Top

Kết hợp khu công nghiệp và khu dân cư

Cập nhật 22/05/2019 13:45

Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp làm khu công nghiệp phải quy hoạch quỹ đất dành cho phát triển nhà ở. Thực tế, không có khu dân cư cho công nhân, chuyên gia ở..., nhà đầu tư cũng rút lui.

Khu nhà cho công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) - ẢNH: ĐÌNH SƠN

Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ngày 21.5.

Nhu cầu bức thiết

Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp (KCN) TP.HCM, cho biết hiện TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 khu chế xuất (KCX) - KCN. Nhưng nếu tính tại các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với khoảng 1.600 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động thì số lượng có thể lên đến 380.000 lao động. Đáng nói, trong số 285.000 người đang làm việc tại các KCX-KCN đến nay TP mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 lao động. Còn phần lớn công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, hiện vấn đề nhà ở cho những người làm việc trong các KCN, KCX rất bức thiết. Điển hình như KCN Pou Chen (Q.Bình Tân) có gần 70.000 lao động nhưng không có khu nhà cho công nhân. Chính vì vậy người lao động phải dạt về các tỉnh lân cận để sống. Để hỗ trợ đi lại, công ty này đã bố trí 495 xe đưa đón công nhân ở tỉnh lên làm việc. “3 giờ sáng công nhân phải đi làm, chiều 5 giờ tan tầm mới về. Làm như vậy người lao động không nhìn thấy được mặt con. Từ đây phát sinh nhiều hệ lụy. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở cho công nhân quá bức thiết”, ông Tâm nói.

Là địa bàn có nhiều KCN, ông Nguyễn Văn Tình, nguyên Trưởng phòng Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh Long An, thừa nhận tình trạng trên và cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN với 140.000 người lao động. Ngoài ra, tỉnh còn có một khu kinh tế nhưng trong số này chỉ có 4 KCN có quy hoạch thêm khu dân cư đi kèm, đáp ứng được 6.000 chỗ ở cho người lao động. “Thực tế trên địa bàn tỉnh, nhiều KCN không thu hút được nhà đầu tư do không đáp ứng được chỗ lưu trú cho công nhân. Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại các KCX-KCN, việc đầu tiên họ thường hỏi là từ chỗ làm việc đến chỗ ở cho công nhân mất bao xa?”, ông Tình chia sẻ.

Trước thực tế đó, nhiều KCN tại Long An đang xin điều chỉnh quy hoạch, giảm bớt đất KCN 5 - 10% để chuyển sang làm khu dân cư. Điển hình như KCN Đức Hòa 3 được quy hoạch từ năm 1999 trên vùng đất hoang vu nên cũng không chú trọng làm khu dân cư. Tuy nhiên, khi tỉnh kêu gọi đầu tư vào đây, nhiều DN đến xem rồi về, không làm được vì không thu hút được lao động đến sống và làm việc khi họ không có chỗ ở. Hiện KCN này đang điều chỉnh một phần đất quy hoạch làm khu dân cư. Hay tại nhiều KCN khác trên địa bàn đã cho DN thuê gần hết đất làm nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên thực tế những khu này bức xúc về chỗ ở cho công nhân nên cũng đang xin điều chỉnh một phần làm khu dân cư. “Nhưng nói thật là thủ tục phức tạp khi chuyển từ đất KCN qua đất ở do phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch này phải được nghị quyết của Chính phủ duyệt”, ông Tình cho hay.

Không có khu dân cư, không thu hút được nhà đầu tư

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group, cho biết sau quá trình đầu tư ở Long An khoảng 5 năm, phát hiện rất nhiều KCN bỏ hoang vì không gắn liền với khu dân cư. Ngược lại với Bình Dương, các KCN hoạt động rất sầm uất bởi gắn liền với các khu dân cư. Điển hình như ở KCN VISIP 1-2 có một quỹ đất rất lớn dành cho nhà ở, dịch vụ phục vụ trở lại KCN. Hay ở các KCN do Becamex làm chủ đầu tư cũng quy hoạch các khu dân cư bài bản với đầy đủ tiện ích như nhà ở, trường học, chợ... “Một KCN mà không có nhà ở thì rất khó kéo các DN về đầu tư, xây dựng nhà máy. Vì không có nhà ở thì không có người về làm. Như KCN Đức Hòa 3 (Long An) rộng 1.800 ha nhưng không quy hoạch khu dân cư, khu nhà nào cho công nhân, người lao động hay chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các nhà máy nên mấy năm nay khó thu hút đầu tư”, ông Vinh nói thẳng.

Ông Nguyễn Văn Đực, đại diện cho Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng công nhân là những người đóng góp rất lớn cho ngân sách nhưng họ bị đối xử bất công nhất khi chính sách nhà ở cho đối tượng này gần như bị bỏ bê. Chính sách phát triển nhà cho đối tượng này còn rất nhiều cản trở, vướng mắc. “DN muốn làm KCN phải có quy hoạch nhà lưu trú cho công nhân trong các KCN để bán hoặc cho công nhân thuê. Khi làm nhà ở cho công nhân, DN đóng góp 30%, phần còn lại là chính quyền và chính sách lo. Nên có quỹ 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ nhà cho công nhân này để khi DN xây nhà cho công nhân, nhà nước phải tài trợ khoảng 2 triệu đồng/m2 xây nhà”, ông Đực đề xuất.

Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng TP.HCM), cho hay hiện nay thủ tục hành chính thực hiện một dự án làm nhà cho công nhân không khác gì các dự án nhà ở thương mại nên đã không khuyến khích được DN tham gia. Do vậy theo ông, nhà nước cần vừa có cơ chế chính sách khuyến khích, vừa hỗ trợ về thủ tục, thậm chí là tài chính.

Thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả làm nhà lưu trú

Ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng Phát triển nhà ở (Sở Xây dựng TP.HCM), nêu ý kiến: Tại TP.HCM, trong các đồ án quy hoạch KCN, KCX đều bắt buộc có quy hoạch khu dân cư phục vụ cho công nhân, chuyên gia nhưng quỹ đất eo hẹp nên rất khó. TP.HCM thèm quỹ đất rộng lớn như Long An để có thể làm được điều đó. Hiện chúng tôi đang xin UBND TP thu hồi quỹ đất do nhà nước sử dụng không hiệu quả để lựa chọn nhà đầu tư làm nhà lưu trú cho công nhân.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên