Top

Làm sao để giao dịch nhà, đất không bị ngưng trệ?

Cập nhật 10/08/2009 08:30

Trên thực tế, các giao dịch nhà, đất diễn ra liên tục dù phải chờ giấy mới. Trong ảnh: Làm thủ tục nhà, đất tại UBND quận Tân Bình. Ảnh: HTD

Tuy đưa ra nhiều giải pháp khác nhau nhưng các ý kiến đều thống nhất: Không thể tiếp tục cấp giấy hồng theo quy định cũ!

Từ 1-8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (gọi là Luật SĐBS) trong đó có quy định về việc gộp giấy tờ nhà, đất có hiệu lực. Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các hồ sơ xin cấp giấy đều phải ngưng để chờ cấp theo giấy mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các giao dịch nhà, đất diễn ra liên tục, nếu ngừng một ngày là ứ đọng hồ sơ và ảnh huởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Vậy có giải pháp nào hợp pháp và hợp lý, lại nhanh chóng nhất? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến một số chuyên gia với những kiến giải cụ thể.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Cấp chứng chỉ tạm thời

Trong lúc chưa có giấy mới thì không thể bắt người dân dừng lại những giao dịch về nhà, đất. Bắt dân đợi là không nên. Theo tôi, trong thời gian chờ giấy mới có thể nghiên cứu cấp chứng chỉ tạm thời. Đó là một loại chứng chỉ ghi nhận lại những thông tin về nhà, đất. Trong chứng chỉ ghi rõ: “Chỉ có giá trị trong thời gian chờ cấp giấy mới”.

Cách làm này cũng tương tự như việc ngành giáo dục cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho học sinh, sinh viên trong khi chờ có bằng tốt nghiệp chính thức. Dĩ nhiên, để cấp được chứng chỉ tạm thời về nhà, đất thì cũng cần phải ban hành thật nhanh một nghị định để quy định các vấn đề liên quan.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Viện phó Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng:

Tiếp tục cấp giấy cũ chỉ thêm rối

Bây giờ chỉ có hai cách thôi: hoặc Bộ TN&MT làm việc thật nhanh, sớm trình dự thảo nghị định cho Chính phủ, hoặc là người dân phải chờ thêm. Vấn đề là phải tạo sức ép xã hội đối với Bộ TN&MT để họ tiến hành mọi việc thật nhanh chóng.

Với những ý kiến đề xuất Chính phủ hoặc UBND TP.HCM cho tiếp tục cấp giấy cũ, tôi thấy không khả thi. Giờ mà cấp nữa thì giấy đó đâu có giá trị. Nói chung, đừng làm gì nữa, càng gây rối rắm thêm.

Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:

Ban hành gấp văn bản hướng dẫn

Chỉ có một cách duy nhất trong lúc này là phải gấp rút ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn việc cấp giấy mới mà thôi. Trong lúc chưa có giấy đỏ mới, các loại giấy chứng nhận được cấp sau ngày 1-8 đều là sai luật và không có giá trị pháp lý. Quan điểm xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hoặc Bộ TN&MT để làm khác luật là một cách làm sai lầm mà đâu đó vẫn tồn tại. Nó trái với nguyên tắc trọng pháp, cơ quan chấp hành pháp luật không có quyền làm sai luật.

Bộ TN&MT có trách nhiệm trong việc chậm trễ chuẩn bị nghị định, thông tư hướng dẫn việc cấp giấy mới. Do đó, chỉ có cách khắc phục là bộ này phải nhanh chóng hoàn chỉnh nghị định, thông tư để việc cấp giấy cho dân được tiếp tục thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, Phó Trưởng khoa Luật - Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM:

Từng có tiền lệ xin ý kiến chỉ đạo khác luật

Theo tôi, từ 1-8, không thể tiếp tục cấp giấy hồng, các loại giấy tạm, giấy chứng nhận lại càng không. Cơ sở nào để cấp các loại giấy này?

Nếu nói về nguyên tắc pháp lý thì chỉ còn cách phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn mà thôi. Xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay bộ trưởng cũng có thể là một giải pháp vì trước nay cũng có tiền lệ này để ổn định xã hội khi luật chưa thể thực hiện được ngay.

Có một cách khác là không cần đến sự tồn tại của loại giấy chứng nhận nào cả. Giấy chứng nhận không phải là bằng chứng tuyệt đối về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, bởi nó hoàn toàn có thể bị đánh đổ trước tòa án. Nhưng đây là một vấn đề lớn, đến nay nó vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xem xét đến.

 

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):

Giấy cấp sau 1-8 không thể giao dịch

Giấy hồng, giấy đỏ cấp cho người dân sau 1-8 không có giá trị pháp lý và người dân không thể đem giấy đó đi giao dịch được. Nếu người dân cứ nhận giấy này thì không chỉ khó trong việc giao dịch, mà sau này nhà, đất có vấn đề gì, giấy đó đưa ra tòa, tòa sẽ bác. Khi đó, người dân mới chết đứng!

Việc cấp giấy cũ chỉ là biện pháp tình thế nhưng lại gây hậu quả xã hội ở mức này, mức khác. Vì thế, trong thời điểm bản lề này, cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy cần phải thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ TN&MT, đợi khi có văn bản hướng dẫn và mẫu giấy mới thì cấp giấy mới cho người dân.

Khi làm luật, đã có một thời hạn để chuẩn bị văn bản hướng dẫn sao cho khi văn bản gốc có hiệu lực thì phải được thực hiện, đảm bảo các quan hệ xã hội vận hành một cách bình thường. Việc có luật rồi nhưng chưa thể thực hiện được do thiếu văn bản hướng dẫn là một căn bệnh lâu nay mà đến giờ vẫn chưa khắc phục được. Đây là lỗi sơ đẳng rất lớn trong quản lý nhà nước, là sự vô cảm trong xây dựng thể chế.

Theo tôi, người có thẩm quyền phải nghiêm túc kiểm điểm cơ quan chủ trì soạn thảo hay cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn để giữ trật tự kỷ cương. Trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan chuẩn bị cũng như quyết định những văn bản để thực thi luật. Nghị định do Chính phủ ban hành nhưng cơ quan tham mưu ban hành văn bản đó là do bộ, ngành chủ quản về lĩnh vực đó. Cơ quan tham mưu phải trình dự thảo nghị định lên đúng thời hạn.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP