Top

Hòa Bình: Chậm đánh giá công tác đền bù giải phóng mặt bằng

Cập nhật 23/08/2007 14:00

Phải đến đầu tháng 8/2007, tỉnh Hòa Bình mới có được một cuộc Hội nghị đánh giá công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư "cấp tỉnh". Trong khi số hộ dân bị thu hồi đất cho 145 dự án do tỉnh cấp phép không phải là ít. Riêng năm 2006, đã có 128 quyết định thu hồi đất, liên quan tới 5.627 hộ...

Tồn tại lớn nhất tại trong việc thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là việc thu hồi không dứt điểm. Nhiều dự án lớn như đường Hồ Chí Minh, sân Gôn Long Sơn, khu công nghiệp huyện Lương Sơn, khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân, Làng văn hóa các dân tộc Hòa Bình... đều còn khoảng từ 10 đến 20% đất chưa thu hồi được, khiến cho có dự án chậm tiến độ hơn 2 năm.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên: hầu hết các dự án đều chưa thực hiện được việc lập phương án tổng thể trước khi thu hồi đất; thời gian đầu tư xây dựng các khu tái định cư quá dài; việc áp dụng các văn bản tại các địa phương chưa thực sự thống nhất, đặc biệt là giá bồi thường ở các vùng giáp ranh...

Trong khi đó bộ phận làm công tác giải phóng mặt bằng chủ yếu là kiêm nhiệm, có nơi xử dụng cán bộ hợp đồng trình độ hạn chế, yếu về chuyên môn, dẫn đến việc kê khai, kiểm đếm, lập phương án và thẩm định phương án bồi thường còn nhiều sai sót. Chưa kể một số cán bộ cố ý làm sai lệch số liệu, vụ lợi, có biểu hiện tham nhũng đang được các cơ quan pháp luật điều tra làm rõ.

Tại 7 dự án có khoảng 1.200 lượt người bị thu hồi đất, việc đền bù chưa thỏa đáng, giá đền bù thấp, chế độ chính sách chưa phù hợp, không được đền bù đất thổ cư..., người dân đã ra hiện trường phản ứng quyết liệt, cản trở lực lượng thi công, cấp chính quyền, lực lượng công an tổ chức lực lượng bảo vệ thi công nhưng cũng "không thành công".

Theo ông Quách Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, tới đây tỉnh sẽ có 7 giải pháp khắc phục tình trạng trên. Về mặt tổ chức, tỉnh yêu cầu UBND các huyện kiện toàn "bộ máy" giải phóng mặt bằng, thực hiện đúng chính sách đối với người bị thu hồi đất. Đồng thời tuyên truyền vận động cho người dân nắm vững luật pháp về đất đai, tạo sự đồng thuận của dân trong các dự án.

Nhưng UBND tỉnh sẽ rất coi trọng việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Trước mắt sẽ tổ chức kiểm tra tại các dự án có nhiều người khiếu nại, làm rõ các vấn đề bức xúc trong dân; xem xét giá đền bù tại các khu vực giáp ranh "nếu thiếu của dân phải bù cho đủ, kể cả đất tái định cư", ông Hùng nhấn mạnh như vậy.

Theo Nguyễn Trình - Bộ TN & MT VN