lợi của những người dân đang sử dụng những mảnh đất nhỏ ở đô thị – đa phần là dân nghèo thành thị. Theo Bộ Xây dựng, dự thảo luật khuyến khích người dân đô thị hợp khối trong trường hợp diện tích xây dựng quá nhỏ: “Trong trường hợp không thể, Nhà nước sẽ có cơ chế mua lại những mảnh đất như vậy để phục vụ mục đích công cộng”.

Kiến trúc sư trưởng, nên tồn tại hay không?

Từ bài học thất bại của Hà Nội và chính bản thân mình, KTS Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn phản đối chủ trương thiết lập lại chế độ KTS trưởng bên cạnh chính quyền đô thị. “Nếu thấy cần thì lập KTS trưởng, nhưng đó là vai trò cá nhân và tôi không tin bây giờ có cá nhân KTS nào lại quan trọng đến như vậy”. Ông thiên về phương án lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch, song yêu cầu làm rõ cơ chế hoạt động để tăng cường “thực quyền”cho hội đồng này.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Trần Trọng Hanh cũng không đồng ý quan điểm lập KTS trưởng - mô hình từng tồn tại 9 năm tại Hà Nội và TPHCM. Việc thiết thực hơn, theo ông, là áp dụng mô hình Ủy ban Quy hoạch và phát triển.

Đây không phải cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ có trách nhiệm điều phối các hoạt động. Thành viên ủy ban không thể thiếu đại diện cộng đồng dân cư - lựa chọn những người dân am hiểu về quy hoạch, kiến trúc. Ông nói: “Chỉ có như vậy luật mới bao quát được thực tế cuộc sống và ngược lại, khi ban hành, nó mới có thể dễ dàng đi vào cuộc sống”.

Theo Sài Gòn Giải Phóng