Top

Lâm Đồng: Khổ vì quy hoạch

Cập nhật 30/10/2007 14:00

Dự án quy hoạch gần 20 năm nhưng không được triển khai, hoặc thay đổi mục đích dự án mà không hề có thông tin, trao đổi với người dân.

Từ "quên"...

Tháng 7 - 1988, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 384/QĐ - UB quy hoạch 16,5 ha để mở rộng Công viên hoa Đà Lạt. Suốt 19 năm qua, 10 hộ dân (trên đường Trần Nhân Tông) thuộc khu quy hoạch này mòn mỏi chờ đợi được đền bù để di dời đến nơi ở mới nhằm ổn định cuộc sống nhưng không cơ quan nào quan tâm. "Nhà chúng tôi đều là nhà cấp 4, xây dựng từ 14 đến 40 năm rồi, đã mục nát xuống cấp trầm trọng nhưng không được phép sửa chữa, xây mới. Khi dân xin hợp thức hóa nhà ở, đất ở thì bị Phòng Quản lý đô thị từ chối vì nằm trong khu quy hoạch" - ông Lê Văn Toàn (ngụ tại số 2/F7 Trần Nhân Tông) bức xúc nói. Ông cho biết thêm: Trong năm 2003 và 2004 có 2 đoàn đến đo đạc nhà đất và lập 2 bảng áp giá đền bù khác nhau gửi đến các hộ, 4 lần các hộ được mời để nghe chính quyền địa phương, Ban đền bù giải phóng mặt bằng thông báo việc áp giá và hứa sẽ bố trí tái định cư nhưng tất cả chỉ là... hứa.

Ngày 4 - 3 - 2005, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định số 427/QĐ - UB thu hồi trên 160.000m2 đất để giao cho Công ty Quản lý công trình đô thị Đà Lạt mở rộng vườn hoa, trong đó có gần 52.000m2 đất của dân. Từ đó đến nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Người dân đề nghị nếu Vườn hoa thành phố không có nhu cầu mở rộng nữa thì tỉnh Lâm Đồng sớm hủy dự án này và cấp sổ hồng để bà con có thể sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống.

...đến "tráo"

Năm 1990, UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch thung lũng tuyệt đẹp giữa hai trục đường Bùi Thị Xuân và Đinh Tiên Hoàng (BTX-ĐTH) làm khu Thể thao liên hợp - công viên. Năm 2002, được thay đổi thành khu Công viên văn hóa BTX-ĐTH với tổng diện tích 19.000m2. Theo đó Công viên văn hóa có 73.444m2 công viên cây xanh (chiếm 37,26%), 64 biệt thự, 77 lô nhà liên kế, 1 chung cư... Dự án này ảnh hưởng đến trên 200 hộ dân nhưng không có sự đóng góp ý kiến của người dân, cũng như không thông báo công khai cụ thể.
 
Chính quyền có gắn bản đồ quy hoạch nhưng từ năm 2002 không có động thái gì về phương án đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Cho nên, suốt 17 năm qua người dân khu vực quy hoạch "treo" này luôn sống trong thấp thỏm, bất an.

Ngày 26 - 8 - 2007, UBND phường 2 (Đà Lạt) tổ chức họp dân để công bố khu quy hoạch Công viên văn hóa BTX-ĐTH. Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Đà Lạt không hề đề cập gì đến mục tiêu dự án, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại...
 
Trước bức xúc của người dân, ngày 5 - 7 - 2007 UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đồng ý chủ trương cho tổ hợp các nhà đầu tư gồm: Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Viễn Đông và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam lập dự án đầu tư khu Công viên văn hóa, quy mô quy hoạch 197.122m2 với hình thức giao đất nộp tiền một lần và thuê đất có thời hạn 50 năm.
 
Văn bản nêu rõ: "Các nhà đầu tư có trách nhiệm trong 12 tháng phải lập dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... phối hợp với UBND TP Đà Lạt để thực hiện việc kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, di dời những hộ dân trong vùng dự án...". Thế nhưng, các nhà đầu tư này không hề xuất hiện trong cuộc họp dân ngày 26 - 8 - 2007.

Điều đáng nói, theo bản quy hoạch chi tiết xây dựng khu "Công viên văn hóa" do các nhà đầu tư này lập gửi đến các ngành chức năng đề nghị phê duyệt thì diện tích công viên cây xanh "teo" lại 15,87% (chỉ còn 31.291m2), tại đây sẽ mọc lên 4 tòa nhà cao tầng dùng làm khu trung tâm dịch vụ công cộng, khu văn phòng cho thuê, hai khách sạn 4 và 5 sao; số nhà liên kế, biệt lập, biệt thự tăng lên 180 căn. Một chuyên gia thuộc Sở Xây dựng phân vân: "Với bản quy hoạch chi tiết này không biết có nên gọi đây là công viên văn hóa nữa không? Chưa nói mật độ xây dựng quá dày liệu có phù hợp với quy hoạch chung của Đà Lạt đã được Chính phủ phê duyệt".

Theo Thanh Niên